Vận tải

Buýt trợ giá “phủ kín” ngoại thành Hà Nội

07/09/2017, 10:05

Việc phủ sóng buýt trợ giá đến các huyện ngoại thành giúp Hà Nội hạn chế lượng xe cá nhân, giảm ùn tắc...

11

Những tuyến buýt mới của Transerco giúp hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc khu vực cửa ngõ Thủ đô - Ảnh: T.Bình

Buýt trợ giá có mặt ở 30 quận, huyện

Transerco vừa đồng loạt khai trương 5 tuyến xe buýt mới gồm tuyến 101 (Bến xe Giáp Bát - Vân Đình), 102 (Bến xe Yên Nghĩa - Vân Đình), 103 (Bến xe Mỹ Đình - Hương Sơn), 104 (Mỹ Đình - Bắc Linh Đàm) và 105 (Khu đô thị Đô Nghĩa - Cầu Giấy). “Đây là những tuyến buýt kết nối tới các khu đô thị, trung tâm thị trấn, thị tứ thuộc các huyện ngoại thành với khu vực nội đô nhằm tăng cường năng lực phục vụ hành khách có nhu cầu ra - vào trung tâm thành phố”, Phó tổng giám đốc Transerco Nguyễn Công Nhật nói.

Đáng lưu ý, theo ông Nhật, với việc mở 2 tuyến buýt 101 và 103, hai huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức là những địa phương cuối cùng trong 30 quận, huyện của TP Hà Nội chính thức được sử dụng dịch vụ xe buýt có trợ giá với dịch vụ tiêu chuẩn chất lượng cao. Trước đó, theo thông tin của Báo Giao thông, lãnh đạo hai huyện này liên tục gửi đơn lên thành phố đề nghị được mở mới các tuyến buýt có trợ giá đến đây.

Trong 5 tuyến buýt được mở, 2 tuyến số 104 và 105 là 2 tuyến xe buýt nhỏ sức chứa 30 hành khách, Transerco đầu tư trang bị xe buýt hoàn toàn mới với màu sơn xanh lá cây đặc trưng của các tuyến buýt gom. Ba tuyến buýt số 101, 102 và 103 sử dụng màu sơn vàng, đỏ truyền thống và hình ảnh chim bồ câu cách điệu gắn biểu tượng Khuê Văn Các với đầy đủ các tiện ích phục vụ hành khách như: Đèn led, wifi, GPS kết nối âm thanh tự động và sử dụng công nghệ truyền dẫn tốc độ cao cho phép cập nhật hệ thống âm thanh từ trung tâm tạo thuận lợi trong quá trình quản lý, điều hành và kiểm soát xe hoạt động trên tuyến, đồng thời giúp việc cập nhật thông tin thay đổi dịch vụ đến với hành khách nhanh chóng, thuận tiện.

“Mỹ Đức là huyện ngoại thành nên việc ra trung tâm thành phố và đi các tỉnh khác còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu đi học, công tác, buôn bán, khám chữa bệnh bằng xe công cộng trên địa bàn huyện rất cao. Việc phát triển các tuyến vận tải hành khách công cộng là cần thiết”, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều nói.

Tương tự, bà Hoàng Thị Vân Anh, Phó chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho hay, trên địa bàn hiện có hai tuyến xe buýt 75 và 78 nhưng chỉ hoạt động dọc QL21B dẫn đến việc tiếp cận, sử dụng xe buýt của người dân các xã vùng sâu gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, các tuyến buýt này không trợ giá, sử dụng phương tiện nhỏ, chất lượng kém, dừng đón trả khách tùy tiện, giá vé lại cao hơn nhiều so với xe buýt nội đô có trợ giá, nên chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

“Năm 2017, Transerco tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển xe buýt; Trong đó, mở 14 tuyến xe buýt và thí điểm 1 tuyến buýt City Tour phục vụ du khách tham quan du lịch Hà Nội; Đầu tư mới trên 200 xe buýt tiêu chuẩn hiện đại, tiên tiến, nhằm nâng cao chất lượng cũng như hình ảnh đoàn phương tiện”, ông Nhật nói và cho biết thêm: Tính đến nay, tổng công ty đã triển khai và đưa vào vận hành 2 tuyến buýt nằm trong kế hoạch năm 2016 và 9 tuyến buýt của kế hoạch năm 2017 phục vụ nhân dân các khu đô thị mới và các huyện ngoại thành gồm: Sóc Sơn, Thanh Oai, Đông Anh, Mê Linh, Ba Vì, Phú Xuyên…

Đánh giá về các tuyến buýt được mở mới của Transerco, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang cho rằng, cùng với giúp người dân được đi lại, hưởng chính sách xe buýt có trợ giá, việc phủ sóng buýt trợ giá đến tất cả các quận, huyện còn giúp thành phố hạn chế lượng xe cá nhân, giảm ùn tắc khu vực cửa ngõ.

Điều chỉnh lại mạng lưới, loại bỏ phương tiện cũ

Trao đổi với Báo Giao thông, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho biết, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư lớn để thay thế xe buýt và mở rộng vùng phủ sóng của các tuyến buýt.

“Chúng tôi có nhiều chương trình phát triển quan trọng cho xe buýt, đặc biệt là tăng cường chất lượng dịch vụ thay thế phương tiện cũ nát, đổi mới hình ảnh, trang thiết bị trên xe buýt, tạo hình ảnh mới, tiện dụng hơn cho hành khách”, ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, mở rộng vùng phục vụ của buýt, kết nối các khu vực chính là mục tiêu mà TP Hà Nội đang thực hiện, triển khai để điều chỉnh mạng lưới. Thừa nhận mạng lưới xe buýt hiện nay tập trung khá nhiều ở khu vực nội đô trung tâm, ông Hải cho hay: “Với sự phát triển và đô thị hóa rất nhanh, việc mở rộng các tuyến xe buýt sẽ tạo điều kiện để người dân tiếp cận dịch vụ ở trung tâm thành phố. Thông qua đây, cũng góp phần giảm sử dụng phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc trong nội đô”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.