Chuyện dọc đường

Cảm ơn ông Vê ép ép!

01/12/2018, 19:16

Hãy cảm ơn VFF, họ đã cho những người hoài cổ được sống lại cái thời đã qua mấy chục năm.

13

Hàng nghìn người chen chân xếp hàng mua vé trận Việt Nam - Malaysia (Chụp sáng 11/11) - Ảnh: K.Linh

Bố mẹ tôi là những công dân đích thực của thời bao cấp. Quãng thời gian khốn khó, nghèo túng đi qua hết cả thanh xuân luôn là những mảng ký ức sống động của cả hai người. Bố tôi kể ngày xưa luôn đói cơm, luôn thèm thịt, thèm mùi nước mắm, tóp mỡ, thậm chí cả món bì lợn rán dai ngoách cũng thèm.

Thực phẩm thời đó hiếm, muốn mua phải xếp hàng, hàng rất dài, thậm chí phải đợi từ đêm đến sáng. Nhưng có những lần xếp hàng vô ích, cứ đến lượt vào mua thì cô mậu dịch viên vừa quát vào mặt và đuổi xơi xơi. Cô có quyền, cô chẳng thích bán thì cô chẳng bán, đơn giản thế thôi.

Nhưng uất ức nhất là hàng hóa trong cửa hàng thực phẩm bị mậu dịch viên tuồn ra chợ đen cho tiểu thương (thời đó gọi là gian thương) bán chui lủi kiếm lời. Uất ức nhưng chẳng làm gì được. Ai cũng lo sợ nếu làm to chuyện, ngày mai quay lại, những cô mậu dịch viên thét ra lửa sẽ nhớ mặt. Họ gây khó dễ, chỉ bán cho những thứ đầu thừa đuôi thẹo, mốc xanh mốc đỏ, thậm chí cứ thấy mặt là nói “hết hàng” thì gay go. Ai đã từng trải qua những cơn đói mới biết sợ các cô mậu dịch viên.

Trước đây, khi ai đó kể về những chuyện về thời bao cấp, tôi hay mắt tròn mắt dẹt lắng nghe. Thời của bố mẹ mình khó khăn quá, bằng cách gì mà cả hai người vượt qua được để nuôi dạy 3 đứa con ăn học nên người.

Nhìn chung, với thế hệ 8X, thời bao cấp luôn chứa đựng những câu chuyện lạ kỳ khiến người nghe khâm phục và sợ hãi.

Nhưng bây giờ, thật ngạc nhiên, sau mấy chục năm phát triển, mấy chục năm đất nước trên đà hóa rồng, chân trước chân sau bước vào thời đại công nghệ, ấy vậy mà tôi và rất nhiều người phải quay lại và nếm trải cảm giác của những công dân thời bao cấp tưởng như đã lùi sâu vào dĩ vãng.

VFF - vâng, chính là tên gọi tắt rất đỗi thân thương của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã rất nhiều lần để cho dân xếp hàng dài miên man bất tận, xếp hàng từ sáng đến đêm, dẫu mưa rét hay nắng cháy hầm hập trên đầu. Vậy nhưng sự khổ nhọc và mất tiền chưa chắc đã đổi được tấm vé.

Chẳng hiểu những bộ óc siêu việt tính toán của VFF ở đâu mà với cả ngàn vạn người dân có nhu cầu, họ chỉ mở vài ba cửa để bán. Tôi tự hỏi, nếu họ thông báo ngày giờ bán, mở ra từ 10, 15, 20 cửa để bán, liệu họ có làm được? Chắc chẳng khó khăn gì. Nhưng không, bao nhiêu năm qua, vé chỉ được bán nhỏ giọt, nhỏ giọt và người dân khốn khổ cứ phải chen lấn để đợi chờ.

Uất ức, vâng lại một nỗi uất ức giống hệt ngày xưa. Đó là người xếp hàng chày vảy cả ngày thì chưa chắc có vé. Nhưng dân phe vé thì cầm cả tệp trong tay, muốn mua bao nhiêu cũng có. Tất nhiên loại vé này đã được đẩy giá lên cao chót vót.

Việc bán vé trực tiếp thì mấy chục năm không thay đổi. May sao, năm nay VFF chuyển sang bán online. Nhưng cảnh xếp hàng trên mạng cũng chả sung sướng gì hơn. Canh ngày, canh giờ, cắm đầu khai báo, bấm bấm được một lúc thì mạng treo, sau đó màn hình xồ ra dòng chữ “vé đã bán hết”. Nhiều người phát điên, bức xúc, bực dọc vì họ bỏ công chầu chực, rình rập nhưng không cách gì mua được vé qua mạng.

VFF lý giải, có thể do lượng người truy cập quá đông nên hệ thống không thể đáp ứng. Đó cũng có thể là một lời giải thích. Nhưng người hâm mộ bây giờ rất khó tin. Là bởi, ở chợ đen vé vẫn được bán nhan nhản.

Cần, rất cần một hoặc nhiều cuộc thanh, kiểm tra của cơ quan cấp cao hơn về quy trình bán vé của VFF để người dân tin rằng, nếu VFF không có gì sai thì họ cũng luôn minh bạch, rằng những bất tiện mà người hâm mộ phải chịu suốt nhiều năm qua hoàn toàn xuất phát từ lý do khách quan đem lại.

Ở chiều ngược lại, nếu phát hiện những sai phạm thì tất nhiên cần phải xử lý đúng quy trình.

Thực tế, từ trước tới nay, người hâm mộ luôn phải nghe lý do từ một phía. VFF bảo hết là hết, bảo còn là còn, bảo đông người vào trang web quá thì tức là đông quá. Nói chung, một mình VFF một chợ nên họ muốn bảo sao cũng được.

Nếu không thanh tra, làm rõ, trả lời thỏa đáng thì có lỗi với người hâm mộ. Hoặc nếu VFF không sai thì chúng ta lại có lỗi với VFF vì đã trót giận hờn họ.

Và trong khi chờ đợi một đợt thanh tra, cũng nên suy nghĩ lạc quan một chút. Hãy cảm ơn VFF, họ đã cho những người hoài cổ được sống lại cái thời phải xếp hàng, phải chầu chực cách đây đã mấy chục năm. Quay ngược thời gian, gặp lại quá khứ một cách dễ dàng, đó chẳng phải điều mà không ít người luôn mong ước hay sao?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.