Kinh tế

Cải cách thuế là vấn đề sống còn

01/11/2014, 06:18

Để thực hiện nghĩa vụ thuế, mỗi doanh nghiệp Việt Nam phải tiêu tốn 872 giờ/năm, tương ứng chi phí khoảng 20 tỷ đồng.

img

Đó là tính toán của Tổ chức Hỗ trợ phát triển Mỹ (USAID) công bố hồi cuối tháng 7 vừa qua. Cũng theo USAID, hiện thủ tục Hải quan có 500 văn bản với 5 nghìn điều kiện thực thi với tiêu chí “9 không” như: Không rõ ràng, không hiệu quả, không hiệu lực…

Còn theo Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2015 (công bố 29/10) của Ngân hàng Thế giới (WB), lĩnh vực Thuế của Việt Nam đứng thứ 173 trong tổng số 189 nền kinh tế được khảo sát với thời gian nộp thuế 872 giờ mỗi năm (gấp hơn bốn lần trung bình các nước trong khu vực là 208 giờ); số lần thanh toán 32 lần/năm và tổng chi phí thuế lên tới 40,8% lợi nhuận của doanh nghiệp! Các tổ chức quốc tế cũng chỉ ra rằng, việc chậm trễ trong thủ tục đưa hàng hóa qua biên giới có thể khiến GDP Việt Nam mất đi gần 30% và làm tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 15%.

Dẫn những con số biết nói trên để thấy, doanh nghiệp Việt Nam xoay sở hoạt động trong bối cảnh đầy thử thách vừa qua để có lãi mà nộp thuế đã khó; lo thực hiện các thủ tục để đóng thuế cũng khó không kém! Do đó, trong điều kiện thu ngân sách chật vật, bội chi năm nào cũng tăng, nợ công ở mức cao…, cải cách thủ tục hành chính về Thuế là một yêu cầu sống còn của nền kinh tế.

Đơn cử, việc rút ngắn thời gian nộp thuế từ 1.050 giờ năm 2010 xuống còn 872 giờ hiện nay đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được gần 2 nghìn tỷ đồng. Nghị quyết 19 đặt mục tiêu tới năm 2015, môi trường kinh doanh của Việt Nam phải ngang bằng mức trung bình của các nước ASEAN + 6, số giờ nộp thuế phải giảm xuống còn 171 giờ.

Nếu làm được điều đó, chi phí tiết kiệm được chỉ riêng từ thời gian nộp thuế cũng lên tới 6,6 nghìn tỷ đồng và trung bình mỗi người nộp thuế cũng sẽ tiết kiệm được 16,5 triệu đồng/năm. Còn nếu giảm 14 ngày cho thời gian xuất khẩu và 16 ngày cho thời gian nhập khẩu (hiện mất 21 ngày) để ngang bằng các nước trong khu vực, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 27,7%. Đó là chưa kể những tác động khác như lợi nhuận của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế.

Mở rộng ra các lĩnh vực khác, nếu nơi nào cũng rà soát, giảm thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến lĩnh vực của mình, chi phí tổng thể của toàn xã hội chắc chắn giảm mạnh. Và nếu chúng ta thực hiện được điều đó, năng lực cạnh tranh của quốc gia sẽ thăng hạng, kinh tế tăng trưởng mạnh, đời sống người dân được nâng cao.

Bảo Nguyên

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.