Chất lượng sống

Cảnh báo bệnh truyền nhiễm "chết người" Witmore

16/09/2016, 09:15

Từ tháng 9-11 là cao điểm bệnh truyền nhiễm "chết người" Witmore. BV Mạch Mai đã tiếp nhận hơn chục ca bệnh Witmore.

whitmore 3

Bệnh nhân Cao Văn Thêm mắc căn bệnh truyền nhiễm "chết người" Witmore may mắn được cứu sống

BV Bạch Mai vừa công bố cứu sống một bệnh nhân nam mắc căn bệnh truyền nhiễm "chết người" Witmore. Đó là bệnh nhân nam Cao Văn Thêm (25 tuổi, ở Sầm Sơn, Thanh Hóa) vừa được xuất viện chuyển tuyến dưới sau hơn 1 tháng điều trị tích cực tại khoa Truyền nhiễm BV Bạch Mai.

Nhập viện trong tình trạng hết sức nguy kịch với biểu hiện nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng. Bệnh nhân có tiền sử viêm cầu thận, có dấu hiệu sốt liên tục và gối phải sưng to, mặc dù được điều trị cắt sốt nhưng tình trạng vô cùng trầm trọng tổn thương gan, thận, nhiều ổ áp xe trong phổi... Phải cấy máu lần thứ mới cho kết quả dương tính với vi khuẩn gây bệnh Whitmore.

Đáng lo ngại, sau hơn 10 ngày điều trị theo phác đồ đặc hiệu, bệnh nhân vẫn tiếp tục có biểu hiện sốc nhiễm khuẩn kèm theo suy đa phủ tạng nặng. BN được đặt ống nội khí quản, xử trí sốc nhiễm khuẩn đồng thời phối hợp kháng sinh mạnh liều cao. Dù hi vọng sống của BN chỉ còn 1%, nhưng với tinh thần “còn nước còn tát”, các thầy thuốc của Khoa Truyền nhiễm đã quyết tâm cứu chữa cho bệnh nhân bằng mọi giá.  May mắn, bệnh nhân đã dần hồi phục, các dấu hiệu lâm sàng cải thiện từng tuần. Sau hơn 4 tuần điều trị tích cực, BN đã rút được máy thở và chính thức được chuyển về tuyến dưới để tiếp tục điều trị và bồi dưỡng sức khỏe.

TS.BS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết, từ đầu năm 2016 tới nay, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận hơn chục ca Whitmore được chuyển đến chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ. Bệnh cảnh lâm sàng đa dạng phức tạp nên BN được nhập viện ở nhiều chuyên khoa khác nhau như hô hấp, cơ-xương-khớp, nội tiết, da liễu, ngoại khoa, truyền nhiễm... Do vậy bác sĩ thường chẩn đoán nhầm whitmore với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu.

Với căn bệnh này, điều đáng lo ngại là ngay cả khi được khẳng định chẩn đoán, việc điều trị cũng hết sức khó khăn vì phải dùng kháng sinh (thường là nhóm ceftazidime hoặc carbapenem, cotrimoxazole) tấn công liều cao kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng nữa. Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần. Việc điều trị kéo dài, tốn kém nên không ít bệnh nhân không kiên trì để theo điều trị đến cùng. Đây là những nguyên nhân gây thất bại trong điều trị và khiến tỷ lệ tử vong cao khoảng 40-60%.

Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc với đất nhiễm khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. Bệnh được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và lưu hành lẻ tẻ tại một số tỉnh phía Nam. Gần đây các ca bệnh được báo cáo có xu hướng gia tăng, cao điểm của các ca bệnh thường xảy ra vào mùa mưa tập trung từ tháng 9-11. Người bệnh có cơ địa tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính dễ mắc bệnh với các biểu hiện lâm sàng đa dạng: sốt cao, đau cơ, có các ổ nhiễm khuẩn trên da, áp xe cơ, áp xe gan lách, viêm phổi,.. Bệnh có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.