Du lịch

"Cán bộ di tích, hướng dẫn viên du lịch phải biết Hán Nôm"

11/12/2018, 18:11

Sáng 11/12, Trung tâm Hán Nôm và Trung Quốc học (thuộc ĐH Thủ đô Hà Nội) chính thức được khai trương.

trung-tam-han-nom-anh1

TS. Trịnh Ngọc Ánh, GĐ Trung tâm Hán Nôm và Trung Quốc học và TS. Đỗ Hồng Cường, Phó bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cắt băng khai trương

 "Thật là có lỗi nếu không khai thác hết những di sản cha ông để lại"

Sáng 11/12, Trung tâm Hán Nôm và Trung Quốc học (khoa Văn hóa-Du lịch-Dịch vụ, ĐH Thủ đô Hà Nội) chính thức được khai trương. 

Tại buổi lễ, TS. Lê Thị Thu Hương - Trưởng khoa Văn hóa - Du lịch - Dịch vụ cho biết, mới thành lập chưa đầy 3 năm, Khoa xác định cần phải chọn cho mình những điểm nhấn để khẳng định một hình thức đào tạo sinh viên văn hóa du lịch khác biệt với các trường ĐH đào tạo văn hóa du lịch đi trước. 

“Chúng tôi xác định, để có nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa du lịch đáp ứng nhu cầu hội nhập và có bản sắc riêng của Thủ đô thì yếu tố lịch sử, văn hóa phải là nòng cốt. Hiểu được chiều sâu của lịch sử, văn hóa mới có thể thuyết phục được khách du lịch, mới hy vọng du khách đến và muốn quay lại. Đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh phải là những đại sứ mang văn hóa của Thủ đô nói riêng, của đất nước Việt Nam nói chung đến với bạn bè trong và ngoài nước”, bà Hương nói.

trung-tam-han-nom8

TS. Lê Thị Thu Hương - Trưởng khoa Văn hóa - Du lịch - Dịch vụ 

Cũng theo bà Hương, trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc trải qua ngàn năm Bắc thuộc và nền Hán học suốt thời phong kiến, cha ông đã để lại một di sản văn hóa đồ sộ mà dấu tích còn được lưu giữ một phần tại các di tích lịch sử văn hóa, các công trình kiến trúc, các tư liệu thư tịch cổ viết bằng chữ Hán, chữ Nôm… Thật là có lỗi với cha ông nếu chúng ta không khai thác hết những di sản mà cha ông đã để lại cho hậu thế. 

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, khách du lịch đến Việt Nam và khách Trung Quốc rất nhiều, nhất là ở Hà Nội nhưng đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đang vừa thiếu vừa yếu - thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn. Có những người biết tiếng nhưng lại không sâu sắc về kiến thức lịch sử văn hóa, còn một bộ phận có hiểu biết về lịch sử văn hóa lại không biết tiếng. Nhiều người trông coi các di tích lịch sử văn hóa không có sự hiểu biết về chính nơi mình trông coi, quản lý, vì vậy việc quảng bá lịch sử, văn hóa bị hạn chế nhất là đối với du khách Trung Quốc, Đài Loan…

Trung tâm Hán Nôm và Trung Quốc học có chức năng, nhiệm vụ chủ yếu gồm: Đào tạo bồi dưỡng các chương trình Hán Nôm trong và ngoài trường ĐH Thủ đô Hà Nội, cung ứng các dịch vụ liên quan đến văn hóa Hán Nôm, văn hóa Trung Quốc học và khoa học liên ngành. Giám đốc Trung tâm là tiến sĩ Trịnh Ngọc Ánh, cán bộ khoa Văn hóa - Du lịch - Dịch vụ, thuộc ĐH Thủ đô Hà Nội).

Từ thực tế đó, những giảng viên tâm huyết tại khoa cùng các cố vấn (4 chuyên gia đầu ngành về Hán Nôm học) đã đồng lòng xây dựng đề án với mong muốn vừa phổ biến kiến thức Hán Nôm, vừa nghiên cứu văn hóa Trung Quốc để hỗ trợ sinh viên trong việc học các ngành văn hóa và du lịch. Đồng thời, sẽ kết hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiến hành mở các lớp bồi dưỡng kiến thức Hán Nôm cho đội ngũ quản lý văn hóa, trông coi các di tích lịch sử văn hóa để có sự hiểu biết về Hán Nôm và văn hóa Trung Quốc và sẽ làm tốt hơn nhiệm vụ của mình.

“Chúng tôi xác định, bước đi ban đầu sẽ khó khăn, nhưng với sự tâm huyết, quyết tâm và sự giúp đỡ của của lãnh đạo nhà trường, Sở Văn hóa và Thể thao, các Viện nghiên cứu Hán Nôm…, chúng tôi tin rằng Trung tâm Hán Nôm và Trung Quốc học sẽ là một điểm nhấn tạo ra nét đặc thù của Khoa Văn hóa - Du lịch - Dịch Vụ”, bà Hương chia sẻ. 

trung-tam-han-nom-anh6

TS. Đỗ Hồng Cường, Phó hiệu trưởng ĐH Thủ đô Hà Nội phát biểu tại buổi lễ

Đại diện Ban giám hiệu ĐH Thủ đô Hà Nội, ông Đỗ Hồng Cường, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, Trung tâm Hán Nôm và Trung Quốc học là khát vọng của Ban giám hiệu nhà trường, của khoa. Được ký quyết định thành lập từ 30/5/2018, sau 6 tháng tìm hướng đi đến nay trung tâm chính thức đi vào hoạt động.

“Trước đây, hoạt động của nhà trường chủ yếu là nghiên cứu, giảng dạy, giờ đây có thêm ứng dụng, thực hành tạo thành môi trường đào tạo hoàn chỉnh”, ông Cường chia sẻ và tin tưởng Trung tâm Hán Nôm và Trung Quốc học sẽ nhanh chóng trở thành địa chỉ bồi dưỡng, đào tạo kiến thức Hán Nôm tin cậy của các cán bộ quản lý di sản, hướng dẫn viên du lịch.

Cán bộ quản lý di tích văn hóa và hướng dẫn viên du lịch cần phải có kiến thức Hán Nôm

Đồng quan điểm với đại diện Ban giám hiệu nhà trường, lãnh đạo khoa, ông Trương Minh Tiến, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể Thao Hà Nội cho rằng, có hai đối tượng cần được Trung tâm Hán nôm và Trung quốc học hướng đến đầu tiên, đó là những người quản lý di tích văn hóa và hướng dẫn viên du lịch. 

“Chúng tôi rất trăn trở trong quá trình quản lý di tích văn hóa còn thiếu nhiều yếu tố, đặc biệt là kiến thức về di tích. Hà Nội có hơn 5.900 di tích, tương ứng có ít nhất 5.900 người trông coi, quản lý di tích, hầu hết không có kiến thức về Hán Nôm. Mong Trung tâm hướng đến đối tượng này, có kể hoạch giúp họ có kiến thức cơ bản về Hán Nôm, ít nhất phải đọc được chữ Hán, Nôm trên di tích, hiểu được giá trị cơ bản về di tích.

Với hướng dẫn viên du lịch, đa phần chỉ cần học ĐH ngoại ngữ, có chứng chỉ về du lịch là có thể dẫn đoàn. Do đó, khi đưa khách đến các điểm di tích nhưng không có kiến thức Hán Nôm là một điều rất hạn chế. Vì vậy, việc bổ sung những kiến thức Hán Nôm cơ bản là điều cấp thiết cần trang bị cho đối tượng này”, ông Tiến mong mỏi.

Ông Tiến cho biết, Sở Văn hóa và Thể Thao Hà Nội đã có kế hoạch thông báo đến các quận, huyện, thị xã biết đến Trung tâm Hán Nôm và Trung quốc học, để có kế hoạch mở lớp bồi dưỡng, cử cán bộ đi học. 

trung-tam-han-nom1

PGS Nguyễn Văn Thịnh trò chuyện với cán bộ khoa và các sinh viên về văn hóa Hán Nôm

PGS. TS Nguyễn Văn Thịnh, nguyên chủ nhiệm Bộ môn Hán Nôm, ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN) cho rằng, làm di tích phải có cái nhìn xa, nhìn rộng, nhìn về cổ xưa. Trung tâm Hán nôm và Trung quốc học là đại diện cho học thuật của Hà Nôi nói riêng, quốc gia nói chung. 

“Từ lâu tôi đã ao ước Hà Nội có những trung tâm như thế này nhưng không nghĩ lại được thành lập nhanh thế”, PGS bày tỏ vui mừng trước sự ra đời của Trung tâm. 

Cùng chia sẻ, TS. Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm cho biết, ông rất ấn tượng với cụm từ "Dịch vụ" của Khoa. Đây là điều các trung tâm nghiên cứu hàn lâm còn thiếu. Hiện, Viện nghiên cứu Hán Nôm cũng đang hướng đến “4 hóa”, đặc biệt là xã hội hóa. 

Nhân sự của Trung tâm Hán Nôm và Trung quốc học hiện mới có 3 người nhưng ông tin trung tâm sẽ sớm đạt được mục tiêu của mình, và phát triển mạnh mẽ. 

“Chúng tôi luôn sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ về mặt chuyên môn, nhân sự. Ngoài ra, nếu có đối tác đào tạo chúng tôi sẽ giới thiệu cho trung tâm”, ông Cường nói.

trung-tam-han-nom7

TS. Trịnh Ngọc Ánh, Giám đốc Trung tâm Hán Nôm và Trung Quốc học

Gửi lời cám ơn tới Ban giám hiệu ĐH Thủ đô Hà Nội, lãnh đạo khoa Văn hóa - Du lịch - Dịch vụ, Ban cố vấn và các khách mời, bà Trịnh Ngọc Ánh, Giám đốc Trung tâm Hán nôm và Trung quốc học cho biết: Mặc dù lực lượng còn mỏng, nhưng Trung tâm có đội ngũ cộng tác viên hùng hậu, gồm 15 thầy cô giáo, cán bộ nghiên cứu từ những cơ quan nghiên cứu, cơ quan giáo dục đầu ngành, các chuyên gia thư pháp Hán Nôm tại Hà Nội.

"Trước mắt Trung tâm sẽ dần ổn định về nhân sự và bắt đầu mở những lớp bồi dưỡng Hán Nôm đầu tiên (dành cho cán bộ quản lý Văn hóa, cán bộ quản lý di tích, hướng dẫn viên thuyết minh viên tại các di tích). Bằng tình yêu Hà Nội, trân quý di sản cha ông để lại, chúng tôi sẽ góp sức giữ gìn văn hóa của Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung", bà Ánh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.