Vận tải

Cần Thơ: Hành khách khổ sở vì chờ xe buýt

04/10/2016, 13:25
image

Là trung tâm kinh tế, xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng hệ thống xe buýt, nhà chờ tại Cần Thơ...

16

Thiếu nhà chờ, “thượng đế” phải đội nắng, ngồi la liệt dưới đất để chờ xe buýt

Đi xe buýt như trời hành

Hiện nay, ở các quận trung tâm của TP Cần Thơ, nhiều người dân đang than phiền khi phải khổ sở đứng chờ xe buýt. Đang đứng chờ xe buýt trên đường 30/4 (quận Ninh Kiều) dưới cái nắng gay gắt, bà Trần Thị Út (54 tuổi, ngụ huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ, bà hay đi xe buýt từ Sóc Trăng lên Cần Thơ chữa bệnh. Mỗi lần đón xe buýt lên xuống như vậy phải mất cả tiếng đồng hồ chờ xe. “Tui chọn xe buýt đi lại cho đỡ tốn kém, bản thân đã lớn tuổi, cộng thêm bệnh tật nhưng phải đội nắng đợi xe buýt thế này thật sự mệt mỏi. Hết đứng mỏi gối, rồi phải ngồi ê mông dưới lề đường”, bà Út than thở.

Theo Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT), để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, kiểm soát phương tiện cá nhân cũng như giảm tải ùn tắc, TP Cần Thơ cần phát triển nhanh mạng lưới xe buýt thường và xe buýt nhanh, nâng cao chất lượng dịch vụ. Để đạt được mục tiêu trên, thành phố cần xây dựng các giải pháp nhằm nâng cao tối đa năng lực của hệ thống VTHKCC, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư so với quy hoạch.

Hàng chục người khác đứng đợi xe buýt trên đường 30/4, đoạn gần Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cũng rơi vào cảnh tương tự bà Út. Nếu trời nắng, hành khách phải vã mồ hôi hột, ngồi la liệt dưới lề đường, gốc cây để… chờ xe. Còn trời mưa, họ xúm nhau xách đồ đạc chạy vội vào nhà dân xin trú tạm.

Bà Huỳnh Thị Hoa (53 tuổi, ngụ huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) mệt mỏi nói: “Phải ngồi tạm bợ ngoài đường đợi xe kiểu này vất vả quá. Đi xe phải trả tiền chứ có đi “chùa” đâu mà như trời hành. Thành phố cần quan tâm đầu tư nhà chờ đàng hoàng cho người đi xe buýt như chúng tôi bớt khổ”.

PV Báo Giao thông tiếp tục khảo sát các tuyến đường như: 3/2, Nguyễn Văn Linh (quận Ninh Kiều), Cách Mạng Tháng 8 (quận Bình Thủy)… mặc dù trên những tuyến đường này có nhà chờ xe buýt nhưng đa số đã mục nát, gỉ sét. Thậm chí, có nơi có nhà chờ nhưng lại không có chỗ ngồi, hoặc nhà chờ bị chiếm dụng làm nơi buôn bán, tập kết thức ăn ôi thiu cho gia súc.

Ông Nguyễn Hoàng Đạo, Giám đốc Ban quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) thuộc Sở GTVT thừa nhận: “Hiện cả thành phố có đến 136 trạm dừng nhưng chỉ có 21 nhà chờ xe buýt. Việc mất cân đối như vậy là do các hộ dân phản ánh, yêu cầu phải tháo dỡ nhà chờ vì nằm án ngữ ngay mặt tiền gây khó khăn cho việc kinh doanh của họ”.

>>> Xem thêm video:

Xe buýt gánh chưa tới 1% nhu cầu

Theo Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT), hiện trạng VTHKCC của TP Cần Thơ còn kém phát triển, chất lượng dịch vụ thấp. Trong năm 2015, VTHKCC của thành phố vận chuyển được 20,34 triệu lượt khách, trong đó xe buýt chỉ đáp ứng 0,52%. Hiện, Cần Thơ cũng chỉ có ba tuyến xe buýt nội tỉnh và hai tuyến kế cận đi các tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long phục vụ trung bình 13.067 lượt khách mỗi ngày.

Mặc dù thành phố đã ban hành danh mục các tuyến đường sử dụng vỉa hè, lòng đường dừng, đỗ xe. Tuy nhiên, các tuyến đường cho phép dừng đỗ chưa hợp lý, nhiều tuyến tập trung khu vực bến Ninh Kiều gây mất trật tự và mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, thành phố cũng chưa thành lập trung tâm quản lý và điều hành VTHKCC, chưa có bến xe buýt tập trung.

Hiện, Cần Thơ có tổng cộng 54 xe buýt phục vụ nhu cầu đi lại, trong đó Nhà nước quản lý 34 xe, doanh nghiệp liên doanh 21 xe. Đa số xe buýt có tuổi thọ trên 10 năm, trong khi doanh nghiệp ít mặn mà đầu tư. Thậm chí, cuối năm nay còn có thêm hai doanh nghiệp xin rút vì làm ăn không hiệu quả.

Nói về thực trạng bến bãi, xe buýt phục vụ hành khách, ông Nguyễn Hoàng Đạo cho biết thêm, để nâng cao chất lượng xe buýt cũng như bến bãi, nhà chờ... năm 2013, UBND thành phố đã phê duyệt quy hoạch phát triển VTHKCC giai đoạn đến năm 2020 và 2030. Trong quy hoạch này có nêu cụ thể sẽ đầu tư khoảng trên 500 đầu xe mới, kèm theo đó là phê duyệt quỹ đất để xây dựng trung tâm điều hành, nhà chờ, bến bãi.

“Đến nay, đã bước sang giai đoạn 2 thực hiện quy hoạch nhưng xe mới cũng chưa được đầu tư. Bên cạnh đó, quỹ đất đầu tư xây dựng bến bãi, trung tâm, nhà chờ cũng chưa được cấp. Sở GTVT đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố hơn một năm nay để xin cấp quỹ đất nhưng chưa thấy phản hồi. Đó là nguyên nhân dẫn đến việc phát triển vận tải hành khách bằng xe buýt vẫn đang “giậm chân tại chỗ”, ông Đạo thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.