Chất lượng sống

Cả làng đánh cược mạng sống với "thủy thần"

09/11/2014, 15:37

Làng Giảng Hòa xã Đại Thắng (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) có trên 500 hộ dân sinh sống bị cô lập với các vùng khác bởi con sông Thu Bồn bao quanh.

Cây cầu biến thành chiếc “bè nổi” sau một đêm mưa.
Cây cầu biến thành chiếc “bè nổi” sau một đêm mưa.

Lâu nay, do không tìm được nguồn kinh phí nên người dân làng Giảng Hòa phải tự góp sức dựng cầu. Chiếc cầu tre họ dựng lên bằng những cây tre có sẵn, bao cát, dây thép…

Chiếc cầu đầu tiên được xây vào năm 2000, cầu chỉ dài 4m, rộng chưa đến 1m với vỏn vẹn 30-35 cây tre được chống nối tạm bợ nên chỉ được nhiều nhất 2 người đi qua, còn những ai đi xe máy thì mỗi lượt chỉ được 1 xe qua cầu.

Mỗi ngày trung bình có khoảng 200 lượt người qua lại, vào những vụ mùa thì con số đó còn tăng lên nhiều. Chuyện cây cầu còn bị nghiêng hẳn về một bên do quá tải hay bờ sông sạt lở là chuyện thường.

Vì làm bằng tre nên chỉ cần 1 đến 2 đêm mưa cây cầu đã bị mục, trơn hay các đoạn tre bung ra tạo thành những khe hở cách nhau đến 20cm. Thậm chí đến mùa mưa lũ, cây cầu bị sập biến thành chiếc “bè nổi” trên sông. Người dân vẫn tiếp tục “liều mạng” đi qua chiếc “bè nổi” này.

Trung bình mỗi năm dân làng ở đây phải xây lại 1 đến 2 cây cầu. Những năm bão lũ nhiều thì con số đó cũng tăng lên.

Bà lão bất chấp nguy hiểm qua cầu để kịp buổi chợ.
Bà lão bất chấp nguy hiểm qua cầu để kịp buổi chợ.

Điển hình như cơn bão Hải Yến (2013) làm cầu bị gãy hoàn toàn và bị dòng nước cuốn trôi, cả làng Giảng Hòa bị cô lập hoàn toàn. Chính vì thế, do không còn cách nào khác người dân nơi đây phải đem ghe ra phục vụ cho việc đi lại.

Vào thời điểm đó, rất ít người dám ngồi ghe vượt dòng nước chảy xiết  để đi chợ, đi làm… Nếu nước không rút, lũ kéo dài thì cả tuần họ phải đi kiếm cái rau, cái lá quanh vườn ăn tạm…

Chị Nguyễn Thị Hoa (34 tuổi, làm nghề bán rau) cho hay: “Mùa nắng thì còn đạp xe qua cầu được, mùa mưa bão thì chỉ dám đi bộ thôi tuy đường xa hơn nhưng cũng phải cố mà đi. Vào mùa mưa bão cũng muốn nghỉ vài bữa chứ nhưng rồi lại thấy ham (những ngày này rau bán được nhiều- PV), phần khác thấy các cụ, các bác trong làng cứ hỏi gởi mua cái này cái kia cũng thấy tội, mình còn khỏe ráng đi được bữa nào thì đi”.

Vào mùa mưa bão, trẻ em thì được cha mẹ chở đi gửi ở nhà người bạn bè người thân gần trường để tiện việc học hành cũng như đảm bảo an toàn.

Chị Huỳnh Thị Chữu (40 tuổi) cho hay: “Tuy nhà tôi và mẹ ruột chỉ cách nhau chưa được 4km nhưng tôi ít cho con về vì mỗi lần để con qua cầu là tôi sợ, lúc nào có ba cháu chở tôi mới dám cho con đi.”

Cô gái sợ sệt không giám qua cầu phải nhờ người dắc xe (lúc cầu vừa xây xong)
Cô gái sợ sệt không giám qua cầu phải nhờ người dắt xe (lúc cầu vừa xây xong)

Chưa có con số thống kê về tai nạn khi qua cầu cụ thể nhưng chuyện ngã xe, rớt cầu là chuyện thường xuyên xảy ra với người dân nơi đây. Có thể kể đến trường hợp của ông Huỳnh Đến (50 tuổi) lúc chở rạ qua cầu thì bị vướng vào các thanh tre khiến cả người và xe ngã xuống nước. Tai nạn khiến ông gãy chân, gãy tay và trầy xước toàn thân phải nằm điều trị 3 tháng.

Đặc biệt là vụ tai nạn thương tâm xảy ra năm 2012, anh Lê Văn Lanh (35 tuổi) cùng con trai về nhà lúc trời tối, gặp trời mưa, cầu trơn nên đã ngã xuống dòng sông khiến cháu bé tử vong trên đường đi cấp cứu.

Dù đã có chính sách di dân nhưng với quan điểm “một tấc không đi một li không rời”, người dân nơi đây vẫn bám trụ quê hương và gìn giữ văn hóa làng.

Tuy biết nguy hiểm nhưng người dân nơi đây vẫn “đánh cược” mạng sống đi qua cầu, đơn giản vì đây là cách duy nhất để họ có thể sang được bên kia bờ sông.

Nguyễn Thủy

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.