Thế giới

Các nước được lợi gì khi tham chiến Syria?

16/04/2018, 11:08

Liên minh Mỹ - Anh - Pháp vừa tiến hành cuộc tấn công chớp nhoáng vào Syria để trả đũa một vụ tấn công...

11

Chiến sự tại Syria từ lâu đã không còn là nội chiến

Chiến tranh ở Syria sở dĩ kéo dài hơn 7 năm qua vì đây là một cuộc chiến lớn được đan xen bởi nhiều mâu thuẫn lợi ích, địa chính trị từ rất nhiều bên.

Với Mỹ và cường quốc phương Tây

Khi phát động cuộc tấn công nhằm vào Syria rạng sáng 14/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhận xét: “Trung Đông là một nơi rắc rối”. Anh và Pháp cũng tham gia vào cuộc tấn công này, đánh dấu lần đầu tiên vượt qua ranh giới cuộc chiến chống IS.

Vẻ bề ngoài, Mỹ tham chiến tại Syria mục tiêu chính yếu để tiêu diệt các phần tử khủng bố cực đoan (IS). Nhưng cường quốc này cũng đang theo đuổi các lợi ích khác tại quốc gia Trung Đông, trong đó, phải kể đến việc kiềm chế ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của Iran trong khu vực và để trừng phạt việc sử dụng vũ khí hóa học.

Bình luận trên báo The Atlantic hôm 15/4, ông Christopher Phillips, tác giả cuốn sách “Chiến sự Syria: Cuộc cạnh tranh quốc tế ở Trung Đông mới” nêu ra một loạt các chiến lược Mỹ từng sử dụng tại Syria. Trước sự gia tăng của IS năm 2014, Mỹ thường sử dụng các lực lượng phiến quân để chống lại IS. Chính quyền của ông Obama có dấu hiệu ủng hộ chính quyền Tổng thống Assad để bước sang một bên cuộc nội chiến, nhưng mặt khác lại cung cấp tiền hoặc vũ khí cho các nhóm phiến quân chống Chính phủ Syria, vì sợ rằng các nhóm phiến quân này sẽ theo IS.

Tuy nhiên, mục tiêu chiến lược của Mỹ tại Syria đã thay đổi theo thời gian. Dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ tuyên bố sẽ rời Syria “khẩn trương” sau sự sụp đổ của IS, bất chấp việc các cố vấn quân sự của ông Trump đang có kế hoạch gửi thêm quân tới quốc gia này. Nhưng khi tin tức chính thức đề cập sự hiện diện của Mỹ tại Syria đã tăng lên đến 2.000 quân lan ra thì Nhà Trắng đột ngột thông báo, tổng thống muốn họ rút dần khỏi chiến sự này trong vòng 6 tháng.

Và nhân một cuộc tấn công nghi ngờ sử dụng vũ khí hóa học tại Douma (Syria) hôm 7/4, ông Trump đã ra lệnh tấn công vào Syria, tương tự một cuộc tấn công năm 2017. Điều này cho thấy, Mỹ lại một lần nữa mở rộng sứ mệnh vượt ra ngoài chiến lược chống khủng bố.

Còn các cường quốc châu Âu như Pháp và Anh cũng tham chiến ở Syria nhằm tiêu diệt IS. Các chính sách của các quốc gia này phần lớn là theo các động thái của đồng minh Mỹ. Tuy nhiên, mục đích của châu Âu khác với Mỹ. Liên minh này mong muốn có sự chuyển tiếp chính trị tại Syria, giúp giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn của người dân nước này - vấn nạn đang trở thành “gánh nặng” cho nhiều quốc gia châu Âu.

Với Nga và Iran

Nga có mối quan hệ thân thiết với chính quyền Syria kể từ Chiến tranh Lạnh vì cảng Tartous của Syria là căn cứ hải quân duy nhất của Nga trên Địa Trung Hải. Việc Moscow giúp chính quyền Tổng thống Assad chống lại các nhóm phiến quân nổi dậy đã giúp gia tăng sự ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông. Sự can thiệp quân sự từ tháng 9/2015 đã giúp ông Assad không chỉ đảo ngược tình thế mà còn giành lại được phần lớn Syria.

Theo giới quan sát, mục tiêu quan trọng nhất của Nga tại Syria đó là để thế giới thấy Nga đã trở lại. “Điều rất quan trọng là Tổng thống Putin sử dụng Syria làm nền tảng để thể hiện sức mạnh của Nga và nhấn mạnh rằng Liên Xô đã từng là một nước đóng vai trò quan trọng ở Trung Đông, và nước Nga thời hậu Xô viết cũng vậy”, học giả Phillips nhận định.

Moscow có mối quan hệ gần gũi với hầu hết các bên tham chiến chính trong cuộc xung đột gồm Iran, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Vì thế, có thể nói, Nga chính là một cường quốc đóng vai trò không thể thiếu ở Syria.

Theo cố vấn cao cấp của International Crisis Group, ông Zalzberg: Nga đóng vai trò ngày càng tăng trong việc trung gian giữa hai địch thù Israel và Iran trong bối cảnh Tehran ngày càng gia tăng hiện diện quân sự tại Syria.

Chuyên gia này cho rằng, Iran là đồng minh lớn của chính quyền Syria từ những năm 1979. Iran coi Syria là một vùng đệm chiến lược chống lại bất kỳ hành động quân sự nào của Israel hoặc những nước khác từ phía Tây, cũng như là tiền đồn để trang bị và cung cấp vũ khí cho nhóm dân quân Hezbollah tại Lebanon nhằm gây sức ép lên Israel.

Với Thổ Nhĩ Kỳ, Arab Saudi và Israel

Arab Saudi tham gia vào cuộc xung đột Syria chủ yếu dưới hình thức tài trợ cho cuộc nổi dậy nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran, kẻ thù chính của nước này trong khu vực. Arab Saudi tìm kiếm cơ hội biến Syria thành một quốc gia thân thiện hơn và tài trợ cho các nhóm phiến quân có liên kết với các nhóm nổi dậy Hồi giáo.

Israel cũng giống vậy. Tel Aviv coi ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Iran tại Syria là điều đáng báo động, dù cho biên giới Israel với Syria hầu như chưa có xung đột. Quốc gia Do Thái lo ngại Tehran sẽ thiết lập các căn cứ quân sự vĩnh viễn tại Syria và cùng với nhóm Hezbollah duy trì lực lượng quân sự “sát sườn” với Israel.

Cố vấn cao cấp Zalzberg cho rằng, trước đây, Israel hy vọng rằng chính quyền Tổng thống Trump hoặc Arab Saudi sẽ thành công trong việc đẩy lui sự hiện diện của Iran tại Syria.

Theo ông Zalzberg, Israel có thể chấp nhận việc nắm quyền của Tổng thống Assad, nếu Iran không hiện diện tại Syria. Vì thế, Israel đã phát động nhiều cuộc tấn công nhằm vào Syria và mới đây nhất là cuộc không kích vào căn cứ Không quân T-4 (tỉnh Homs, Syria), nơi một số lực lượng Iran đóng quân.

Còn mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria là người Kurd. Lực lượng người Kurd tại Syria đã nhanh chóng trở thành một trong những lực lượng chiến đấu hiệu quả nhất ở Syria, giúp Mỹ trong cuộc chiến thành công chống lại IS. Một số người Kurd ở Syria liên minh với Đảng Lao động người Kurd (PKK), một nhóm hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ mà Ankara coi đây là một tổ chức khủng bố.

Khi người Kurd thành lập một khu vực riêng ở Syria (nhờ giành các phần lãnh thổ của IS trước đây), Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng đưa quân vượt qua biên giới và chiếm giữ thị trấn Afrin, phía Tây sông Euphrates, nơi Nga kiểm soát. Ankara cũng đe dọa sẽ tấn công thị trấn Manbij, nơi quân đội Mỹ có mặt cùng với các chiến binh người Kurd. Tuy nhiên, hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã nhượng lại sự tiếp quản khu vực cho ông Assad.

Những phân tích trên cho thấy sự phức tạp trong một cuộc xung đột đã không còn là nội chiến tại Syria. Theo tác giả cuốn sách bán chạy nhất về Syria, học giả Christopher Phillips: “Việc quá nhiều cường quốc đang tham gia vào chiến sự Syria với những lợi ích riêng đã khiến cuộc chiến ngày càng trở nên phức tạp, nghiêm trọng hơn theo thời gian và tương lai của Syria hiện đang được xác định ở bên ngoài biên giới nước này”.

Cuộc chiến chớp nhoáng của liên quân nhằm vào Syria

Hôm 14/4 vừa qua, Syria nói riêng và thế giới nói chung đã rúng động khi liên quân ba nước gồm Mỹ, Anh, Pháp bất ngờ tập kích các mục tiêu tại Syria vì cáo buộc nước này sản xuất vũ khí hoá học.

Nhận định về cuộc chiến chớp nhoáng, giới quan sát cho rằng cuộc tấn công tên lửa nhằm vào các mục tiêu ở Syria chỉ là một đòn tấn công hạn chế nhắm vào các mục tiêu nhất định và phát đi thông điệp rõ ràng về việc tránh đối đầu với Nga.

Mục tiêu và số lượng tên lửa mà Mỹ và các đồng minh dùng vào đợt tấn công nhiều hơn gần gấp đôi so với đòn trừng phạt hồi tháng 4/2017. Thế nhưng tất cả các mục tiêu này đều là những cơ sở được cho là liên quan tới cáo buộc vũ khí hóa học. Các căn cứ quân sự quan trọng của Syria cũng như Phủ Tổng thống ở Thủ đô Damascus không hề bị tấn công.

Đòn tấn công của Mỹ rõ ràng không tìm cách gây thiệt hại cho năng lực chiến đấu của quân đội Syria cũng như khả năng chỉ huy, kiểm soát của Tổng thống Bashar al-Assad, dù Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đưa ra những đe dọa rất quyết liệt trước đó.

Về cuộc tập kích của liên quân nhằm vào Syria, hôm qua 15/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việt Nam quan ngại trước tình hình hiện nay tại Syria và phản đối việc sử dụng vũ lực đe dọa cuộc sống của người dân vô tội cũng như hòa bình, ổn định tại khu vực".

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Hà Nội cho rằng mọi xung đột và bất đồng phải được giải quyết thông qua các biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc, trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia. Công ước của Liên hợp quốc về cấm vũ khí hóa học phải được triệt để tuân thủ.

Thùy Dương

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.