Quản lý

Cạnh tranh bình đẳng trong kinh doanh, vận tải mới phát triển

16/11/2018, 10:11

Các doanh nghiệp vận tải đều mong muốn có hành lang pháp lý bình đẳng để cạnh tranh và phát triển.

8

Ông Nguyễn Văn Quyền

Ông Nguyễn Văn Quyền vừa được bầu làm tân Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN (VATA) thay người tiền nhiệm là ông Nguyễn Văn Thanh. Sau khi nhận nhiệm vụ mới, ông Quyền đã có những chia sẻ thẳng thắn với Báo Giao thông về định hướng phát triển của hiệp hội cũng như những chính sách liên quan đến lĩnh vực vận tải.

Doanh nghiệp vận tải mong cạnh tranh bình đẳng

Là người từng nhiều năm đảm trách chức vụ Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, am hiểu lĩnh vực vận tải, ông định hướng gì cho hoạt động của VATA sắp tới?

Một trong những điều tôi quan tâm nhất là làm sao nâng cao chất lượng trong việc tham gia ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật trong lĩnh vực vận tải ô tô. Các doanh nghiệp vận tải đều mong muốn có hành lang pháp lý bình đẳng để cạnh tranh và phát triển.

Đồng thời, tôi cho rằng, các doanh nghiệp trong hiệp hội cần tăng cường học hỏi kinh nghiệm quản lý kinh doanh vận tải của các nước trong khu vực và quốc tế để đổi mới và hội nhập sâu hơn. Cùng đó, tôi mong các doanh nghiệp vận tải đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

Một trong những vấn đề được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm thời gian qua là những sửa đổi về cơ chế chính sách trong lĩnh vực vận tải, nhất là khi Bộ GTVT đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86, ông đánh giá thế nào về điều này?

Hiệp hội Vận tải ô tô VN đồng tình với các nội dung và giải pháp quản lý trong dự thảo Nghị định. Dự thảo Nghị định cũng bao quát hết được yêu cầu quản lý của các loại hình vận tải đường bộ còn lại, nhất là tăng cường giải pháp quản lý đối với xe hợp đồng. Dự thảo Nghị định cũng xác định loại hình kinh doanh như Grab là xe taxi và đưa ra các giải pháp quản lý đối với loại hình này, đáp ứng yêu cầu đảm bảo trật tự ATGT, đảm bảo bình đẳng giữa các loại hình vận tải.

Hiện còn nhiều ý kiến khác nhau về quản lý xe công nghệ kinh doanh vận tải như Grab. Dự thảo Nghị định đề xuất xe ứng dụng công nghệ kết nối như Grab phải đeo mào và được định danh là taxi. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Nếu định danh loại hình ứng dụng kết nối vận tải như Grab là taxi thì nó phải chấp hành đầy đủ các điều kiện kinh doanh của loại hình này, trong đó Grab phải đeo mào như taxi truyền thống. Anh đã kinh doanh vận tải hành khách taxi thì phải chịu các điều kiện kinh doanh của loại hình này, trong đó có việc phải gắn mào taxi.

Việc gắn mào đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý giao thông và quản lý ATGT ở các đô thị, ví dụ như đường cấm taxi cũng phải cấm luôn loại hình xe này để đảm bảo bình đẳng giữa các loại hình cùng ngành nghề.

9

Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86 xác định loại hình kinh doanh như Grab là xe taxi

Tiếp tục điều chỉnh điều kiện kinh doanh

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nếu Bộ GTVT quá “siết” dịch vụ gọi xe sẽ kìm hãm sự phát triển và đưa về sân chơi giống taxi truyền thống?

"Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý phù hợp với điều kiện công nghệ phát triển, áp dụng thống nhất cho các đối tượng và tăng cường công tác thanh, kiểm tra, đảm bảo vận hành theo hành lang pháp lý thống nhất, loại trừ nguy cơ độc quyền thị trường, gây thiệt hại cho người tiêu dùng".

Ông Nguyễn Văn Quyền

Tôi không cho rằng như vậy. Như tôi đã nói, Grab là doanh nghiệp taxi, phải chịu chung điều kiện về kinh doanh taxi. Mục tiêu gắn mào để phân định giữa xe kinh doanh và không kinh doanh, để hành khách nhận biết. Ứng dụng khoa học công nghệ vào vận tải là xu hướng đúng, nhưng không có nghĩa bỏ qua hết các điều kiện kinh doanh.

Ý kiến này dường như muốn “mở toang” cánh cửa cho doanh nghiệp nước ngoài, nếu chúng ta làm điều này mà không gắn với các điều kiện, hành lang pháp lý, doanh nghiệp trong nước sẽ không kịp thích ứng và bị loại khỏi thị trường. Khi doanh nghiệp nước ngoài nắm độc quyền, người tiêu dùng trong nước sẽ bị thiệt hại, gây nhiều hệ lụy đối với quản lý Nhà nước và xã hội.

Kinh doanh vận tải là sử dụng phương tiện, điều hành lái xe, kết nối khách hàng, quyết định giá cước, có doanh thu. Grab đã dùng phần mềm phục vụ cho kinh doanh vận tải, đưa phương tiện nằm chung trong thương hiệu Grab, giá cước, chính sách khuyến mãi, phân chia doanh thu với lái xe cũng do Grab quyết định.

Để tạo được môi trường kinh doanh công bằng và sòng phẳng trong thị trường vận tải, chúng ta cần làm gì, thưa ông?

Để mở đường cho công nghệ phát triển, theo tôi cần phải điều chỉnh điều kiện kinh doanh. Đối với điều kiện kinh doanh của taxi truyền thống, khi họ đã ứng dụng phần mềm kết nối, những điều kiện mà phần mềm đã thay thế như bộ đàm, đồng hồ tính tiền, máy in hóa đơn và một số quy định khác phải điều chỉnh phù hợp.

Tới đây, cần xác định bản chất của loại hình kinh doanh như Grab là gì và xếp vào hành lang pháp lý một cách thống nhất để tạo sự bình đẳng trong kinh doanh. Vừa qua, chúng ta xếp loại hình như Grab vào vận tải khách theo hợp đồng là chưa hợp lý, vì phương tiện của loại hình đó cũng giống taxi. Đặc biệt, nó phục vụ đối tượng khách nằm chung trong phân khúc thị trường taxi, dẫn tới tranh giành nhau trong phân khúc thị trường này, tạo ra sự cạnh tranh, mâu thuẫn gay gắt.

Lâu nay, nhiều ý kiến cho rằng, với chính sách khuyến mãi, giá cước thấp, Grab đang làm lợi cho người dân cần phải được ủng hộ. Tuy nhiên, tôi cho rằng người được hưởng lợi chỉ là những người sử dụng dịch vụ Grab không phải toàn bộ người dân Việt Nam. So sánh mức nộp ngân sách bình quân một đầu xe của Grab trong 3 năm qua chỉ bằng 1% so với mức nộp ngân sách của taxi truyền thống. Với mức nộp thấp như vậy, Nhà nước đang thất thu thuế rất lớn, điều này có nghĩa là toàn dân Việt Nam đang bị thiệt hại.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.