Góc nhìn

Cách nào ông Trump thay được 4.000 nhân viên Chính phủ?

15/11/2016, 07:02
image

Ông Donald Trump đã bắt tay vào các kế hoạch mới cho nhiệm kỳ 4 năm của mình ở Nhà Trắng.

Tổng thống vừa đắc cử Donald Trump trong cuộc gặp
Tổng thống mới đắc cử Donald Trump lần đầu gặp gỡ với ông Obama tại Nhà Trắng

Tuyển 4.000 nhân viên chính phủ

Hôm qua, theo Reuters, website greatagain.gov thông báo về việc chính quyền của ông Trump công khai tuyển 4.000 nhân viên Chính phủ mới. Trong đó có cả các vị trí chủ chốt như: Các bộ trưởng, thứ trưởng, đại sứ, văn phòng điều hành của Tổng thống, nhân viên Nhà Trắng và các nhà hoạch định chính sách…

Cùng ngày, ông Trump chỉ định Reince Priebus, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa là Chánh văn phòng Nhà Trắng - vị trí được xem là “gác cổng” trong chính trường Mỹ. Trước ông Trump, đã có những tiền lệ tân Tổng thống “thay máu” nội các khi lên nắm quyền và một trong những vị trí được thay thế đầu tiên bao giờ cũng là Chánh văn phòng. Năm 2011, Willam Daley cũng được Tổng thống Obama cân nhắc thay thế ông Pete Rouse làm Chánh văn phòng Nhà Trắng. Daley ở thời điểm đó là giám đốc ngân hàng, cựu thư ký nội các dưới thời Tổng thống Bill Clinton.

Nói như Mark Cancian, một chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế, việc ông Trump “thay máu” 4.000 nhân viên Chính phủ chẳng có gì lạ, “bởi với tính khí của mình, ông ấy không có ý tiếp cận kẻ thù của mình”, theo Bloomberg.

Theo trang Fee.org, Luật Lao động Mỹ quy định những nhân viên bị sa thải với lý do chính đáng sẽ được hưởng một số tiền “bồi thường” thỏa đáng. Do vậy, hàng nghìn nhân viên không còn làm việc với chính quyền ông Trump nhiều khả năng sẽ nhận được một số tiền đền bù “severance pay” thích hợp. Thông thường, “severance pay” sẽ căn cứ trên thời gian làm việc. Tuy nhiên, không có trong “Đạo luật tiêu chuẩn lao động công bằng” (FLSA) của Mỹ, mà dựa trên thỏa thuận giữa hai bên (sử dụng lao động và lao động).

Hiện, chưa rõ số tiền đền bù là bao nhiêu, nhưng hãng tin Reuters dẫn nhận định của Chris Christie, Thống đốc bang New Jersey, một đồng minh của tỷ phú Trump rằng: Ông trùm bất động sản còn có thể sẽ yêu cầu Quốc hội thông qua dự luật giúp cho việc sa thải dễ dàng hơn. “Như bạn đã biết từ nghề nghiệp khác của ông ấy, Donald thích sa thải nhân viên. Cụm từ mà ông ấy hay dùng là “Anh đã bị sa thải”…”, Christie nói.

“Chúng ta đã sai lầm”

Nước Mỹ đã chọn được chủ nhân mới của Nhà Trắng nhưng những câu chuyện xung quanh kỳ bầu cử năm nay vẫn chưa dừng lại.

Khi tin ông Donald Trump thắng cử được tung ra, không chỉ có dư luận Mỹ mà cả truyền thông cũng “ngã ngửa”, thậm chí giới phân tích còn ví các hãng truyền thông Mỹ mới chính là những “kẻ ngốc” trong kỳ bầu cử lần này. Mới đây, ông Arthur Sulzberger Jr., Chủ tịch New York Times có thư ngỏ gửi độc giả và cam kết sẽ cải tổ tờ báo sau kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua.

Trước khi kết quả chính thức được công bố, hầu như tất cả các tờ báo đều ủng hộ bà Hillary Clinton cũng như dự báo chiến thắng cho bà. New York Times - một trong những tờ báo uy tín hàng đầu nước Mỹ có lịch sử từ năm 1851 tới nay nhận định, bà Clinton có tới 92% cơ hội chiến thắng. Còn hãng tin Reuters thậm chí cũng dự đoán khả năng chiến thắng của vị cựu ngoại trưởng Mỹ lên tới hơn 90%.

Trong thư ngỏ, ông Arthur Sulzberger Jr.  tuyên bố, sẽ “cải tổ để phục vụ cho nghĩa vụ báo chí cao cả của tờ New York Times, đó là phản ánh một cách trung thực về nước Mỹ và thế giới, không sợ hãi hay ủng hộ”. Ông Sulzverger hứa hẹn các bài báo của New York Times sẽ “luôn thấu hiểu, phản ánh đầy đủ các quan điểm chính trị và kinh nghiệm sống”.

“Những dòng cuối cùng trong thư này xin được nhường lời cho bà Clinton, lời nhắn gửi của bà tới những cử tri trẻ tuổi ủng hộ bà và những giá trị mà bà đại diện: Thất bại này thật đau đớn, nhưng xin các bạn đừng bao giờ đánh mất niềm tin vào việc phải chiến đấu đến cùng vì lẽ phải. Chúng tôi cần các bạn để tiếp tục đấu tranh, ngay lúc này và trong suốt cuộc đời các bạn”, thư ngỏ của New York Times viết.

Thực tế cho thấy, niềm tin mà người Mỹ dành cho truyền thông nói chung hay New York Times nói riêng đã sụt giảm thảm hại kể từ sau kỳ bầu cử lần này, chỉ còn 35%. Tờ New York Post gọi thư ngỏ của Chủ tịch New York Times là một “lời xin lỗi” không chính thức đối với ông Trump. Bài viết của New York Post có tựa đề: “New York Times: We blew it on Trump” (có nghĩa là: “New York Times: Chúng ta đã sai lầm đối với ông Trump”).

Nga, Trung Quốc sớm nối lại quan hệ với chính quyền của Donald Trump

Ngày 14/11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định: Nga sẵn sàng phối hợp để “làm nóng” quan hệ với Mỹ sớm nhất trong bối cảnh ông Donald Trump đắc cử Tổng thống. Tuy nhiên, ông cho biết, chính quyền Nga chưa biết nhiều về kế hoạch chính sách của ông Trump và thực tế là, những đề xuất khi vận động tranh cử sẽ khác lúc được thực thi khi ông Trump lên nhậm chức. Mặt khác, ông Ryabkov cho biết, việc Nga ủng hộ thỏa thuận hạt nhân giữa nhóm P5+1 với Iran là điều không thể thay đổi.

Trong khi, lúc tranh cử, ông Trump khẳng định, ưu tiên hàng đầu khi làm Tổng thống là bãi bỏ thỏa thuận.Một diễn biến khác cùng ngày, trong cuộc điện đàm đầu tiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhất trí “sớm gặp mặt” để thảo luận về quan hệ song phương, theo CCTV.

Ông Tập Cận Bình cũng khẳng định, Trung Quốc và Mỹ sẽ cùng hưởng lợi từ mối quan hệ hợp tác và cần phải có những nỗ lực chung nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Còn ông Donald Trump nhấn mạnh tới tầm quan trọng của quan hệ Mỹ - Trung, đồng thời bày tỏ lạc quan về mối quan hệ giữa hai nước.

B.T

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.