Quản lý

Cách nào loại xe máy “quá đát”?

28/02/2017, 06:23
image

Người dân đang đặc biệt quan tâm đến việc lãnh đạo Hà Nội đề xuất thu hồi khoảng 2,5 triệu xe máy “quá đát”...

1

Xe cũ nát vẫn lưu hành trên đường Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội (Chụp ngày 27/2) - Ảnh: Khánh Linh

Người dân đang đặc biệt quan tâm đến việc lãnh đạo Hà Nội đề xuất thu hồi khoảng 2,5 triệu xe máy “quá đát” để đảm bảo môi trường và ATGT. Vậy, việc thu hồi này sẽ được tiến hành ra sao trong khi chưa có quy định về niên hạn và bắt buộc xe máy phải kiểm định để kiểm soát chất lượng khí thải?

Xe nát vẫn mát tay ga

Anh Tuấn, chủ một cửa hàng sửa chữa xe máy ở Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) dẫn khách vào bên trong cửa hàng xem chiếc xe Simson S51 phủ đầy bụi, rồi ra giá 1,8 triệu đồng. Chiếc xe cũ mèm, vỡ hết đèn xi-nhan, dây côn bị đứt, hai lốp xịt và lớp sơn bong tróc, yên bị rách. Theo anh Tuấn, chiếc xe này được sản xuất từ những năm 1990 của thế kỷ trước. Hiện, xe không nổ được máy nhưng nếu khách đồng ý mua, cam kết sẽ sửa chữa ngon lành, về chỉ việc đổ xăng pha nhớt là chạy tít, thậm chí là chở hàng vẫn êm.

“Cửa hàng tôi có 2 chiếc xe dạng này, nhưng vừa tuần trước đã bán 1 chiếc cho một người chuyên chở hàng cốp-pha ở dọc đường 70, giờ còn mỗi chiếc này thôi”, anh Tuấn nói.

"Việc đăng kiểm xe máy cũng khá dễ dàng, các trung tâm đăng kiểm chỉ cần một dây chuyền nhỏ, đạt chuẩn là có thể làm được. Kỳ đăng kiểm năm đầu tiên nên hỗ trợ để khuyến khích người dân mang xe đi đăng kiểm, sau đó mới thu phí”.

Ông Lê Đỗ Mười

Khảo sát của PV Báo Giao thông, dọc tuyến đường 70 và các tuyến đường vành đai của Hà Nội như: Tố Hữu, Lê Trọng Tấn, QL6, Nguyễn Trãi, đường 32, Nguyễn Xiển... không khó để bắt gặp những chiếc xe máy cà tàng, trơ khung, không còi, không xi-nhan, nhả khói khét lẹt, kéo theo sau cả cái “rơ-moóc” được thiết kế riêng để chở vật liệu xây dựng, đồ nội thất. Nhìn những chiếc xe như vậy, ai cũng phải giật mình vì sự liều lĩnh của người điều khiển. Những chiếc xe “nhiều không” này sẵn sàng tạt ngang, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều bất chấp sự an toàn của các phương tiện khác. “Không may bị CSGT xử phạt thì cố gắng lấy lại hàng, còn xe thì bỏ luôn vì tiền phạt còn nhiều hơn tiền xe, tiếc làm gì”, anh Lưu Xuân Tính, một người chuyên chở hàng thuê quê Yên Nghĩa, Hà Đông nói.

Theo các đơn vị dự thảo đề án kiểm soát khí thải xe máy và mô tô, số phương tiện tại Hà Nội và TP.HCM là nguồn phát thải chính gây ô nhiễm do chưa được kiểm soát khí thải. Ước tính tại hai thành phố này, mô tô, xe gắn máy đang lưu hành tiêu thụ 56% xăng (không tính diezen) nhưng lại thải ra 94% HC, 87% CO, 57% NOx và 33% PM 10 trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới kể cả chạy bằng xăng và diesel.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) cho biết, cả nước hiện có khoảng từ 30-35 triệu xe máy. Trong đó, lượng xe máy cũ có xuất xứ từ Trung Quốc có tuổi đời khoảng trên 10 năm chiếm từ 10-15%, lượng xe máy xuất xứ từ Nhật và các nước khác chiếm khoảng 5-10%. Riêng Hà Nội có khoảng gần 7 triệu chiếc, trong đó xe có tuổi đời trên 10 năm chiếm gần 2 triệu xe. TP.HCM cũng tương tự.

Xem thêm video:

2
Xe cũ nát lưu hành còn kéo theo xe thô sơ, gây mất TTATGT (Chụp ngày 25/2 tại phố Giảng Võ, Hà Nội) - Ảnh: Tạ Tôn

Có hỗ trợ chi phí loại bỏ xe máy cũ nát?

Theo lãnh đạo Vụ Môi trường và Cục Đăng kiểm VN (Bộ GTVT), Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định của Thủ tướng quy định việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe mô tô, loại có dung tích xi-lanh từ 175cm3 trở lên. Theo đề xuất của Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan, lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải bắt buộc đối với xe mô tô (trừ xe quân đội, công an phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng; Xe dùng cho người khuyết tật) là từ ngày 1/7/2018 áp dụng đối với xe có phân khối từ 175cm3 trở lên, đã có thời gian sử dụng trên 5 năm và lưu thông tại các thành phố loại đặc biệt, loại 1 và loại 2 trên cả nước. Việc kiểm soát khí thải xe đang lưu hành thông qua công tác kiểm định khí thải. Phương tiện loại này được cấp Chứng nhận về khí thải mới được phép tham gia giao thông. Sau năm 2020 có lộ trình áp dụng phù hợp đối với mô tô, xe máy có dung tích nhỏ hơn 175cm3.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng có ý kiến chỉ đạo Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất quy định về áp dụng tiêu chuẩn khí thải và kiểm định khí thải xe mô tô trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GTĐB. Trên cơ sở này, Bộ GTVT xây dựng lộ trình kiểm định khí thải đối với mô tô để triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước. “Khi trong luật quy định rõ việc kiểm định xe máy sẽ là cơ sở pháp lý để tổ chức triển khai kiểm soát khí thải, chất lượng an toàn kỹ thuật xe máy đang lưu hành”, ông Trần Ánh Dương, Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT) nói và cho biết, việc quản lý bằng niên hạn sẽ khó vì các nước không quản lý bằng niên hạn, ngay cả ô tô cá nhân cũng không quản lý bằng niên hạn.

“Theo quy định, đối với xe máy từ ngày 1/1/2017 phải đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 3. Từ góc độ kiểm soát chất lượng không khí, Hà Nội có thể đưa ra tiêu chuẩn xe đạt tiêu chuẩn mức độ khí thải nào đó mới được hoạt động trong nội đô. Ở góc độ trên, Hà Nội có thể triển khai được. Chỉ cần căn cứ vào đời xe, giấy chứng nhận đăng ký phương tiện có thể xác định được mức độ tiêu chuẩn khí thải của chiếc xe đó, xem có phù hợp để lưu thông trong nội đô không”, ông Dương nói.

Còn theo ông Lê Đỗ Mười, để loại bỏ xe máy cũ nát, trong giai đoạn này với những xe máy cũ trên 10 năm, sau khi định giá lại, sẽ dùng tiền từ nguồn đảm bảo ATGT để mua lại những chiếc xe máy cũ này. Các chủ xe phải cam kết không sử dụng xe máy nữa và chuyển sang sử dụng phương tiện vận tải công cộng. Tất nhiên, những chiếc xe này phải chính chủ, có xác minh của địa phương. Nếu làm như vậy và có lộ trình hàng năm, sẽ bớt đi được khoảng 1,5 triệu xe máy cũ nát, không đảm bảo chất lượng.

Đối với việc kiểm định xe máy, ông Mười cho biết, hiện chưa có một xe nào được kiểm định. Luật cũng chưa quy định việc này. Theo kinh nghiệm của nước ngoài, với xe máy cũ trên 10 năm sẽ gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Với những hộ kinh doanh phụ thuộc vào xe máy, chúng ta cần có giải pháp giúp họ chuyển đổi mục đích. Thực tế, với những xe máy được sử dụng để tham gia kinh doanh như chạy xe ôm, chạy chợ... sau khoảng 4-5 năm sử dụng sẽ xuống cấp nghiêm trọng, không an toàn. Việc quản lý, kiểm soát hay hạn chế xe máy cần có những văn bản quy phạm pháp luật cụ thể để thực hiện hiệu quả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.