Quản lý

Cách tính phụ cấp đơn giá đang làm khó nhà thầu xây dựng

14/11/2018, 07:24

Dự án BOT, BT không được thanh toán phụ cấp không ổn định sản xuất vào đơn giá nhân công là bất cập.

3

Công nhân CIENCO 4 thi công dự án nâng cấp mở rộng QL1 đoạn Nam cầu Bến Thủy 2 đến tuyến tránh Hà Tĩnh theo hình thức BOT (năm 2014) - Ảnh: Khánh Linh

Các dự án đối tác công - tư (PPP) được quản lý đầu tư xây dựng theo hệ thống các văn bản pháp luật tương tự những dự án sử dụng vốn Nhà nước. Tuy nhiên, trong khi các dự án sử dụng vốn Nhà nước được áp dụng phụ cấp không ổn định sản xuất để tính đơn giá nhân công, thì các dự án PPP việc áp dụng quy định này vẫn chưa rõ ràng.

Mong đối xử bình đẳng

Bộ Xây dựng vừa ban hành văn bản hướng dẫn về việc áp dụng phụ cấp không ổn định sản xuất vào đơn giá nhân công xây dựng giai đoạn từ năm 2005 - 15/5/2015. Văn bản do ông Bùi Phạm Khánh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng ký cho biết, tại Nghị quyết 104 ngày 8/8/2018, Chính phủ thống nhất cho phép áp dụng phụ cấp không ổn định sản xuất vào đơn giá nhân công ngành xây dựng đối với các dự án sử dụng vốn Nhà nước giai đoạn từ năm 2005 - 15/5/2015; không hồi tố đối với các dự án, gói thầu không áp dụng khoản phụ cấp này hoặc các dự án đã được kiểm toán, thanh tra kết luận xuất toán và đã nộp ngân sách số tiền phụ cấp không ổn định sản xuất hoặc các dự án đã quyết toán xong theo kết luận của thanh tra, kiểm toán; các hợp đồng ký kết trong giai đoạn này thì việc thanh toán, quyết toán chi phí nhân công xây dựng thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật liên quan áp dụng cho hợp đồng.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lưu Xuân Thủy, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho rằng, theo văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng chỉ cho phép các dự án sử dụng nguồn vốn Nhà nước áp dụng phụ cấp không ổn định sản xuất vào đơn giá nhân công xây dựng giai đoạn 2005 - 2015 là không công bằng đối với dự án sử dụng nguồn vốn xã hội hóa thực hiện bằng hình thức BOT, BT. Theo ông Thủy, các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT được quản lý tương tự các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, trình tự, thủ tục giống nhau, cả hai hình thức cùng làm ra sản phẩm, mất chi phí như nhau nhưng dự án BOT, BT lại không được thanh toán phụ cấp không ổn định sản xuất vào đơn giá nhân công là bất cập.

“Điển hình tại các dự án nâng cấp, mở rộng QL1, một số đoạn tuyến làm bằng vốn Trái phiếu Chính phủ, liền ngay bên cạnh là các dự án làm bằng vốn xã hội hóa theo hình thức BOT, BT. Trong khi các dự án sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ được tính phụ cấp không ổn định sản xuất vào đơn giá nhân công, còn các đoạn vốn BOT, BT lại không được áp dụng, khiến nhà đầu tư chịu thiệt lớn vì không được thanh toán các khoản chi phí này khi quyết toán công trình. Rõ ràng, nếu theo quy định này có sự phân biệt giữa con đẻ và con nuôi”, ông Thủy chia sẻ.

Bộ GTVT đề nghị sớm có hướng dẫn cụ thể

Liên quan đến vấn đề này, Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn áp dụng phụ cấp không ổn định sản xuất vào đơn giá nhân công xây dựng đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông ký cho biết, giai đoạn trước năm 2015, quản lý các dự án đầu tư xây dựng đều thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của hệ thống Luật Xây dựng 2003. Tuy nhiên, khi đó chưa quy định rõ việc quản lý dự án PPP, phải đến khi Chính phủ ban hành Nghị định 59/2015 ngày 18/6/2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng, mới có quy định rõ về nguyên tắc cơ bản quản lý dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, thực tế quản lý chi phí đầu tư xây dựng dự án PPP đều được thực hiện như đối với dự án sử dụng vốn Nhà nước. Do đó, Bộ GTVT cho rằng, nên áp dụng phụ cấp không ổn định sản xuất vào đơn giá nhân công xây dựng đối với dự án PPP như dự án sử dụng vốn Nhà nước theo nội dung Nghị quyết 104 ngày 8/8/2018 của Chính phủ: “Các hợp đồng ký kết trong giai đoạn này thì việc thanh toán, quyết toán chi phí nhân công xây dựng thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật liên quan áp dụng cho hợp đồng” để đảm bảo công bằng giữa dự án PPP và dự án sử dụng vốn Nhà nước, thực tế thực hiện.  

“Bộ GTVT đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, thống nhất với cơ chế quản lý chi phí đầu tư chung giữa dự án PPP và dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, hoặc có hướng dẫn việc áp dụng phụ cấp không ổn định sản xuất vào đơn giá nhân công xây dựng đối với dự án PPP để áp dụng quyết toán công trình”, Văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông ký nêu.

Quy định hiện hành đã bình đẳng giữa các dự án

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Văn Cư, Viện trưởng Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, phụ cấp không ổn định sản xuất là phụ cấp mang tính ngành nghề để bảo đảm cho công nhân xây dựng có cuộc sống ổn định, do đặc thù của ngành xây dựng là người lao động thường xuyên không có việc làm liên tục. Trước đây, quy định về phụ cấp không ổn định sản xuất có văn bản hướng dẫn riêng và chúng ta đã vận dụng. Lúc đó, đơn giá nhân công được tính theo lương cơ bản, lương cơ sở nhân với phụ cấp, thì mới xuất hiện quy định về phụ cấp không ổn định sản xuất. Tuy nhiên, sau này, cơ quan thanh tra, kiểm toán không cho phép vận dụng quy định về phụ cấp không ổn định sản xuất nữa.

Để giải quyết vấn đề này, ngày 10/3/2016, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 05/2016 thay thế Thông tư 01/2015 về hướng dẫn xác định đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng. “Trong Thông tư 05 đã tính hết cả phụ cấp khu vực, phụ cấp không ổn định sản xuất gộp chung thành tiền lương đầu vào ngành Xây dựng. Tức là, hiện nay, các dự án vốn Trái phiếu Chính phủ hay vốn BOT đều được tính toán đơn giá nhân công bình đẳng như nhau, không có sự phân biệt nào cả”, ông Cư nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.