Showbiz

Ca khúc trước 1975: Chưa có tiêu chí để cấm!

23/04/2017, 10:35

Theo PGS.TS Đặng Hoành Loan, cần ra được tiêu chí trước khi cấm đoán các bài hát.

18052594_1477804968956302_1455844531_n

Theo PGS.TS Đặng Hoành Loan, Cục NTBD có vấn đề về kiến thức văn hóa, nghiệp vụ trong vấn đề quản lý văn hóa nghệ thuật

Liên quan tới vụ lùm xùm của Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 (sau đó thu hồi lại văn bản này), cũng như những ồn ào quanh việc cấp phép các ca khúc trước năm 1975, Báo Giao thông đã có cuộc trò chuyện với Nhà nghiên cứu, PGS. TS Đặng Hoành Loan, Nguyên Viện trưởng Viện âm nhạc quốc gia Việt Nam về những ồn ào này, cũng như cách thức để ứng xử phù hợp với các ca khúc trước năm 1975. 

Cục có thể cấm bên xuất bản chứ không cấm được người hát

Thưa PGS, về  những lùm xùm mới đây của Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) xung quanh việc cấm lưu hành phổ biến những ca khúc trước 1975, bản thân ông nghĩ gì về việc này?

Quyết định vừa rồi của Cục NTBD chưa thực sự phù hợp và chưa đúng đắn nên mới bị phản ứng. Họ nhìn mọi thứ bằng con mắt chính trị chứ không phải nhãn quan văn hóa. 

Việc áp đặt này, muốn tránh thì phải nghiên cứu toàn diện, sâu sắc bản chất của nghệ thuật, cái gì phù hợp và cái gì chưa phù hợp. Còn hiện tại, Cục cứ ra quyết định dùng bài nọ, bài kia nhưng có dựa vào tiêu chí nào đâu? 

Việc Cục NTBD lấy lý do “trảm” 5 ca khúc trong hơn 22 ngày vì sai lệch với bản gốc có hợp lý?

Một ca khúc ra đời có thể ca sĩ sửa lời, công chúng sửa từ là điều bình thường. Trong những bài bị cấm vừa rồi có những ca khúc do tác giả sửa từ, như Con đường xưa em đi chẳng hạn. Điều đó cũng không có nghĩa gì phải cấm. Họ chưa có tiêu chí nào để cấm cả. Anh phải có những tiêu chí cụ thể và phải định thành luật, chứ không phải thích thì cấm.

Tôi nghĩ do Cục NTBD chưa giải thích được tiêu chí nên mới nghĩ ra lý do nó không đúng với bản gốc, thực ra để khỏa đi thiếu sót của Cục thôi chứ không đủ thuyết phục. Tôi không thích nghe bài gốc thì sao? Những dị bản là do tâm lý người thưởng thức muốn hát thôi.

Thứ nữa, Cục có thể cấm bên xuất bản chứ không cấm được người hát. Đây anh nói cấm là cấm hết. Ngay việc đó đã cho thấy sự không rạch ròi giữa người sử dụng bài hát và người sản xuất bài hát để kinh doanh. Người hát thích thì hát chứ? Chốt lại, họ có vấn đề về kiến thức văn hóa và kiến thức nghiệp vụ trong quản lý văn hóa.

con-duong-xua-1220

"Con đường xưa em đi" là bài hát do chính tác giả sửa lời.

Sau sự kiện “trảm” không thành 5 ca khúc, Cục NTBD chỉ ra Thông cáo báo chí nhận khuyết điểm rất chung chung. Ông có nghĩ họ đang nợ một lời xin lỗi với nhạc sĩ, thân nhân nhạc sĩ và công chúng Việt Nam?

Tôi nghĩ nếu cục NTBD có trả lời thỏa đáng sẽ tốt hơn. Trả lời minh bạch, rõ ràng, chứ không nên ỡm ờ, thiếu khúc triết cần có của một người quản lý. Sai thì sửa, không sợ gì cả, chỉ sợ không dám sửa thôi. Còn tôi cho rằng, chúng ta nên giải quyết bằng khoa học để họ nhận thức rằng mình còn khiếm khuyết về kiến thức sẽ tốt hơn là bắt họ nhắm mắt xin lỗi, để rồi lại tiếp tục mắc sai lầm.

Những nhạc phẩm trước năm 1975 cũng chứa đựng đời sống tâm tư tình cảm người Việt. Ông đánh giá ra sao về giá trị của nó?

Người Việt Nam thích bài nào thì hát bài đấy. Bài nào phù hợp với tâm trạng, tâm lý âm nhạc, cảm thụ âm thanh của họ thì họ hát. Chúng ta phải nghiên cứu con người Việt hiện tại đi tìm cái gì ở âm nhạc ấy. Nếu suy nghĩ như vậy ở ngữ cảnh văn hóa, chúng ta sẽ thấy giá trị nào đó trong nền âm nhạc trước năm 1975. Họ tìm đến thân phận chứ không phải vấn đề chính trị.

Cách đây hơn 20 năm, khi tôi xuất bản công trình nghiên cứu: Âm nhạc mới Việt Nam – Tiến trình và thành tựu, các học giả nước ngoài đã chất vấn tôi rằng, chỉ có âm nhạc mới của Việt Nam mới có thành tựu thôi à, còn nửa kia thì sao? Không có giá trị gì về văn hóa, thành tựu à? Dẫu sao họ cũng là người Việt nên họ cũng phải được đánh giá thành tựu của họ.

Anh cấm mà quần chúng vẫn hát thì có tác dụng gì?

Có nhiều bài hát nổi tiếng được công chúng biết đến rộng rãi, tuy nhiên, dư luận chỉ ngỡ ngàng khi ca khúc “Nối vòng tay lớn” chưa được cấp phép lưu hành. Và ca khúc này buộc phải được cấp phép mới được biểu diễn trong chương tình cùng tên. Ông nghĩ sao về điều này?

Việc cấp phép cho bài hát như tôi nói, chưa có tiêu chí nào cả. Bây giờ nhà quản lý phải đưa ra Nghị định rõ rệt về nội dung, thế nào thì được hát. Nhưng cái này phải đánh giá, nghiên cứu mới thực hiện được, nhưng theo tôi, Cục NTBD không làm được cái này đâu. Đó không phải cơ quan nghiên cứu. Điều này bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch có thể đưa vào chương trình hoạch định nghiên cứu về văn hóa của chính quyền miền Nam, về văn học, sử học, xã hội học, nghệ thuật học...  Làm điều này không khó. Năng lực nghiên cứu của Việt Nam hiện nay rất mạnh, nhưng đầu tư cho nghiên cứu thì yếu.

Tôi nhớ  năm 1987, giới âm nhạc Việt Nam đánh giá thấp nhạc rock, jazz. Trong buổi tọa đàm khoa học, ông Nguyễn Đình Thi phát biểu rất hay: “Âm nhạc nào được cộng đồng yêu mến, chấp nhận thì đó là nền văn hóa cao”. Tựu chung lại, nhân dân là người sàng lọc thông minh nhất. Họ biết hát bài gì, hát cái gì nên 40 năm qua, những bài hát tồn tại chính là sàng lọc của nhân dân. Đó mới là tiêu chí sàng lọc hay nhất.

Anh cứ ca ngợi, định ra mà dân không hát thì cũng vứt. Nghệ thuật phải có khán giả và đối tượng. Anh muốn xếp xó mà quần chúng cứ lôi ra để xài thì những bài đó là những sàng lọc tinh túy nhất.

Nếu việc ứng xử với các ca khúc của cơ quan quản lý không thay đổi, thì sự thẩm định của họ có mang lại niềm tin cho người làm nghệ thuật nữa hay không, thưa ông?

Tôi chưa bao giờ tán thành quan điểm cấm bài nọ, phải thẩm định nọ kia. Những bài hát đó đã được cuộc đời thẩm định, người dân thẩm định, ca khúc cũng được thẩm định hàng trăm năm nay rồi. Anh thẩm định, cấm mà quần chúng vẫn hát thì có tác dụng gì? 

Còn anh muốn thẩm định lời ca có khớp với bản gốc không thì chỉ có Viện âm nhạc Việt Nam mới có tư cách. Ở đó họ có có hàng vạn bản phơi (bản gốc - PV), rồi bên Trung tâm tác quyền của nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng đầy. Rồi việc bảo không thu thập được hết các bài hát để làm danh sách cấp phép một thể, thì ở hai đơn vị này số lượng cũng đủ cho các anh dùng mãi. Sao không sang đó mà xin? Các ông không chịu làm thôi.

Còn về việc cấp phép cho ca khúc, anh chả cấp phép, người dân vẫn hát thì anh cấp phép làm gì? Chỉ nên cấp phép cho các chương trình biểu diễn và xuất bản thì hơn. 

Giải pháp tối ưu nhất mà cơ quan quản lý văn hóa nghệ thuật cần đưa ra với ca khúc trước 1975 là gì, theo ông?

Những điều tôi nói như trên thế để thấy khuyết điểm vừa qua của Cục NTBD là do không nghiên cứu văn hóa của miền Nam. Chúng ta mắc nhiều sai lầm trong công tác nghiên cứu, cũng như bỏ qua cả một giai đoạn lịch sử. Để Cục NTBD không có những lầm lẫn trong thời gian tới, tôi cho rằng cần phải có những cuộc hội thảo khoa học, những công trình nghiên cứu, đánh giá một cách thỏa đáng về âm nhạc trước năm 1975.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

 >>> Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.