Bạn cần biết

Cần giá hợp lý trong thanh toán chi phí BHYT với thủy tinh thể

24/11/2017, 12:47

Theo khảo sát của BHXH Việt Nam, thủy tinh thể mềm có giá dao động rất rộng từ 1,45 triệu-28,5 triệu đồng/cái.

thuytinhthe

BHXH Việt Nam vừa khảo sát việc sử dụng và thanh toán BHYT đối với thủy tinh thể nhân tạo

Với sự hợp tác của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), BHXH Việt Nam vừa khảo sát việc sử dụng và thanh toán BHYT đối với thủy tinh thể nhân tạo, nhằm đảm bảo mức thanh toán hợp lý; đồng thời đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Cùng loại thủy tinh thể nhưng nhiều giá khác nhau

Kết quả khảo sát của  BHXH Việt Nam cho thấy, những năm gần đây, chi phí vật tư y tế (vật tư y tế) trong khám chữa bệnh BHYT tăng nhanh. Năm 2015, tổng chi phí vật tư y tế là 2.955,4 tỉ đồng (bằng 5,6% chi phí khám chữa bệnh BHYT), trong đó chi phí thủy tinh thể là 533,5 tỉ đồng (bằng 18% chi phí vật tư y tế). Năm 2016, tổng chi phí vật tư y tế tăng lên 4.870,6 tỉ đồng (bằng 6,4% chi phí khám chữa bệnh), trong đó chi phí thủy tinh thể là 726,5 tỉ đồng (bằng 15% chi phí vật tư y tế). 

Hiện cả nước hiện có gần 300 cơ sở khám chữa bệnh thực hiện phẫu thuật thay thủy tinh thể với nhu cầu sử dụng số lượng thủy tinh thể rất lớn, xu hướng tăng cao. Nếu năm 2015 sử dụng 177.246 thủy tinh thể, thì năm 2016 tăng lên 237.414 thủy tinh thể. Chỉ tính tại 5 tỉnh, thành phố được khảo sát (TP.HCM, Hà Nội, Nghệ An, Đắk Lắk, Tiền Giang), số thủy tinh thể được sử dụng chiếm hơn 40% số lượng thủy tinh thể cả nước; tại 14 BV được khảo sát cũng sử dụng hơn 86% số lượng thủy tinh thể cả nước.

Đáng chú ý, trên thị trường có đến hàng trăm loại thủy tinh thể với các mức giá khác nhau. Thậm chí, cùng một loại thủy tinh thể, nhưng lại có giá khác biệt giữa các địa phương. Trong khi đó, việc tổ chức chọn nhà thầu, sử dụng thủy tinh thể còn nhiều vướng mắc, bất cập. Quy định chọn nhà thầu mua sắm thủy tinh thể hay vật tư y tế nói chung được coi như hàng hóa thông thường, chứ không phải mặt hàng đặc thù trong khám chữa bệnh. 

Theo số liệu sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh, trong năm 2015 – 2016, các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc sử dụng 139 loại thủy tinh thể của nhiều hãng sản xuất khác nhau (48 hãng), trong đó có 16 loại thủy tinh thể nhân tạo cứng, 108 loại thủy tinh thể đơn tiêu mềm, 10 loại thủy tinh thể đa tiêu và 05 loại toric.

“Việc đánh giá loại thủy tinh thể, tiêu chí kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu điều trị, việc ghi thông tin trong hồ sơ đấu thầu hay mức thanh toán BHYT đối với thủy tinh thể là bao nhiêu cho phù hợp là vấn đề mà các cơ sở khám chữa bệnh, cơ quan quản lý và các nhà hoạch định chính sách rất quan tâm, mong muốn làm rõ…”, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết.

Cần chuẩn hóa danh mục vật tư y tế, để có giá hợp lý

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân- Phó Trưởng ban Dược và Vật tư y tế (BHXH Việt Nam) cho biết: Thủy tinh thể có nhiều thông số kỹ thuật quyết định chất lượng và hiệu quả điều trị. Một hãng cũng có nhiều loại với các thông số kỹ thuật khác nhau, có giá khác nhau… Thực tế, có một số loại thủy tinh thể của một số hãng có giá cao, chưa hợp lý so với của hãng khác có các thông số kỹ thuật tương tự.

Cụ thể, các cơ sở khám chữa bệnh hiện sử dụng chủ yếu thủy tinh thể mềm, có giá dao động rất rộng từ 1,45 triệu đồng đến 28,5 triệu đồng/cái (tùy thông số kỹ thuật, hãng sản xuất). Trong khi đó, mức giá tối đa BHYT thanh toán được Bộ Y tế quy định trước ngày 1/6/2017 là 3,5 triệu đồng, còn từ ngày 1/6/2017 là 3 triệu đồng/cái.

Ngoài ra, giá của thủy tinh thể còn phụ thuộc vào địa phương, cơ sở khám chữa bệnh, hội đồng đấu thầu. Thực tế cho thấy, một số địa phương có giá trúng thầu cao hơn các địa phương khác (so sánh theo tên cùng chủng loại, cùng tên thương mại, cùng hãng sản xuất). Nguyên nhân do chưa có quy định cách mô tả thông số kỹ thuật trong đấu thầu thủy tinh thể, nên việc mô tả phụ thuộc hội đồng đấu thầu, mà mỗi hội đồng lại có cách mô tả khác nhau, dẫn đến cùng một chủng loại và cùng một hãng sản xuất, nhưng mỗi nơi mỗi giá khác nhau.

Hiện nay đấu thầu vật tư (trong đó có thủy tinh thể nhân tạo) được thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu. Việc mua sắm thủy tinh thể nhân tạo tại cơ sở khám chữa bệnh được thực hiện theo quy định mua sắm vật tư y tế (như mua sắm các hàng hóa thông thường). Tuy nhiên, các quy định về tổ chức lựa chọn nhà thầu, mua sắm thủy tinh thể nhân tạo hay vật tư y tế chưa thật sự phù hợp với mặt hàng này. Nguyên nhân là do chưa tiêu chuẩn hóa được các tiêu chí kỹ thuật, chưa đáp ứng được yêu cầu điều trị của cơ sở khám chữa bệnh và nhu cầu lựa chọn vật tư y tế của người tham gia BHYT. Đồng thời, chưa có hướng dẫn cụ thể cho việc đánh giá hồ sơ mời thầu, nên có địa phương xét thầu cả gói (mỗi gói thầu chỉ có một nhà thầu trúng) là chưa phù hợp với nguyên tắc chi trả, thanh toán viện phí và chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Chính vì vậy, Bộ Y tế cần chuẩn hóa danh mục vật tư y tế (trong đó có thủy tinh thể nhân tạo) bao gồm cả tên thương mại, mã hiệu, nước sản xuất, hãng sản xuất, thông số kỹ thuật… Đồng thời, cùng với BHXH Việt Nam và các Hội đồng đấu thầu sớm công bố kết quả đấu thầu vật tư y tế, trong đó có gói thầu thủy tinh thể nhân tạo tại các địa phương, cơ sở khám chữa bệnh. Thương thảo với nhà thầu điều chỉnh giảm giá một số loại thủy tinh thể có giá chưa phù hợp. 

Ông Nguyễn Minh Thảo nhấn mạnh, trước yêu cầu ngày càng cao của người dân cũng như sự phát triển mạnh mẽ của các kỹ thuật y tế, việc già hóa dân số làm cho nhu cầu về dịch vụ kỹ thuật này ngày càng nhiều hơn, do vậy các vấn đề vướng mắc trong thay thủy tinh thế nhân tạo cần được tháo gỡ, tạo thuận lợi nhất cho người bệnh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.