Xã hội

Cách nào kiểm soát quyền lực thực chất?

11/09/2017, 10:30

Tiêu cực có nhiều dạng khác nhau, nhưng đáng lo ngại là tiêu cực xuất phát từ việc không kiểm soát được quyền lực.

6

Ông Vũ Quốc Hùng

Vấn đề kiểm soát quyền lực hiện đang được Ủy ban Kiểm tra T.Ư nghiên cứu để tham mưu cho Đảng, thông qua các buổi khảo sát, tọa đàm tại nhiều bộ, ngành, địa phương trong cả nước. Báo Giao thông có cuộc trao đổi với ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư nhằm làm rõ hơn về vấn đề được cho là đang rất cấp thiết này.

Tiêu cực xuất phát từ việc không kiểm soát được quyền lực

Nhiều năm qua, công cuộc chống tham nhũng, chống “lợi ích nhóm” tiêu cực đã được tiến hành mạnh mẽ, song kết quả vẫn còn rất hạn chế. Theo ông, phải chăng điều đó có nguyên nhân trực tiếp quan trọng nhất là chúng ta chưa làm tốt việc kiểm soát quyền lực, từ đó dẫn đến tha hóa cán bộ?

"Quyền lực vốn là của nhân dân, không phải của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Việc kiểm soát quyền lực trước tiên là để bảo đảm cho quyền lực luôn thuộc về đúng chủ nhân của nó, tức là thuộc về nhân dân, được sử dụng đúng mục đích, không bị lợi dụng, lạm quyền. Khi quyền lực bị lạm dụng thì tất yếu sẽ tha hóa cán bộ, đảng viên”.

Ông Vũ Quốc Hùng

Hiện nay, tiêu cực có rất nhiều dạng khác nhau, nhưng đáng lo ngại là tiêu cực xuất phát từ việc không kiểm soát được quyền lực. Xã hội càng đi lên thì tiêu cực càng nhiều, càng phức tạp, việc này có trách nhiệm của những người nắm quyền lực. Thực tế, có những người không có quyền, nhưng có lực cũng chi phối được không ít việc, nên vấn đề đặt ra là phải làm sao để kiểm soát.

Tuy nhiên, hàng loạt vụ việc được đưa ra cho thấy khâu kiểm soát quyền lực còn lỏng lẻo, gây phát sinh ra nhiều sai lầm, thiếu sót. Và cũng chính vì trong thời gian dài không làm tốt việc kiểm soát quyền lực nên người ta mới thường nói rằng, chúng ta luôn để “con voi chui lọt lỗ kim”. Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta buông lỏng kiểm soát quyền lực trong khi chúng ta có đầy đủ hệ thống pháp luật, đầy đủ quy định của Đảng? Câu trả lời là chúng ta đã không kiểm soát tốt được quyền lực.

Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra T.Ư có nhiều kết luận về sai phạm của các cán bộ, đảng viên. Đáng lưu ý, có những sai phạm nghiêm trọng và kéo dài qua nhiều thế hệ lãnh đạo nhưng không bị phát hiện, xử lý kịp thời. Thực tế này cho thấy điều gì, thưa ông?

Chúng ta luôn nhấn mạnh xử lý sai phạm không có vùng cấm, cũng không còn chuyện hạ cánh an toàn. Việc xử lý kỷ luật, cách các chức vụ trong quá khứ của các cán bộ từng có sai phạm đang cho thấy một việc là không còn chuyện hạ cánh an toàn, về hưu rồi nhưng vẫn có thể bị xem xét kỷ luật, xử lý.

Tôi lại cho rằng, việc này chúng ta đang làm là tiến trình sửa chữa những lỗ hổng trước kia. Hay như hiện nay, theo dõi thông tin hàng ngày, tôi thấy Thủ tướng đang có những chỉ đạo rất cụ thể về nhiều vụ việc, đồng thời đưa ra thời gian báo cáo chi tiết, điều này cũng là tín hiệu đáng mừng, để các cơ quan liên quan, những người có trách nhiệm làm việc nghiêm túc hơn. Có như vậy mới lấy lại được lòng tin của nhân dân.

Nguyên tắc đúng nhưng thực thi sai

Có ý kiến cho rằng, nguyên tắc tập trung dân chủ và cơ chế tập thể lãnh đạo đã và đang tạo ra tình trạng khó xác định trách nhiệm cụ thể của các cá nhân và tổ chức trong quá trình thực thi quyền lực. Điều này dẫn đến hiện tượng “núp bóng tập thể”, nhân danh tập thể để lạm quyền, vụ lợi mà không phải chịu trách nhiệm. Ông nghĩ sao về điều này?

Đối với Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ là một quy luật để hoạt động và phát triển, vấn đề là hiểu nó và thực hiện nó thế nào thôi. Tự bản thân nguyên tắc không sai nhưng chúng ta lại vận dụng sai. Tinh thần của nguyên tắc đó là mọi quyết định của Đảng phải dựa trên cơ sở dân chủ có ý kiến tập thể bàn bạc một cách không hình thức, không áp đặt. Những người có trách nhiệm cũng phải công tâm, nếu không rất dễ đưa ra các quyết định sai lầm. Cơ chế tập thể lãnh đạo phải đi liền với giao cá nhân phụ trách. Để xảy ra tình trạng “cá nhân núp bóng tập thể” là do ta làm việc, phân định không rõ ràng, rành mạch.

Trong Đảng, mọi việc phải được thực hiện bằng việc phát huy trí tuệ tập thể, không có chuyện chuyên quyền độc đoán. Nhưng cùng với đó, phải có cá nhân phụ trách công việc cụ thể, để sau này nếu tập thể sai thì tập thể chịu, nhưng cá nhân sai thì cá nhân phải chịu. Tức là tất cả quy định ta có, nguyên tắc hoạt động của ta đúng, nhưng ta thực thi sai nên gây ra hậu quả. Cũng chính vì thế, tuy có cơ chế kiểm soát nhưng chúng ta lại chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Việc “cá nhân núp bóng tập thể” như ông nói, phải chăng là việc khi người đứng đầu tha hóa, họ sẽ coi tập thể chỉ là bình phong để đưa ra quyết định cá nhân? Làm thế nào để ngăn chặn việc này?

Đúng thế. Khi quyền hạn được giao cho một cá nhân nào đó thì phát sinh quyền lực, từ quyền lực dễ bị tha hoá quyền lực. Bởi thế mà kiểm soát ở đây là kiểm soát con người, ngăn chặn con người không được sử dụng quyền lực để làm những điều trái với quy định, gây hậu quả xấu, cản trở sự phát triển.

Tôi cho rằng, giai đoạn hiện nay đang có những biến chuyển tích cực về quản lý, giám sát, kiểm soát quyền lực. Nhưng như thế chưa đủ, nó đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các quy định, cơ chế làm sao để những cán bộ có trách nhiệm không muốn, không dám và không thể thực hiện các hành vi tha hóa quyền lực, lộng quyền, lạm quyền, cửa quyền...

Theo ông, hậu quả của buông lỏng quản lý, tha hoá quyền lực là gì?

Hậu quả và lo ngại lớn nhất chính là làm mất lòng tin của nhân dân. Sự tha hoá, không giám sát quyền lực sẽ dẫn đến lộng quyền, gây hậu quả lớn, đất nước không phát triển được, đời sống nhân dân khó khăn.

Về tinh thần, người dân không biết dựa vào đâu, khi gặp khó khăn không biết kêu ai. Còn cán bộ nơi này, nơi kia lộng quyền sẽ dẫn đến một xã hội rối loạn, xã hội đi xuống thì rất nguy hiểm. Vì thế, phải xây dựng một xã hội ổn định và đoàn kết, những ai được giao trách nhiệm mà để dân mất lòng tin thì phải loại khỏi đội ngũ ngay.

Cơ chế kiểm soát quyền lực đang được Uỷ ban Kiểm tra T.Ư tiến hành nghiên cứu, bổ sung thông qua rất nhiều cuộc khảo sát, tọa đàm tại nhiều bộ, ngành, địa phương trong cả nước. Ông kỳ vọng thế nào vào việc làm này?

Đây là việc làm rất cần thiết, để ta làm rõ, nhận diện được các khía cạnh ảnh hưởng đến kiểm soát quyền lực. Nếu chúng ta làm đến nơi đến chốn cũng sẽ có tác dụng rung chuông cảnh tỉnh các cá nhân, tổ chức lâu nay đang còn tình trạng nể nang, né tránh, thậm chí có những người bị mua chuộc, làm việc bị chi phối bởi các nhóm lợi ích khác nhau.

Hy vọng những buổi toạ đàm này sẽ làm rõ vấn đề chúng ta đang phải đối mặt để đưa ra hướng khắc phục. Chúng ta đã có nhiều bài học kinh nghiệm, cùng với những thực tế được chỉ ra sẽ bổ sung cho các quy định về mặt chủ trương, tổ chức thực hiện.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.