Điện ảnh

Cần bảo vệ nghệ thuật truyền thống

18/05/2016, 17:37

Nhà nước không trả lương, nhưng nuôi bằng các quỹ bảo tồn phát triển những loại hình nghệ thuật truyền thống.

NSND Le Tien Tho

 NSND Lê Tiến Thọ

Chúng tôi tìm hiểu và được biết các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống trên thế giới, ví dụ ở Nhật, Hàn Quốc họ cũng thực hiện xã hội hóa.

Nhà nước không trả lương, nhưng nuôi bằng các quỹ bảo tồn phát triển những loại hình nghệ thuật truyền thống. Quỹ này được đầu tư rất nhiều và hỗ trợ rất lớn cho các đơn vị nghệ thuật truyền thống. Cụ thể, hàng năm để họ tham gia những đề án, giao lưu quốc tế, festival, các chương trình biểu diễn phục vụ quần chúng.

Đặc biệt, Nhà nước cho các đơn vị nghệ thuật truyền thống tự chủ tài chính, gây quỹ bằng cách bán vé xổ số. Ngoài ra, quỹ này còn được những doanh nghiệp trong nước đóng và hỗ trợ thêm.

Xã hội hóa các đơn vị nghệ thuật sẽ giúp các nhà hát nghệ thuật truyền thống năng động hơn, hợp tác, kêu gọi tài trợ cho hoạt động nghệ thuật có chất lượng, có những tiết mục phục vụ cho nhân dân và giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.

Hiện tại, trong quy hoạch và phát triển nghệ thuật biểu diễn đã được Chính phủ phê duyệt đến năm 2020 và định hướng đến 2030, Nhà nước đã có những đầu tư chăm lo đến những nghệ thuật truyền thống. Ngoài ra, có chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc, cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc… được giảm 70% học phí. Bộ VH-TT&DL hỗ trợ các nhà hát liên kết với trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội tự tuyển sinh và đào tạo. Mới đây, Bộ còn có đề án đào tạo diễn viên, nhạc công những môn nghệ thuật truyền thống trên cả nước.

Xã hội hóa các đơn vị nghệ thuật là cần thiết nhưng Nhà nước vẫn cần có những ưu tiên chăm lo hơn cho những loại hình nghệ thuật truyền thống, cần đầu tư hỗ trợ dàn dựng và biểu diễn. Nhà nước vẫn phải nuôi đơn vị nghệ thuật không thể lấy thu bù chi. Có tiết mục chất lượng được Nhà nước đặt hàng. Có chính sách bảo tồn và phát triển, đi đôi với nhau. Năm 1959, Bác Hồ nói: “Nghệ thuật tuồng hay đấy nhưng phải cải tiến, chớ gieo vừng ra ngô”.

Nghệ sĩ ngày hôm nay phải điêu luyện, hát hay, diễn giỏi và phải năng động. Trong thời đại bùng nổ thông tin phải có thông tin để giới thiệu rộng khắp hơn, tiếp thị, quảng bá rộng rãi hơn. Chứ không chỉ là bán vé. Ngoài ra, các nhà hát phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm tiết mục nghệ thuật chứ không ỉ lại, nếu tác phẩm hời hợt không có chất lượng, khán giả sẽ quay lưng lại.

(Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam,nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.