Thế giới giao thông

Các nước quản lý hàng không giá rẻ ra sao?

11/04/2017, 09:25

Từng là quốc gia áp giá sàn vé máy bay, nhưng vài năm trở lại đây, Trung Quốc đã thay đổi...

12

Hàng không giá rẻ tạo điều kiện cho những người thu nhập thấp cũng có thể bay

Quy định trên được bãi bỏ từ năm 2014. Trước đó, từng xảy ra nhiều trường hợp như Hãng hàng không Spring bị cơ quan quản lý giá địa phương tại tỉnh Sơn Đông phạt nặng vì ra mắt chương trình vé chỉ từ 1 nhân dân tệ trên tuyến Thượng Hải - Jinan vào năm 2006 và buộc phải rút khỏi tuyến này.

Lúc đó, chương trình vé chỉ từ 1 nhân dân tệ bị cho là vi phạm các quy định về giá của Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc. Từ năm 2014, Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc đã điều chỉnh, loại bỏ giá sàn, cho phép các hãng hàng không có thể giảm giá để hút khách. Qua đó, mức khuyến mại giá vé lớn nhất có thể lên tới 45%. Cũng trong đợt sửa đổi này, Chính phủ Trung Quốc còn nới lỏng rào cản về quy định mua máy bay mới, việc mở/khai thác tuyến mới và linh động hơn trong việc cung ứng giá nhiên liệu.

Lấy ví dụ về Spring Airlines, nếu như trước đây hãng phải mất 4 - 5 tháng để làm thủ tục cấp phép mua máy bay mới thì nay quá trình này đã được rút ngắn đáng kể. Nhờ đó, Spring Airlines có kế hoạch mở rộng đội bay với tốc độ 8 - 10 chiếc/năm. Ông Zhang Wu’an, đại diện Hãng hàng không giá rẻ Spring Airlines nhận định, các hãng hàng không giá rẻ như họ đã hưởng lợi rất nhiều từ sự ủng hộ của Chính phủ.

Xu hướng hàng không giá rẻ trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á đang phát triển mạnh do kinh tế phục hồi và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Đáng chú ý, Đông Nam Á chứng kiến xu hướng tăng trưởng phi thường trên thị trường hàng không trong một thập kỷ qua. Tại khu vực này, cứ một khách bay hàng không truyền thống thì có một khách bay hàng không giá rẻ - tờ báo Sydney Morning Herald (Australia) cho biết.

Dù tạo điều kiện về giá, quy định về đội bay… nhưng các hãng hàng không giá rẻ vẫn phải chấp nhận hạn chế về tuyến bay, cơ sở hạ tầng… hơn so với các hãng hàng không cung cấp đủ dịch vụ như Air China và China Southern Airlines để tiết kiệm chi phí. Các hãng này được khai thác các tuyến bay hấp dẫn nhất, slot cất/hạ cánh tốt nhất tại sân bay.

Các quy định đối với hàng không giá rẻ tại Mỹ và châu Âu cũng tương tự. Các hãng hàng không giá rẻ thường chỉ có thể sử dụng các sân bay thứ cấp hoặc ít tắc nghẽn vì chi phí tại các sân bay chính rất đắt đỏ.

Đó là lý do vì sao những chuyến bay giá rẻ như của Hãng hàng không Ryanair (Ai-len) không bao giờ xuất hiện tại sân bay quốc tế Heathrow (London, Anh) hay sân bay Charlé De Gaulle (Paris, Pháp)… Tại các sân bay này, nhu cầu hành khách cao nên phí hạ cánh đắt đỏ, các slot cất/hạ cánh bị hạn chế, thường ưu tiên cho các hãng hàng không truyền thống, cung cấp đủ dịch vụ.

Thay vào đó, các hãng giá rẻ như Ryanair bay tới các sân bay thứ cấp như: Gatwick, Stansted (Anh) và Beauvais (Pháp)... vì các sân bay này thường có đường băng nhỏ hơn, nằm ở vị trí xa khu vực trung tâm nên chi phí hạ cánh thấp, sẵn slot hạ/cất cánh hơn.

Cũng vì thế, các hãng giá rẻ thường chỉ sử dụng máy bay nhỏ, thân hẹp để vừa với đường băng tại các sân bay thứ cấp. Một hạn chế khác là thời gian đỗ tại sân bay và vệ sinh máy bay cũng rất ngắn (chỉ khoảng 20 - 30 phút), càng tiết kiệm thời gian đỗ tại sân bay thì càng đỡ mất phí. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.