Chuyện dọc đường

Cái lý của kẻ mạnh

16/08/2014, 07:00

Việc hãng tàu áp phụ phí vô tội vạ với chủ hàng xuất nhập khẩu không phải chuyện bây giờ mới nói tuy nhiên, lâu nay, vẫn chưa có liệu pháp "đặc trị" hữu hiệu.


Hãng tàu nước ngoài thản nhiên thu ngoại tệ bất chấp sự phản đối của chủ hàng. 


Đáng nói hơn, với các khoản thu này, bất cứ ai không cần chuyên môn sâu, không cần phân tích nọ kia cũng đều nhận thấy sự bất hợp lý. Như phí tắc nghẽn cảng thời gian qua đã được hãng tàu “đẻ ra” sau khi có tình trạng tắc nghẽn tại cảng Cát Lái. Tuy nhiên, sau khi Bộ GTVT phối hợp với các bộ, ngành liên quan giải quyết dứt điểm tình trạng này, cảng đã thông thoáng song phí tắc nghẽn lại vẫn được một số hãng tàu nước ngoài hoặc đại lý của hãng tàu tiếp tục thu. 


Hay như phí vệ sinh container được chủ tàu đưa ra với lý do đóng hàng hoặc do công nhân, máy móc bốc xếp gây bẩn. Tuy nhiên, với nhiều loại hàng sạch như dệt may, da giầy vẫn phải nộp loại phí này như thường với mức thu không hề thấp…


Câu hỏi đặt ra là tại sao tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nhưng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam không những không hạn chế được mà ngày càng phải đóng nhiều khoản phí hơn? Xin thưa, đúng là không phải bây giờ hãng tàu mới áp các khoản phụ phí vô lý với chủ hàng trong nước. Tuy nhiên, thời gian đầu, hãng tàu cho biết đó là tập quán quốc tế, nếu ta không đóng thì họ sẽ không vào. 


Dần dà, thu lâu thành quen. Hãng tàu cứ thu, chủ hàng cứ phải đóng. Đến nay khi nhận thấy sự bất hợp lý, chủ hàng muốn ngừng đóng cũng không dễ. Vì gần 90% thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu đang nằm trong tay đội tàu nước ngoài. Chủ hàng không có cách nào khác buộc phải chọn hãng tàu ngoại nếu muốn xuất khẩu hàng hóa. Khi không có sự lựa chọn khác, các hãng tàu nước ngoài toàn quyền quyết định thu cước bao nhiêu và các khoản phí gồm những loại nào, bởi suy cho cùng: “Kẻ mạnh luôn luôn đúng”.

Thanh Bình

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.