Hạ tầng

Cách nào quản dự án xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải?

25/10/2016, 07:27

Các dự án xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải đang tồn tại nhiều bất cập khiến hiệu quả không cao...

10

Nạo vét luồng sông Soài Rạp

Thực tế này đặt ra yêu cầu phải quản chặt hơn để nâng cao hiệu quả, chống thất thoát, tiêu cực tại các dự án này.

Chỗ nạo vét, chỗ không

Đánh giá về các dự án xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải tại một cuộc họp liên quan đến vấn đề này của Bộ GTVT, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh cho biết, người dân địa phương không đồng thuận bởi các đối tượng hút cát thường lợi dụng thi công vào ban đêm gây bức xúc dư luận, mất trật tự an ninh. Thậm chí, có hiện tượng gây sạt lở bờ sông.

Bức xúc hơn cả, theo ông Vĩnh là việc nạo vét thông luồng của các đơn vị chủ yếu dùng tàu hút nên chỉ vét được cát, còn bùn lỏng không thu gom được. Do các dự án được thực hiện theo hình thức lấy thu bù chi nên chỉ thực hiện trong khu vực có cát nên nạo vét không đúng luồng tuyến đã duyệt. Phương tiện nạo vét chỉ là các máy đào gầu dây nên chỉ chỗ nào cát bùn mới thực hiện được, còn đáy sông có đá và chướng ngại vật khác thì đành chịu.

Đối với luồng hàng hải Cửa Hội - Bến Thủy, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền, dự án này do Công ty CP Bình Minh Vàng - Vina thực hiện. Tuy nhiên, công ty chưa bố trí mốc ranh giới nạo vét; Không báo cáo khối lượng thực hiện và khối lượng xuất cho địa phương; Giám sát phương tiện thi công nạo vét chưa kịp thời nên gây nhiều khó khăn cho việc hướng dẫn tàu thuyền qua lại. Ông Điền kiến nghị cần chọn đơn vị thực hiện có đủ năng lực để tránh thời gian thực hiện kéo dài so với các dự án nạo vét, bảo trì luồng thông thường.

Trao đổi với Báo Giao thông về những thực trạng này, ông Bùi Nguyên Khôi, Giám đốc Ban Quản lý các dự án các công trình hàng hải cho biết, nhiều đơn vị xã hội hóa chỉ lợi dụng việc nạo vét để hút cát, chỗ nào dễ thì họ làm, còn chỗ nào có đá họ bỏ. Nạo vét không đúng thiết kế, năng lực đơn vị thi công yếu kém, không được thẩm định kỹ lưỡng. Thời gian thực hiện dự án chậm, thiếu các thủ tục pháp lý.

Quản cách nào?

“Trong số 32 dự án xã hội hóa, đến nay mới chỉ thực hiện 15 dự án. Nhưng qua đánh giá thấy quá nhiều tồn tại bất cập nên chúng tôi đang phải đánh giá và xem xét lại”, ông Khôi nói và cho biết thêm, cần thiết phải yêu cầu nhà đầu tư tuân thủ các quy định của pháp luật. Thông tư 28 của Bộ GTVT đã quy định tư vấn giám sát phải có mặt trên phương tiện nạo vét. Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện chưa cao. Thực tế giám sát qua thiết bị công nghệ như hệ thống AIS và camera sẽ cho hiệu quả cao hơn nhiều, có thể hoàn toàn kiểm soát được hành trình, hình ảnh các khoang chứa bùn đất trên phương tiện.

Tới đây, Cục Hàng hải VN sẽ có ý kiến với các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành liên quan để hướng dẫn, hỗ trợ và giải quyết nhanh chóng việc đăng ký tận thu sản phẩm nạo vét của các dự án để thực hiện nạo vét luồng hàng hải. Chủ trì việc GPMB tại địa phương, cụ thể là giải tỏa các đăng đáy và các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản nằm trong khu vực thi công dự án, chi phí hỗ trợ GPMB thi công do nhà đầu tư chi trả, xử lý nghiêm các hành vi khai thác cát trái phép trong vùng nước cảng biển. Hướng dẫn thủ tục cấp phép xuất khẩu cát nhiễm mặn nhanh gọn, xem xét tăng hạn mức, thời gian xuất khẩu phù hợp tình hình để các nhà đầu tư có thể sớm triển khai thực hiện dự án.

“Chúng tôi đang kiến nghị phải quy định rõ hơn về chức năng giám sát hành trình qua hệ thống AIS, quy định sử dụng camera hồng ngoại để có hình ảnh rõ nét khi thi công ban đêm và lắp thêm camera các cửa xả”, ông Khôi khẳng định.

Còn Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh kiến nghị Bộ GTVT thông báo bằng văn bản danh sách thiết bị thi công, nhân lực cho địa phương để quản lý.

Hiện nay, trong số 32 dự án đang thực hiện có 15 dự án đã triển khai thi công. Khối lượng nạo vét ước tính khoảng hơn 7,2 triệu m3. Tuy nhiên, từ đầu tháng 11/2015, Cục Hàng hải VN đã tạm dừng cấp mới giấy phép các dự án xã hội hóa để nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải. 10 dự án đã bị chấm dứt.

Theo đại diện Cục Hàng hải VN, thực tế cho thấy Thông tư 25/2013 và Thông tư 28/2015 chưa quy định về năng lực kỹ thuật của nhà đầu tư nên nếu có nhiều nhà đầu tư cùng đăng ký thực hiện dự án thì khó lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực sự; Hơn nữa chế tài xử lý đối với trường hợp vi phạm hợp đồng, chậm thực hiện dự án cũng chưa quy định…

Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN Đỗ Hồng Thái cho rằng, để sớm chấn chỉnh các dự án nạo vét xã hội hóa luồng hàng hải, cần sớm xây dựng Nghị định quy định về trình tự, thủ tục thực hiện nạo vét luồng hàng hải, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão, vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch, vùng quay trở tàu và khu nước, vùng nước khác trong vùng nước cảng biển kết hợp tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách Nhà nước và quản lý Nhà nước về hàng hải đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trong vùng nước cảng biển và luồng hàng hải xã hội hóa nạo vét, duy tu tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách Nhà nước. Trước mắt, cần tiếp tục sửa đổi Thông tư 25 và Thông tư 28 để giám sát chặt chẽ đối với các dự án đã được chấp thuận; Cấp kinh phí phục vụ hoạt động quản lý của Cục Hàng hải VN, Cảng vụ Hàng hải và thuê tư vấn độc lập để giám sát dự án.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.