Thời sự

Cần đánh giá công bằng về BOT giao thông

16/08/2017, 07:05

Theo Chủ tịch Quốc hội, cần đánh giá công bằng, không thể lấy một dự án ấy để phủ nhận thành quả của BOT.

1

Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước hạn chế, việc huy động vốn tư nhân đầu tư theo hình thức BOT là hướng đi đúng để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (Trong ảnh: Dự án nâng cấp tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ được đầu tư theo hình thức BOT) - Ảnh: Tạ Tôn

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhấn mạnh như vậy, khi cho ý kiến vào báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)”, tại phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/8.

Giảm bớt gánh nặng ngân sách

Báo cáo kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Trưởng đoàn giám sát khẳng định, hình thức đầu tư PPP trong đó có các hình thức hợp đồng BOT đã tạo điều kiện, cơ hội cho thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào phát triển hạ tầng giao thông. Về hiệu quả tổng thể, các dự án BOT giao thông, đặc biệt là hệ thống đường, cầu đã tạo điểm nhấn cho sự phát triển.

“Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách Nhà nước hạn chế và nguồn ODA thu hẹp dần thì việc huy động thông qua hình thức hợp đồng BOT là hướng đi đúng đắn để phát triển giao thông nói riêng, phát triển kinh tế nói chung. Đồng thời, giảm bớt gánh nặng của ngân sách nhà nước trong việc thực hiện chủ trương xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ cho nền kinh tế”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh và dẫn con số 71 dự án đầu tư BOT giao thông đã và đang được thực hiện, dự kiến hơn 200.000 tỷ đồng của các thành phần kinh tế đã và đang được huy động cho đầu tư, làm giảm bớt một gánh nặng không nhỏ của ngân sách Nhà nước.

Đoàn giám sát khẳng định, đa số người dân tham gia giao thông được hưởng những dịch vụ, hàng hóa công cộng tốt hơn, đầy đủ hơn với một mức chi phí hợp lý. Từ kết quả và kinh nghiệm có được trong việc triển khai các dự án giao thông BOT thời gian qua cũng khẳng định hướng đi đúng đắn của mô hình đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư, cần tiếp tục được phát triển và mở rộng sang các lĩnh vực kinh tế khác.

2

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa phát biểu tại phiên họp

Kiến nghị Không làm BOT trên đường độc đạo

Bên cạnh đó, báo cáo giám sát cũng nêu lên một số hạn chế, bất cập. Điển hình như tình trạng nhiều dự án BOT là dự án cải tạo, nâng cấp được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo, hạn chế sự lựa chọn của người dân. Một số dự án vị trí đặt trạm thu phí chưa hợp lý khiến nhiều người dân bức xúc. Nhiều trường hợp phí tăng, nhưng chất lượng công trình chưa tương xứng...

Từ kết quả giám sát này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Luật Đối tác công tư nhằm khắc phục các hạn chế, vướng mắc của hệ thống pháp luật hiện hành. Có giải pháp tháo gỡ các khó khăn đối với kênh huy động vốn trong nước, mở rộng kênh huy động vốn nước ngoài. Đặc biệt, kiến nghị không đầu tư các dự án nâng cấp, cải tạo các đường độc đạo hiện hữu theo hình thức hợp đồng BOT có thu phí người sử dụng.

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa nhất trí cao với kết quả báo cáo của đoàn giám sát, đồng thời đề xuất nâng Nghị định 15 lên thành Luật để có cơ sở pháp lý, tạo điều kiện huy động rộng rãi nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, giai đoạn giám sát 2011-2016 có ý kiến đánh giá về việc dù chưa có tổng kết nhưng BOT đã được triển khai rộng rãi. Nhưng thực tế năm 2016, Bộ đã có tổng kết 5 năm thực hiện các dự án BOT giao thông và đã có báo cáo, kiến nghị gửi các cơ quan liên quan. Lãnh đạo Bộ GTVT mong muốn sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý về việc này, để tới đây kịp thời tiến hành những dự án lớn như dự án cao tốc Bắc - Nam.

3

Các dự án BOT đặc biệt là hệ thống đường, cầu đã tạo điểm nhấn cho sự phát triển - Ảnh: Tạ Tôn

Sớm nghiên cứu trình Quốc hội Luật đối tác công-tư

Cho ý kiến vào báo cáo giám sát, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, thời gian qua, bộ mặt giao thông thay đổi hẳn, đây là kết quả rất tốt. Tuy nhiên vẫn còn hạn chế thiếu sót trong triển khai BOT, điển hình là về khoảng cách đặt trạm thu phí và mức thu phí. Ông cũng kiến nghị phải ban hành Luật về Đối tác công tư, trong đó quy hoạch chi tiết về BOT, huy động vốn, quản lý hợp đồng, trách nhiệm cá nhân, tổ chức và cơ chế công khai minh bạch, lựa chọn nhà đầu tư, phương án tài chính để hiệu quả hơn. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng nhấn mạnh tác động tích cực của các dự án BOT về tăng trưởng, thay đổi môi trường đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, tạo liên kết vùng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao kết quả của đoàn giám sát cũng như nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, của Bộ GTVT trong việc thực hiện chủ trương các dự án BOT, kịp thời điều chỉnh những điểm bất hợp lý. Theo Chủ tịch Quốc hội, việc huy động vốn, giải quyết điểm nghẽn của nền kinh tế là chủ trương đúng, nhưng hạn chế lớn nhất là đến nay chưa có Luật về Đối tác công-tư, những quy định này chỉ ở tầm Nghị định hoặc nằm rải rác trong các luật chuyên ngành. “Đây cũng là quan ngại rất lớn đối với nhà đầu tư, nếu có luật, có cơ sở pháp lý cao thì việc huy động vốn sẽ tốt hơn”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Khuyến khích ngành GTVT tiếp tục triển khai BOT

Về tình hình thực hiện chính sách pháp luật các dự án BOT, Chủ tịch Quốc hội đánh giá việc này được triển khai khá tốt, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông. “BOT trong giao thông là rõ nhất, có sản phầm sờ được, thấy được, đánh giá được. Chúng ta đi trên các con đường BOT mới thấy chủ trương của Đảng, Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn và sự đóng góp khu vực tư nhân để thực hiện chủ trương là đúng đắn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc rà soát, xây dựng tiêu chí, đặc thù của từng vùng, miền để thu hút đầu tư cho hợp lý, theo đúng trình tự ưu tiên. Về hình thức lựa chọn nhà đầu tư, Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế lâu nay hầu hết các dự án giao thông đều chỉ định thầu, làm giảm tính cạnh tranh và hiệu quả đầu tư của dự án. Vì thế, cần làm rõ khó khăn gì trong quy định đấu thầu để sửa đổi, điều chỉnh quy định của pháp luật.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc lắng nghe ý kiến của người dân, những tổ chức liên quan là cần thiết để tạo sự thống nhất, đồng thuận giữa các bên, nhưng việc này chưa được làm tốt. Tuy nhiên, với một số dự án BOT chưa tốt, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần đánh giá công bằng, không thể lấy một dự án ấy để phủ nhận thành quả của BOT. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tiếp tục rà soát chính sách pháp luật về BOT, đánh giá tổng kết về việc thực hiện thời gian qua để sớm nghiên cứu trình Quốc hội dự án Luật về Đối tác công tư. Trong thời gian ấy phải tiếp tục thực hiện chứ không phải giám sát xong chờ có luật mới làm. “Thời gian qua, ngành GTVT đã có rất nhiều đóng góp trong việc thực hiện BOT. Dù còn nhiều bất cập, hạn chế đã được nêu, nhưng chúng ta nêu lên là để sớm giải quyết những bất cập ấy chứ không phải nhằm gây khó khăn. Chúng ta vẫn khuyến khích ngành GTVT tiếp tục triển khai hình thức này”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Giải trình băn khoăn của các ĐB xung quanh sự việc xảy ra vài ngày nay tại trạm thu phí Cai Lậy, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, quá trình lập dự án, Bộ GTVT và địa phương đã lấy đầy đủ các ý kiến từ HĐND, ĐBQH, hiệp hội vận tải và địa phương. “Nhân dân và hiệp hội vận tải ở địa phương không có phản ứng gì, chỉ có 7 doanh nghiệp ở nơi khác phản ứng, nhưng cách thức ấy thực sự làm chúng tôi rất buồn”, Bộ trưởng Nghĩa nói và khẳng định, các đề xuất của địa phương và người dân sẽ được giải quyết. Hiện, Bộ GTVT đã tập hợp đưa ra các phương án giải quyết, sau đó sẽ báo cáo Chính phủ.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn 2011-2016, Bộ GTVT đã huy động được khoảng 171.308 tỷ đồng, trong đó vốn BOT là 154.481 tỷ đồng/59 dự án, chiếm khoảng 90,2% (các dự án đường bộ 169.813 tỷ đồng/57 dự án). Đến nay, đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác 55 dự án BOT với tổng mức đầu tư 137.819 tỷ đồng (toàn bộ là lĩnh vực đường bộ). Bộ GTVT đang triển khai đầu tư 15 dự án BOT với tổng mức đầu tư 60.042 tỷ đồng (vốn ngân sách nhà nước khoảng 5.070 tỷ đồng), trong đó lĩnh vực đường bộ 13 dự án BOT với tổng mức đầu tư 58.682 tỷ đồng (vốn ngân sách nhà nước khoảng 5.048 tỷ đồng). Cơ bản các dự án triển khai đúng và vượt tiến độ, trình tự, thủ tục đầu tư tuân thủ quy định hiện hành.

Vì sao nhà đầu tư nước ngoài “chê” BOT?

Thay mặt Chính phủ tiếp thu và giải trình thêm một số vấn đề, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, trong đó có việc xây dựng cơ chế để huy động các nguồn vốn đầu tư.

Để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, Phó Thủ tướng cho rằng, ngoài tiêu chí chính sách, môi trường đầu tư phải minh bạch, rõ ràng, thông thường các nhà đầu tư nước ngoài sẽ yêu cầu Chính phủ phải bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh vay vốn … “Đây đều là các yêu cầu “quá sức” bởi quy định pháp luật hiện nay chưa cho phép. Do đó, doanh nghiệp cũng chưa thực sự “say”, thực sự mong muốn đầu tư dù nhìn thấy cơ hội”, Phó Thủ tướng nói và kiến nghị tháo gỡ điểm nghẽn này bằng cách đề nghị Quốc hội cho thí điểm các chính sách để có thể thu hút các nhà đầu tư lớn của nước ngoài.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện chính sách huy động vốn của các tổ chức tín dụng cho phát triển hạ tầng giao thông; các chính sách đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước để hỗ trợ cho việc giảm thời gian thu phí của các dự án.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.