Chất lượng sống

Căn bệnh thời đại mang tên đau vai gáy

03/05/2017, 13:05

“Căn bệnh thời đại” với tên gọi hội chứng vai gáy xuất hiện ở mọi lứa tuổi và đối tượng ngành nghề khác nhau.

18

Hội chứng đau vai gáy xuất phát bởi tư thế học tập, làm việc thiếu khoa học

“Căn bệnh thời đại” với tên gọi hội chứng vai gáy xuất hiện ở mọi lứa tuổi và đối tượng ngành nghề khác nhau. Tuy không nguy hiểm, nhưng nó lại khiến người bệnh mệt mỏi, khó chịu, giảm sút sức lao động và chất lượng cuộc sống.

Đau vai gáy ở người “khỏe”

Đau mỏi khắp vùng vai gáy triền miên, chị N.T.M (Nam Từ Liêm, Hà Nội) quyết định nghỉ một ngày vào viện chiếu chụp tìm nguyên nhân điều trị. Chị M. cho hay, hiện tượng nhức mỏi vùng vai gáy xuất hiện gần 1 năm nay, tuy nhiên, khoảng một tuần nay, mỗi khi ngồi vào bàn làm việc chỉ chừng 5-10 phút rã rời, rất khó chịu, mệt mỏi.

“Công việc nhiều xử lý không hết, nhưng đau mỏi quá đành bỏ đó”, chị M. than. Chị M. bất ngờ khi bác sĩ cho biết, kết quả chiếu chụp lại cho thấy chị không gặp bất kỳ vấn đề gì về thoái hóa hay thoát vị đĩa đệm vùng vai gáy. Mà nguyên nhân gây đau mỏi vai gáy của chị lại bắt nguồn từ chính thói quen làm việc “ngồi lì nhiều giờ trước máy tính”. “Bác sĩ cũng cảnh báo, nếu còn duy trì thói quen này thì nguy cơ thoái hóa là hiện hữu”, chị M cho hay.

Khi bị đau vai gáy nên nghỉ ngơi, hạn chế vận động ít ngày, bổ sung một số khoáng chất cho cơ thể như: calci, kali và các vitamin C, B, E; tắm nước ấm, xoa bóp giúp giãn cơ chỗ đau, tăng cường lưu thông trong cơ thể. Ngoài ra, người bệnh nên thường xuyên luyện tập thể dục thể thao với các bài tập phù hợp; vận động, nghỉ ngơi, giải lao giữa giờ làm việc, nên giải lao khi phải ngồi kéo dài; tránh căng thẳng; luyện tập các động tác dưỡng sinh, kéo giãn cơ thể...

Trao đổi với PV Báo Giao thông, BS. Nguyễn Kim Loan, khoa Cơ xương khớp, BV Thu Cúc cho biết, hội chứng đau vai gáy rất thường gặp ở những người “khỏe” và xuất hiện nhiều ở đối tượng học sinh, sinh viên và cán bộ công chức “ngồi bàn giấy”. “100% người ngồi làm việc với máy tính đều xuất hiện hội chứng đau vai gáy nhưng ở các mức độ khác nhau, điều này phụ thuộc vào khoảng thời gian liên tục bên máy tính và tư thế ngồi”, BS. Loan cho biết.

Với học sinh, sinh viên, hội chứng đau vai gáy phần lớn xuất phát từ việc ngồi học sai tư thế, hay gục đầu nhìn vào điện thoại di động… kéo dài trong nhiều giờ, nhiều ngày liên tiếp. Đáng chú ý, hội chứng này cũng có thể xuất hiện chỉ sau 1 giấc ngủ, thường gặp ở những người hay nằm ngủ một tư thế nghiêng, co quắp, gối cao đầu…

Theo lý giải của BS. Loan, thông thường chất axit lactic phải được đào thải qua vận động, tuy nhiên, do không vận động gây ứ đọng trong ổ khớp dẫn đến mỏi cơ xương khớp. Đây là sinh lý bình thường của con người. “Chính vì vậy, mọi người cần thay đổi thói quen ngồi lì hàng giờ đồng hồ một tư thế làm việc. Cần vận động nhẹ nhàng 5-10 phút sau mỗi 1-2h ngồi làm việc. Không nên để việc đau mỏi vai gáy kéo dài quanh năm, tích tụ lại gây nên thoái hóa đốt sống, lúc này buộc phải can thiệp điều trị”, BS. Loan khuyến cáo.

Đau vai gáy nguyên nhân từ thoái hóa và thoát vị đĩa đệm

Theo BS. Loan, sau loại trừ các yếu tố liên quan đến thói quen sinh hoạt hàng ngày thì nguyên nhân dẫn đến hội chứng đau vai còn do tổn thương các mặt khớp của cột sống cổ như: Thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, vẹo cổ bẩm sinh, dị tật, viêm, chấn thương vùng cổ... Tùy theo từng mức độ của bệnh mà người bệnh có những biểu hiện khác nhau, cơn đau có thể từ vùng gáy lan ra tai, cổ ở một bên hoặc đau từ gáy lan xuống bả vai, cánh tay ở một bên hay cả ở hai bên... Mức độ đau từ ít đến nhiều có ảnh hưởng tới tư thế đầu - cổ.

Cơn đau nhức có thể xuất hiện tự phát hoặc sau khi lao động nặng, mệt mỏi, căng thẳng, nhiễm lạnh và thường có tính chất cơ học: Tăng khi đứng, đi, ngồi lâu, ho, hắt hơi, vận động cột sống cổ; giảm khi nghỉ ngơi. Đau cũng có thể tăng khi thời tiết thay đổi. Theo BS. Loan, để chẩn đoán nguyên nhân, người bệnh cần được thăm khám lâm sàng, chụp X-quang cột sống cổ, đo điện cơ và chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống cổ...

Nếu bệnh nhẹ, cơn đau không kéo dài, người bệnh có thể tự điều trị giảm đau bằng cách dùng cao dán hoặc dùng hai bàn tay xoa bóp, gõ, vuốt cho vùng cổ, vai, gáy nhiều lần hoặc có thể đến các cơ sở vật lý trị liệu hoặc phòng khám Đông y để xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu. “Tuy nhiên, người bệnh không được xoa bóp bấm huyệt hoặc tập vận động trong giai đoạn cấp tính. Đồng thời, cần tìm đến các cơ sở vật lý trị liệu có uy tín tránh “tiền mất tật mang”, bà Loan khuyến cáo.

Còn với các trường hợp không thể can thiệp bằng vật lý trị liệu, bệnh nhân cần được thăm khám, chỉ định điều trị bằng thuốc, tư vấn vận động hoặc điều trị bằng phẫu thuật: Thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, vẹo cột sống... từ bác sĩ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.