Xã hội

Cần thay đổi gì ở tuyến phố kiểu mẫu?

13/05/2016, 15:57

Chúng ta chỉ nên quy định kích cỡ biển hiệu, còn về màu sắc và hình thức hãy để cửa hàng tự thiết kế.

tuyen pho kieu mau

Dù là biển hiệu cửa hàng Vịt quay hay công ty quảng cáo đều phải tuân thủ chữ trắng trên nền xanh hoặc đỏ

Con phố Lê Trọng Tấn mới được cải tạo trở thành tuyến phố kiểu mẫu của Thủ đô Hà Nội. Điều bất ngờ là các biển hiệu được quy hoạch đồng bộ từ chiều cao, kích cỡ đến màu sắc. Điều này đã gây tranh cãi gay gắt.

Người cho rằng sự thay đổi này mang lại sự sạch sẽ gọn gàng cho con phố mới. Người khác lại thấy nhàm chán, thiếu sáng tạo, có cảm giác như quy hoạch trại lính.

kts-dang-to-nga-1550

Kiến trúc sư Đặng Tố Nga

Hình ảnh các biển hiệu đồng điệu này làm tôi có cảm giác chúng ta đang quay lại đầu thế kỷ 19, khi ngành design vừa ra đời. Cách mạng Công nghiệp đánh dấu sự kết thúc của cuộc chiến giữa phương thức sản xuất công nghiệp và sản xuất thủ công. Để phục vụ cho việc sản xuất hàng loạt và cho doanh số cao, ngành thiết kế (design) đã xuất hiện. Đây là sự kiện kết nối nhiều với yếu tố kinh tế hơn là với sáng tạo và nghệ thuật.

Các sản phẩm thời bấy giờ hết sức đơn giản và ngây ngô, chỉ được ưu điểm là sản xuất hàng loạt thôi. Trải qua hai thế kỷ, ngành design đã phát triển và đạt nhiều thành tựu về nghệ thuật.

Vậy tại sao chúng ta lại quay trở lại thời kỳ đó? Trong lịch sử của ngành design, một dấu mốc quan trọng báo hiệu buổi bình minh cho các sản phẩm mới trong lĩnh vực quảng cáo và tiếp thị là khi Peter Behrens (1868-1940) trở thành giám đốc Nghệ thuật của "CI - thiết kế nhận diện thương hiệu" AEG - Germany.

Nhờ có thiết kế nhận diện thương hiệu mà hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển vượt bậc trong một thời gian ngắn.

Trở lại tuyến phố Lê Trọng Tấn của chúng ta, nếu các biển hiệu đồng đều y hệt nhau như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh của các hộ dân. Nếu chỉ nhìn biển hiệu sẽ khó phân biệt được cửa hàng máy tính với hàng bún đậu mắm tôm...

Về phương diện quy hoạch kiến trúc, cả một tuyến phố với những tấm biển đồng điệu thiếu sáng tạo đặc biệt với 2 màu xanh đỏ tạo nên sự nhàm chán và thiếu thẩm mỹ.

Ngay việc lựa chọn màu sắc như biển báo đường giao thông đã không phù hợp cho biển hiệu cửa hàng.

Vấn đề của thực tại là các biển hiệu chen chúc nhau, ai cũng muốn biển hiệu của mình lớn nhất, bắt mắt nhất nên thậm chí che hết toàn bộ mặt tiền.

Chúng ta chỉ nên quy định về kích cỡ tối thiểu và tối đa của biển hiệu, còn về màu sắc và hình thức hãy để cửa hàng tự thiết kế.  

Nhà quản lý chỉ nên quy định diện tích mặt biển quảng cáo để các cửa hàng có thể thiết kế một cách linh hoạt theo nhận diện thương hiệu của họ. Đừng ép buộc khiên cưỡng những gì thuộc về sáng tạo và là thành quả của văn minh nhân loại. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.