Chính trị

Cần xây dựng lòng tin mới có hòa hợp thực sự

28/04/2015, 08:30

Theo truyền thống văn hóa dân tộc nếu “lấy oán báo oán” thì “oán oán suốt đời”, nên phải “lấy ân giải oán”.

141

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Liên bang Nga, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ quan điểm trên trong cuộc trao đổi với Báo Giao thông về vấn đề hòa hợp dân tộc, nhân kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước.

Hóa giải mặc cảm, xây dựng lòng tin

Thưa ông, đã 40 năm kể từ ngày thống nhất đất nước nhưng vấn đề hòa hợp dân tộc vẫn là điều thường xuyên chúng ta phải nhắc tới. Theo ông, vì sao vậy?

Do chúng ta chưa làm tốt vấn đề đại đoàn kết dân tộc, xóa đi hận thù, xóa đi những rào cản từ quá khứ chiến tranh. Nguyên nhân tôi cho là do cả hai phía. Từ thực tế ấy đòi hỏi Nhà nước cần tiếp tục có những quyết sách chủ động, hợp lý đem lại sự tin tưởng cho kiều bào. Tức là cần có những chính sách bổ sung đem lại lợi ích thiết thực hơn nữa cho người Việt ở nước ngoài như các chính sách về quốc tịch, xuất nhập cảnh, hồi hương, các vấn đề liên quan đến chuyện kiều bào về đầu tư trong nước.

Nói là 40 năm, nhưng thực tế quá trình hòa hợp dân tộc chỉ thực sự bắt đầu từ 1994-1995 sau khi Mỹ bỏ cấm vận và hai bên bình thường hóa quan hệ.

142
Một gia đình người Việt sống bên Mỹ hồ hởi về quê ăn Tết

Hòa hợp là xu thế tất yếu

Quan điểm của cá nhân ông về vấn đề hòa hợp dân tộc như thế nào?

Tôi cho rằng đây là việc làm hết sức cần thiết. Theo truyền thống văn hóa dân tộc nếu “lấy oán báo oán” thì “oán oán suốt đời”, nên phải “lấy ân giải oán”. Chúng ta là chủ nhân đất nước hiện nay thì chúng ta cần chủ động trong chuyện “giải oán” với những người mà chúng ta từng coi là kẻ thù. Chỉ làm như vậy mới có thể có được một dân tộc Đại đoàn kết như Bác Hồ đã dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công”. Nó cũng đòi hỏi những người có trách nhiệm, có liên quan phải có sự thành tâm, biết đồng cảm và quan trọng là phải hết sức chân thành, dũng cảm.

Thiếu sự chân thành, dũng cảm sẽ khó có sự hòa hợp thực sự. Hơn bao giờ hết chúng ta cần có sự dũng cảm đột phá, sẵn sàng chịu trách nhiệm. Hiện nay tính dũng cảm còn thiếu quá, chân thành còn thiếu quá. Đến khi có vấn đề cần có người xử lý, có người chịu trách nhiệm thì không ai làm. Đó là nỗi day dứt của chúng ta.

Từ góc độ một nhà ngoại giao nhiều năm gắn bó với công tác Việt kiều, ông nhận thấy vấn đề hòa hợp dân tộc sẽ như thế nào? Chúng ta phải làm gì để thúc đẩy tiến trình ấy?

Chủ trương đã có nhưng trong thực hiện đôi khi chúng ta vẫn thiếu quyết đoán. Cái khó của chúng ta là tư duy, nhận thức của lãnh đạo các cấp khác nhau. Đôi khi trên rất thông thoáng nhưng dưới lại rất khó khăn. Hội nhập và hòa hợp là xu hướng tất yếu và chúng ta đã và luôn khẳng định người VN ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc VN.

Năm 2012, lượng kiều hối gửi về VN qua con đường chính thức đạt khoảng 10,5 tỉ USD, qua đường không chính thức ước khoảng 1/3 số đó nữa, rồi hơn 8 tỉ USD đầu tư vào các dự án trong nước… Như vậy, ước tính nguồn lực kiều bào đạt tới 20 tỉ USD/năm, tương đương 1/5 GDP cả nước, bằng cả hợp tác thương mại của ta với EU.

Hiện chúng ta có hơn 4,5 triệu kiều bào, trong đó hơn 400 nghìn trí thức, hàng nghìn nhà khoa học lỗi lạc, tầm cỡ thế giới như GS Ngô Bảo Châu. Người Việt có mặt ở hàng loạt các cơ quan, tổ chức, tập đoàn khoa học công nghệ hàng đầu của thế giới như: NASA, Lockheed Martin, Boeing… chưa kể nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, nông nghiệp, giao thông vận tải... Các ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đến VN đã được các chuyên gia Việt kiều cảnh báo, khuyến nghị góp phần tìm các giải pháp khắc phục. Ngay cả các dự án đường sắt cao tốc, dự án điện hạt nhân... đều được Việt kiều đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ.

Theo ông, hiện nay rào cản lớn nhất và sự chủ động của trong nước có ý nghĩa như thế nào đối với tiến trình hòa hợp?

Khó khăn nhất vẫn là mặc cảm của trong nước đối với những thành phần bên ngoài. Tuyệt đại bà con khắp nơi đã về nước, nhiều người đã đầu tư các dự án trong nước. Anh muốn thu hút người ta về thì chính sách của anh phải hài hòa, hợp lý, coi kiều bào cũng như người trong nước, thậm chí còn phải ưu tiên hơn. Hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương phải nhìn kiều bào với nhãn quan chính trị khác. Tôi vẫn nghĩ là phải gắn kiều bào với dân tộc bằng những hoạt động cụ thể với đất nước, con người VN thì họ mới xích lại với quê hương “chôn nhau cắt rốn“. Bà con cảm thấy ta như người ruột thịt thì họ dốc hết sức, đâu có nề hà gì, cũng là đất nước mình cả. Anh phải có suy nghĩ chân thành, cởi mở, chính sách cởi mở, tư duy về người VN ở nước ngoài cũng phải rất cởi mở.

Lòng tin có ý nghĩa như thế nào trong việc xóa bỏ hận thù, thúc đẩy nhanh tiến trình hòa hợp? Việc tạo ra lòng tin ấy nên được thể hiện như thế nào, thưa ông?

Chúng ta phải tiếp tục xây dựng lòng tin. Muốn người ta tin, mình phải làm cái gì để người ta tin mình. Cần hiểu là còn một bộ phận Việt kiều vẫn mang tư tưởng hận thù của những người thua trận. Cuộc chiến tranh đã qua để lại cho đất nước nhiều mất mát đau thương. Binh lính chế độ cũ họ cũng là con em cùng dân tộc bị đẩy vào đạn bom phi nghĩa. Trong hàng vạn người ngã xuống cũng có những người đã từng không muốn tham chiến, không muốn cầm súng, không muốn chiến tranh. Họ cũng muốn sống chứ. Nhưng rồi họ bị xô đẩy. Có những người vẫn luôn oán hận vì sự oan uổng đó. Đấy cũng là lý do mà không chỉ cá nhân tôi mong muốn nghĩa trang Biên Hòa được dân sự hóa bình thường mà chính quyền địa phương cũng đã thấy và họ làm rất tốt chuyện đó.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.