Chuyện dọc đường

Cấp thiết tinh giản bộ máy

12/12/2017, 09:09

Mỗi một giai đoạn, việc tách hay nhập đơn vị hành chính nào đó đều có lý do...

nguyen-tien-dinh1

Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: Vov

Lúc nhập thì nói lý do đòi hỏi cần quy mô lớn để tập trung nguồn lực, phát huy sức mạnh để phát triển kinh tế. Nhưng sau đó lại thấy không phù hợp, quy mô quá lớn, địa bàn quá rộng mà sức quản lý có hạn, cũng không thống nhất, hoà hợp được các yếu tố như phong tục tập quán, khí hậu… nên lại tìm cách tách ra.

Việc tách hay nhập đều có những ưu và nhược điểm riêng và nó liên quan đến rất nhiều yếu tố. Vì thế, trước khi quyết định tách hay nhập phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, nếu không sẽ tạo ra hệ quả mà chúng ta sẽ phải đi giải quyết.

Về chủ trương nhập các đơn vị hành chính nhỏ lại để tránh tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, theo tôi nên xem xét việc nhập ở cấp xã. Vì hiện tại chúng ta có hơn 11 nghìn xã nhưng nhiều xã quy mô diện tích nhỏ, dân số cũng rất ít, để tồn tại thành một xã kéo theo cả bộ máy cũng là một sự cồng kềnh.

Thời tôi còn làm Thứ trưởng Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ khi ấy có chủ trương hạn chế việc tách đơn vị hành chính, nhưng dưới các địa phương nhiều nơi đề nghị tách ra. Thời điểm đó thấy nhu cầu bức xúc của địa phương nên cuối cùng cho tách ra. Tuy nhiên, giờ phải nghiên cứu nhập lại vì nếu để đơn vị hành chính quy mô quá nhỏ sẽ dẫn đến manh mún, trong khi đó bộ máy lại cồng kềnh.

Thế nhưng, vấn đề mấu chốt để tinh giản bộ máy không chỉ nằm ở việc tách ra hay nhập vào các đơn vị hành chính, mà có nhiều cách khác. Hiện nay, bộ máy của chúng ta đang rất cồng kềnh, không phát huy hết hiệu lực, hiệu quả. Nếu thực hiện tốt hai Nghị quyết mà Hội nghị T.Ư 6 mới thông qua về sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập thì từng bộ máy, từng địa phương cũng sẽ giảm ngay được rất nhiều.

Vấn đề quan trọng nhất là tập trung vào thiết kế bộ máy hành chính Nhà nước và hệ thống chính trị từ T.Ư xuống địa phương theo hướng gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả. Làm được vậy ngân sách cũng sẽ giảm được gánh nặng đang quá lớn. Chẳng hạn như nhiều quốc gia tiên tiến bình quân chỉ từ 8 đến hơn 10 bộ. Còn chúng ta có đến 22 bộ, ngành và 8 cơ quan thuộc Chính phủ, như vậy là quá cồng kềnh.

 Nguyễn Tiến Dĩnh
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.