Bạn cần biết

Cảnh giác thuốc tễ, đông y trộn tân dược giảm đau corticoid

03/04/2017, 09:00

Corticoid có tác dụng rõ nét trong chống viêm, giảm đau. Tuy nhiên, việc lạm dụng thành phần này trong điều trị...

22

Dùng thuốc tễ có chứa corticoid chữa gout, bệnh nhân lại mắc suy tuyến thượng thận (Ảnh minh họa)

Dùng thuốc tễ chữa gout lại bị suy tuyến thượng thận

Mắc căn bệnh chuyển hóa gout từ nhiều năm nay, nên trong bữa vui miệng, chỉ cần ăn quá đà chút là các đốt khớp bàn chân ông Hoàng Vĩnh H. (Ba Đình, Hà Nội) lại sưng vù, đau nhức khôn tả. Ông H. cho hay, suốt bốn năm qua, đi thăm khám không biết bao nơi, dùng bao loại thuốc, từ đơn chính thống của bác sĩ ở bệnh viện đến các loại thuốc truyền miệng nhưng bệnh ngày càng trầm trọng. Gần một năm nay, được ông anh họ từ miền Nam ra cho gói thuốc tễ, mặc dù chẳng có nhãn mác nhưng mỗi lần đau vì cơn gout hành hạ, ông H. chỉ uống đến lần thứ hai là cơn đau dịu hẳn. Tuy nhiên, mới đây đi khám sức khỏe tại BV Đại học Y Hà Nội, ông H. choáng váng khi bác sĩ thông báo ông bị suy tuyến thượng thận mà nguyên nhân từ corticoid. Ông H. chia sẻ: “Tôi đem thắc mắc hỏi lại bác sĩ corticoid ở đâu ra khi tôi chỉ uống mỗi thuốc tễ lại là thuốc nam, thì nhận được câu trả lời, rất có thể thành phần corticoid được trộn chính trong loại thuốc đó”.

"Tác hại của việc lạm dụng corticoid: Gây nên hội chứng tăng đường máu, dẫn đến đái tháo đường; hội chứng cushing, suy tuyến thượng thận. Thậm chí, gây suy cấp tính nếu đột ngột dừng thuốc dẫn đến trụy tim, trụy mạch; ngoài ra còn gây giòn xương, rối loạn điện giải...".

BS. Nguyễn Huy Cường
chuyên khoa Nội tiết
Phòng khám Nội tiết Thái Hà

Còn bà Nguyễn Huyền T., (Đống Đa, Hà Nội) cũng đau khớp mạn tính. Cứ trái nắng trở trời, ổ khớp đầu gối của bà sưng vù, đau nhức. Được bạn bè giới thiệu có phòng khám tư điều trị tốt, giúp hết hẳn đau nhức chỉ với một đợt tiêm (3 - 5 ngày), nên hai năm nay, mỗi lần đau đớn không chịu nổi bà lại đến phòng khám và được tiêm thẳng thuốc vào ổ khớp. Mỗi lần như vậy, cơn đau của bà T. dịu hẳn, đi lại cũng dễ dàng hơn nhiều. Gần đây, phát hiện có nhiều vết xung huyết trên da, bà đến viện khám và bác sĩ cho hay, bà bị loãng xương nặng, rất dễ gãy xương nếu có va chạm mạnh; Đồng thời, mắc thêm đái tháo đường. Đáng nói, nguyên nhân chính lại do thành phần corticoid vốn dĩ có trong chính loại thuốc bà thường tiêm khi điều trị viêm khớp gây nên.

Trao đổi với Báo Giao thông, PGS. Tạ Văn Bình, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư cho biết, hầu như ngày nào ông cũng gặp bệnh nhân đến khám là nạn nhân của thuốc có chứa corticoid. Điều đáng nói, do corticoid có tác dụng “thần kỳ” trong giảm đau, chống viêm nên thường xuyên được chỉ định dùng. Các bệnh từ nặng như đau xương, khớp, gout đến nhẹ như hắt hơi, sổ mũi cũng được chỉ định sử dụng. “Điều quan trọng là biết điểm dừng trong việc sử dụng thì thành phần corticoid mang lại hiệu quả cao, nhưng lạm dụng nó thì hậu quả phải gánh rất mệt mỏi”.

Corticoid - con dao hai lưỡi

Theo phân tích của PGS. Tạ Văn Bình, corticoid là hormone của vỏ thượng thận, chức năng chính là chuyển hoá đường, hay còn gọi glucocorticoid. Với chức năng giúp tăng cường chuyển hóa đường nên có khả năng chống viêm và giảm đau mạnh.

“Trên thực tế, không chỉ giảm đau chống viêm, thậm chí với cả các trường hợp sốc thuốc, sốc nhiễm trùng, sử dụng corticoid đúng liều lượng còn giúp bệnh nhân thoát cơn hiểm nghèo. Tuy nhiên, corticoid như con dao hai lưỡi, nếu không khéo dùng lại mang lại tác dụng ngược”, ông Bình cho hay.

Theo cảnh báo của ông Bình, thành phần corticoid hiện bị lạm dụng mà xuất phát điểm có thể từ chính bệnh nhân tự ý mua thuốc điều trị mà không biết trong loại thuốc đó có chứa hoặc được trộn thêm thành phần coritcoid hoặc cũng có trường hợp chính bác sĩ lạm dụng trong chỉ định điều trị cho bệnh nhân. Do corticoid dùng bằng mọi đường, từ uống, tiêm, bôi qua da lại có tác dụng “thần kỳ” nên trong nhiều loại thuốc tễ, thuốc đông y cũng đã bị hòa trộn thêm thành phần này mà người dùng không hề hay biết. Việc sử dụng các loại thuốc tễ này thường giúp bệnh nhân giảm nhẹ ngay cơn đau nhưng lại mang đến hậu quả khôn lường do sử dụng liên tục, dài lâu. Đáng lưu ý, nhóm bệnh nhân mắc xương khớp, bệnh mãn tính, bệnh tự miễn, gout thường là “nạn nhân” của các loại thuốc này. “Riêng với bệnh nhân mắc gout còn được khuyến cáo không nên dùng thuốc có thành phần corticoid. Tuy nhiên, rất nhiều bệnh nhân gout khi đến với tôi đều đã sử dụng thuốc viên, thuốc tễ mà trong đó có thành phần này khiến bệnh tình thêm nặng và biến chứng sang nhiều nhóm bệnh khác”, ông Bình cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.