Thế giới giao thông

Các hãng hàng không lo đụng phải tên lửa Triều Tiên

06/12/2017, 09:34

Khi Triều Tiên phóng tên lửa là lúc máy bay CX893 đang ở trên không phận Nhật Bản.

32

Hãng hàng không Cathay Pacific sẽ không định lại tuyến bay, bất chấp vụ phóng tên lửa Triều Tiên vừa qua

Chuyến bay khiếp sợ nhìn thấy tên lửa

Vừa qua, phi hành đoàn trên máy bay của hãng hàng không Cathay Pacific Airways (Hong Kong) và nhiều máy bay của các hãng khác đã báo cáo về việc nhìn thấy tên lửa do Triều Tiên phóng lên hôm 29/11. Dù chưa ảnh hưởng trực tiếp đến lịch trình cũng như an toàn hàng không, nhưng sự việc trên khiến các hãng hàng không dân dụng lo ngại.

Trang Bưu điện Hoa Nam (SCMP) ngày 5/12 dẫn lời người phát ngôn Hãng hàng không Hong Kong cho biết, phi hành đoàn trên chuyến bay mang số hiệu CX893 đã báo cáo nhìn thấy một vật thể nghi ngờ là tên lửa đang quay trở lại bầu khí quyển vào lúc 2h18 (theo giờ Hong Kong) vào ngày 29/11.

Theo các trang theo dõi trực tuyến, khi Triều Tiên phóng tên lửa là lúc máy bay CX893 đang ở trên không phận Nhật Bản. “Mặc dù chuyến bay còn cách xa so với địa điểm diễn ra vụ phóng nhưng phi hành đoàn đã thông báo về sự việc cho đài kiểm soát không lưu theo đúng thủ tục”, người phát ngôn cho biết và nói thêm, hoạt động bay vẫn diễn ra bình thường, không bị ảnh hưởng. Hãng hàng không Hong Kong không thay đổi tuyến bay và vẫn duy trì cảnh báo, tiếp tục đánh giá diễn biến tình hình.

Trong thông báo trên hệ thống liên lạc trực tuyến của nhân viên, Giám đốc điều hành hoạt động của Cathay Mark Hoey, vốn là cựu cơ trưởng 747 cho biết: “Ngày 29/11, phi hành đoàn CX893 đã báo cáo - Chúng tôi vừa chứng kiến tên lửa của Triều Tiên nổ và tách ra gần vị trí bay của chúng tôi. Phi hành đoàn lập tức báo cáo Đài kiểm soát không lưu (ATC) kiểm soát nắm được tình hình”.

Theo báo cáo, “xét tình hình hiện tại, chuyến bay mang số hiệu CX096 có lẽ đang ở vị trí gần nhất, chỉ cách đầu đạn tên lửa khoảng vài trăm dặm”. Chuyến bay CX096 chở hàng của Cathay Pacific rời Hong Kong tới Anchorage, Alaska vào khoảng 23h tối 28/11. Chuyến bay di chuyển qua bầu trời Nhật Bản khi diễn ra vụ phóng tên lửa Triều Tiên.

SCMP dẫn dữ liệu radar cho biết, ngoài máy bay của Hãng hàng không Cathay Pacific Airways, còn có máy bay từ Vancouver của China Airlines, máy bay từ Seattle của hãng Eva Air - cả hai đều trên đường tới Đài Bắc và máy bay xuất phát từ Tokyo của hãng All Nippon Airways (Nhật), đều ở trong khu vực nơi tên lửa của Triều Tiên phóng tới.

Theo Bưu điện Hoa Nam, cơ trưởng của hai máy bay thuộc Hãng hàng không Korean Air trên đường tới sân bay Incheon, Hàn Quốc cũng cho biết, họ đã nhìn thấy tia sáng lóe lên từ nơi phóng tên lửa.

Hai chuyến bay này cất cánh từ San Francisco và Los Angeles (Mỹ). Bên cạnh đó, Singapore Airlines là một trong ba hãng hàng không có các chuyến bay trực tiếp từ Hong Kong tới San Francisco.

Người phát ngôn Hãng hàng không Singapore cho biết, không có máy bay nào của hãng bay cùng tuyến với CX893. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng xem xét vấn đề một cách nghiêm túc, giám sát tình hình cẩn thận và sẽ đình chỉ hoặc đổi hướng tuyến bay nếu cần thiết”, người phát ngôn cho hay.

Đây có phải tình hình nguy hiểm?

Khu vực không phận ở bờ biển phía Đông Nhật Bản thuộc Thái Bình Dương là một trong những tuyến vận tải đường không quan trọng nhất, thường xuyên có hàng trăm chuyến bay ngang qua mỗi ngày trên hành trình di chuyển từ châu Á và Bắc Mỹ.

Một trong những tuyến vận tải trên không quan trọng khác mà máy bay hay sử dụng đó là phía Bắc Trung Quốc và Nga. Tất cả hãng hàng không đều có kế hoạch bay riêng cho mỗi tuyến bay. Họ cân nhắc kỹ càng các nhân tố như an ninh, thời tiết đặc biệt là kiểu gió trong quá trình lập kế hoạch bay.

Cựu phi công Jeremy Tam Man-ho cho biết, việc định lại tuyến giữa Hong Kong và Bắc Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, trong những trường hợp như vậy thuộc về quyết định của các hãng hàng không. Jeremy Tam Man-ho cho rằng, những vụ phóng tên lửa như vậy gây ra mối lo ngại về an toàn hàng không.

Cơ quan An ninh hàng không và Cục Hàng không dân dụng nên thiết lập một hội đồng để giữ liên lạc với các đối tác trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga theo cơ chế chia sẻ tình báo tốt hơn về các động thái quân sự liên quan.

Phó chủ tịch Công đoàn Tiếp viên Cathay Pacific Airways Dora Lai Yuk-sim bình luận rằng, hãng không chính thức thông báo với các nhân viên về vụ việc này nhưng theo bà, cơ quan dịch vụ trên máy bay của Hãng hàng không Hong Kong đã theo dõi kỹ tình hình Triều Tiên phóng tên lửa trong 2 năm qua.

“Dù cũng có nhiều người đặt câu hỏi về tình hình an toàn hàng không khi xảy ra các vụ phóng tên lửa, nhưng tôi chưa bao giờ nghe thấy đồng nghiệp nào quá sợ hãi dù có quan ngại”, bà Lai cho biết.

Đối với các thông tin cho rằng, phi hành đoàn đã được cấp điện thoại vệ tinh để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp sau khi rời máy bay nếu buộc phải ở qua đêm tại Hàn Quốc, Hãng hàng không Hong Kong không xác nhận các thông tin này. Theo bà Lai, công đoàn sẽ tìm hiểu để làm rõ các thông tin trên.

Lâu nay, các hãng hàng không chưa thực hiện bất cứ động thái nào trước các sự việc Triều Tiên phóng tên lửa. Tuy nhiên, năm 2015, khi Nga leo thang chiến dịch quân sự chống Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tại Syria và Moscow bắt đầu phóng tên lửa từ biển Ba Tư buộc cơ quan an toàn quốc tế phải ra cảnh báo. Các hãng hàng không đều đưa ra quyết định hành động dựa trên đánh giá rủi ro riêng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.