Chuyện dọc đường

Cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng

10/10/2017, 10:47

Hôm qua (9/10), nhiều tài xế của hãng taxi Vinasun đã gỡ biểu ngữ sau đuôi xe phản đối Uber, Grab...

14

Từ khi Uber, Grab hoạt động đã làm cho các hãng taxi truyền thống loay hoay tìm giải pháp cạnh tranh - Ảnh: Tạ Tôn

Hôm qua (9/10), nhiều tài xế của hãng taxi Vinasun đã gỡ biểu ngữ sau đuôi xe phản đối Uber, Grab với nội dung “Yêu cầu Uber và Grab tuân thủ pháp luật Việt Nam”; “Đề nghị dừng thí điểm Uber, Grab vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”...

Không ít ý kiến cho rằng, hành động phản ứng đích danh đối thủ cạnh tranh của Vinasun có phần phản cảm. Tuy nhiên, xét trên khía cạnh pháp lý, các hãng taxi truyền thống đang phải chịu sự cạnh tranh không công bằng với Uber, Grab trên một số khía cạnh:

Hoạt động kinh doanh taxi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Rất nhiều quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động này, gần đây nhất là Nghị định 86/2014. Theo đó, muốn hoạt động kinh doanh taxi, xe ô tô phải gắn mào taxi, đăng ký màu sơn, tần số vô tuyến... Những điều kiện này chính là chi phí tuân thủ cho các hãng taxi truyền thống trong khi Uber và Grab thì không!

Các điều kiện pháp luật nêu trên sẽ kéo theo các hoạt động kiểm tra tính tuân thủ đối với các hãng taxi. Hoạt động kiểm tra đó sẽ kéo theo chi phí phát sinh của các hãng taxi, trong khi Uber, Grab thì không!

Hoạt động vận tải taxi lại phải theo quy hoạch của địa phương, cụ thể là license/giấy phép. Theo đó, quy hoạch về vận tải taxi một số tỉnh, TP có những quy định như đến năm nào thì được phát triển bao nhiêu xe. Các hãng trên địa bàn muốn thêm đầu xe phải được cơ quan có thẩm quyền đồng ý. Song với Uber hay Grab, đến nay chưa có bất cứ quy định, quy hoạch nào.

Bên cạnh đó, Hà Nội và một số tỉnh, TP cấm taxi truyền thống tại nhiều tuyến phố để tránh ùn tắc giao thông và là cơ hội đầy tiềm năng cho Uber, Grab.

Chưa kể, taxi truyền thống cũng phải đáp ứng các điều kiện về nhân công, bảo hiểm và các trách nhiệm khác...

Tất cả những điều kiện nêu trên cho thấy taxi truyền thống phải gánh nhiều chi phí hơn hẳn Uber và Grab. Điều đó sẽ tác động đến giá dịch vụ của taxi truyền thống. Trong điều kiện xe Uber, Grab chưa “phủ” đủ thị trường, người tiêu dùng lựa chọn taxi truyền thống sẽ phải gánh chịu chi phí cao hơn đó.

Do vậy, vấn đề đặt ra là cơ quan quản lý cần tạo ra một môi trường đảm bảo quyền tự do kinh doanh và được cạnh tranh công bằng. Cho phép Uber, Grab hoạt động là cho phép những thay đổi, cải cách trong kinh doanh của doanh nghiệp. Vì thế, các địa phương cần sớm có những biện pháp quản lý mới để đáp ứng kịp thời việc quản lý nhà nước tại địa phương đối với loại hình kinh doanh taxi dựa trên nền tảng công nghệ, nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa taxi truyền thống và Uber, Grab.

Tất nhiên, trong môi trường đó, các hãng taxi truyền thống vẫn cần và nên nâng cao chất lượng dịch vụ bằng cách minh bạch giá tính cước, hạ giá thành... để cạnh tranh với Uber, Grab theo đúng nguyên lý của thị trường. Và khi đó, người tiêu dùng sẽ có cơ hội lựa chọn sản phẩm, dịch vụ vận tải tốt nhất; qua đó cũng quyết định sự tồn tại, phát triển của sản phẩm, dịch vụ vận tải đáp ứng các tiêu chí chất lượng, giá cả trên cơ sở cạnh tranh công bằng, bình đẳng.

Còn nếu chỉ chăm chăm vào việc phản đối Uber, Grab mà không thực sự đổi mới, cả trên khía cạnh công nghệ, giá cả, chất lượng thì sự thua cuộc của taxi truyền thống là tất yếu trong thời đại kỹ thuật số áp dụng vào dịch vụ taxi như hiện nay.

Giám đốc điều hành Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.