Vận tải

Buýt ngoại thành được trợ giá chất lượng thế nào?

20/10/2017, 08:05

Xe buýt trợ giá “phủ sóng” các huyện ngoại thành Hà Nội đã giúp việc đi lại thuận tiện, nhanh chóng hơn.

16

Mỗi chuyến xe buýt trợ giá ngoại thành đều đông khách từ trong bến xe

Đi học, đi làm, đi chợ, đi chơi đều bằng xe buýt

Theo thông tin của Báo Giao thông, với việc khai trương 5 tuyến xe buýt mới gồm: 101 bến xe Giáp Bát - Vân Đình; 102 bến xe Yên Nghĩa - Vân Đình; 103 bến xe Mỹ Đình - Hương Sơn; 104 Mỹ Đình - Bắc Linh Đàm và 105 Khu đô thị Đô Nghĩa - Cầu Giấy, Hà Nội đã chính thức xoá “vùng trắng” xe buýt trợ giá đến các huyện ngoại thành.

Phải ghi nhận rằng, giờ đi ngoại thành bằng xe buýt quá nhanh và thuận tiện, giá thành được trợ giá nên rất rẻ. Chỉ cần 7.000 - 9.000 đồng có thể từ Hà Nội về tận Chùa Hương, Ba Vì, Vân Đình, Phú Xuyên, Thường Tín...

Có mặt trên xe buýt BKS 29B - 122.38 chạy tuyến 102 bến xe Yên Nghĩa - Vân Đình (thuộc Xí nghiệp Xe buýt nhanh BRT Hà Nội), theo ghi nhận của PV, xe khá rộng rãi, ghế ngồi thoải mái, máy điều hòa mở liên tục, sàn xe được quét dọn sạch sẽ. Đặc biệt, trên xe có dán số điện thoại đường dây nóng 24/24h của Transerco cũng như số điện thoại của cơ quan công an về ANTT để hành khách có thể liên hệ ngay nếu có bất cứ vấn đề gì về chất lượng dịch vụ hay an ninh, an toàn.

Mỗi ngày, xe buýt Thủ đô thực hiện trên 14.000 lượt vận chuyển, phục vụ bình quân 1,1 triệu hành khách/ngày. Trong 9 tháng đầu năm, xe buýt thực hiện hơn 3,57 triệu lượt xe, đạt 98,8% so với kế hoạch, tăng 17,7% so với cùng kỳ.

Anh Mai Văn Tú (quê Nam Định) đang làm xây dựng tại Ba Thá chia sẻ: Đi xe buýt giờ khá thoải mái. “Xe buýt được trợ giá nên vé khá rẻ, chỉ 9.000 đồng. Phụ xe và lái xe đều thân thiện. Đặc biệt, giờ giấc xe khá chuẩn nên từ ngày mở tuyến, tôi chuyển hẳn sang đi xe buýt, đỡ phải đi xe máy, vừa xa vừa tốn kém”, anh Tú nói và cho biết thêm: Xe buýt từ Yên Nghĩa đi Ba Thá chỉ mất khoảng 40 phút, có hôm đi đến tận Vân Đình cũng chỉ mất 65 phút.

Lái xe Nguyễn Ngọc Tưởng chạy tuyến này cho biết, tuyến mới mở được 2 tháng nhưng lượng khách tăng tương đối nhanh, trung bình một chuyến khoảng 25 - 30 người. Thời gian cao điểm buổi sáng đông nhất (khoảng 5h) ở Vân Đình khoảng 60 hành khách. “Về thời gian, Tổng công ty quy định rõ bình quân là 65 phút/lượt, sớm hơn không được, muộn hơn phải có lý do chính đáng...”, anh Tưởng nói và cho biết: Quy định như vậy để đảm bảo lái xe đi với tốc độ an toàn nhất mà vẫn không bị muộn giờ của hành khách. Từ Yên Nghĩa về Vân Đình khoảng 33km. Thời gian mở tuyến từ 5h- 21h. “Lái xe được quán triệt phải luôn phục vụ khách hàng tốt, vận hành xe an toàn. Năm ngoái, có một anh chỉ vì không kìm được nóng giận mà văng tục với khách, bị phản ánh lên trung tâm chăm sóc khách hàng nên đã bị đình chỉ 1 tháng. Do vậy, anh em chúng tôi bao giờ cũng có thái độ khách hàng là thượng đế”, anh Tưởng chia sẻ.

Tương tự, trên tuyến buýt số 72, Yên Nghĩa - Xuân Mai, theo ghi nhận của PV, ngay từ đầu Yên Nghĩa, lượng khách đã khá đông, bao gồm cả người già, những người lao động, sinh viên. Anh Lê Thành Nam, lái xe trên tuyến cho biết, lượng hành khách trung bình mỗi chuyến đạt từ 40 - 60 khách. Tuyến buýt vận hành với tần suất 20-30 phút/lượt, mỗi ngày đạt 72-90 lượt/ngày, giá vé đồng hạng 7.000 đồng/vé.

Bác Trần Thị Thu, quê Xuân Mai thường xuyên đi xe buýt này để ra TP thăm con cháu. “Có 7.000 đồng mà từ Xuân Mai ra tận Hà Nội được. Số tiền rẻ vậy nhưng lái xe, phụ xe phục vụ có thái độ chuẩn mực. Xe buýt đi không quá nhanh cũng không quá chậm nên cảm giác rất an toàn”, bác Thu cho hay.

Tiếp tục trải nghiệm tuyến 62 trên xe buýt BKS 29B - 049.76 lộ trình Yên Nghĩa - Thường Tín, PV cơ bản ghi nhận sự hài lòng của hành khách. Em Nguyễn Thị Huyền Trang, sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây cho biết thường xuyên đi xe này tới trường. “Với vé tháng 100 nghìn, em có thể đi thoải mái xe buýt, ở bất cứ tuyến trợ giá nào. Xe đi lại thuận tiện, khá nhanh. Tới điểm nào loa cũng thông báo khá rõ ràng”, Trang nói. Cũng như vậy, cô Đào Thị Lan, Thường Tín cho biết, từ ngày có xe buýt 62 cô thấy rất thuận tiện. “Hàng ngày, chồng tôi thường chở rau bằng xe máy, còn tôi đi bằng xe buýt để đến chợ. Bán xong lại lên xe buýt về”, cô Lan chia sẻ.

Mở rộng hoạt động xe buýt, hạn chế phương tiện cá nhân

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc đưa xe buýt trợ giá vào hoạt động nhằm mục đích hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, giải quyết ùn tắc giao thông. Với mức giá chỉ từ 7.000 - 9.000 đồng, đi nhanh hơn xe máy, lại an toàn, không có lý do nào để người dân không chọn xe buýt.

Theo Giám đốc Trung tâm Quản lý & Điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải hiện tại, ngoài tuyến buýt BRT 01 Kim Mã - bến xe Yên Nghĩa, TP có 109 tuyến buýt với gần 1.800 phương tiện, hơn 4.000 lái xe và nhân viên bán vé. Trong số này, có 74 tuyến buýt trợ giá, 15 tuyến buýt thí điểm, 11 tuyến buýt không trợ giá và 9 tuyến buýt kế cận. Tổng số tuyến buýt mới mở trong 9 tháng đầu năm 2017 là 16 tuyến, chủ yếu các tuyến đi các huyện ngoại thành.

Cũng theo ông Hải, các tuyến buýt đã được cải thiện mạnh mẽ về chất lượng và các dịch vụ tiện ích trên xe như đèn LED, wifi, động cơ Euro 4, phần mềm timbuyt... Tới đây, thành phố sẽ triển khai áp dụng thẻ vé điện tử để khách hàng thuận tiện hơn, cơ quan quản lý cũng dễ kiểm soát”, ông Hải nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.