Làm báo cùng Giao thông

Cái giá của sự trung thực

05/03/2017, 08:06

Cuối cùng thì sự thật về việc cháu Trần Chí Kiên bị gãy chân cũng đã được sáng tỏ.

chau-kien-0640

Cháu Trần Chí Kiên, học sinh trường Tiểu học Nam Trung Yên bị ô tô đâm gãy xương đùi tại sân trường.

Nhưng sau khi vụ việc thuộc loại đáng xấu hổ này của ngành giáo dục tạm khép lại, cũng là lúc mở ra cho mọi người một cuộc tranh luận cần thiết khác: Nguyên nhân thực sự của thảm họa đạo đức mang tên bà Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc?

Một người có lương năng (lương tâm và năng lực) bình thường, trong trường hợp gặp cháu bé 7 tuổi bị xe taxi mà mình ngồi bên trong chẳng may (rõ ràng đây là chuyện không may) cán phải làm ngã xuống đường, sẽ hành xử như sau: Ngay lập tức lao ra khỏi xe để nâng cháu bé dậy, nhẹ nhàng, ân cần hỏi xem cháu bé đau thế nào, ở đâu. Nếu nghi ngờ có chấn thương nặng, chấn thương phần cứng có thể nguy hiểm đến tính mạng cháu bé (chuyện này rất dễ nhận ra), sẽ mau chóng gọi cấp cứu, huy động mọi thứ cần thiết nhất để loại bỏ nguy hiểm ban đầu cho nạn nhân, hô hào mọi người trợ giúp đưa cháu bé đến cơ sở y tế… trước khi người thân của cháu kịp đến.

Đó là một việc bình thường, mang tính bản năng, khi chúng ta là con người và nhất lại cùng trong một cộng đồng. Bản năng thiện này giúp chúng ta tồn tại qua mọi tai ương để duy trì cuộc sống.

Thế còn đây là hành xử của cô giáo Tạ Thị Bích Ngọc, người được đào tạo để làm một nhà sư phạm, hơn nữa lại là một hiệu trưởng: Vội bỏ ngay lên phòng làm việc, bảo cấp phó tìm cách lấp liếm sự cố và khi vấn đề có nguy cơ vỡ lở thì dùng thủ đoạn để lừa dối dư luận, sẵn sàng tung đòn đe dọa người trung thực...

Cháu bé, lúc này đã rõ là bị gãy xương đùi, không mảy may có chút gì trong những quan tâm, tính toán lạnh lùng của cô hiệu trưởng, đã ở tuổi đáng làm bà của nó. Bà hiệu trưởng huy động toàn bộ năng lực của mình chỉ để quyết bảo toàn cái chức hiệu trưởng có nguy cơ bị đe dọa nếu sự thật bị phanh phui, kể cả hy sinh thứ quý giá nhất là lòng trắc ẩn và sự trung thực. Bà quên rằng, nếu mất đi hai thứ vừa kể, thì ngay cả làm một người bình thường cũng không xứng đáng, nữa là còn thêm cái chức hiệu trưởng một trường học?

Chỉ riêng điều đó thôi, đã đủ khiến bà là người vô cùng đáng sợ.

Bởi vì, mỗi khi trên truyền hình chiếu cảnh cháu Trần Chí Kiên, do vừa phẫu thuật, phải đi theo kiểu lê lết, ngay cả người vô can cũng thấy đang đối diện với một lời trách cứ do chính mình nêu ra. Là người lớn, phải có trách nhiệm, đương nhiên bảo vệ bọn trẻ, dù chúng không phải là con cháu mình. Không bảo vệ được chúng, để chúng gặp tai nạn, khiến chính mình cảm thấy có phần trách nhiệm. Đó cũng là (và phải là) phản ứng bình thường của người có căn tính thiện.

Điều gì đã biến một căn tính thiện được ươm mầm từ khi còn là bào thai, lại có lúc biến mất hoàn toàn ở một con người, như trong trường hợp bà hiệu trưởng?

Trong trường hợp này, rõ ràng là ham muốn quyền lực đã phủ bóng tối đen kịt lên lương tâm bà. Ham muốn này tới mức khiến bà sẵn sàng nói dối. Bà đánh đổi cái vô giá là sự trung thực, lấy thứ chỉ đáng ở mức tầm thường và thản nhiên thành người độc ác, như mọi người đã thấy. Tai nạn của cháu Kiên có thể không nguy hiểm tới tính mạng, nhưng bằng hành động của mình, bà hiệu trưởng đã suýt giết chết một tâm hồn trong trắng, khi quyết dùng quỷ kế để biến cháu thành kẻ nói dối trong suy nghĩ của cộng đồng.

Bố cháu Kiên, anh Trần Chí Dũng, sau tất cả tấm lòng đôn hậu của một người cha, thêm lần nữa thực sự khiến tất cả chúng ta phải ngả mũ, khi đặt cho lòng trung thực của con anh một cái giá không thể đổi chác bằng bất cứ thứ gì khác, dù cao quý đến đâu đi nữa. Giá như bà hiệu trưởng cũng hành xử tương tự như anh Dũng, đặt lòng trung thực lên vị trí cao nhất, thì đã không phải nhận một bản án lương tâm thê thảm đến thế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.