Thời sự

Chăm lo nâng mức sống 9 triệu người có công

27/07/2017, 06:07

Sáng 26/7, tại Hà Nội, Bộ LĐ,TB&XH đã tổ chức Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng...

2

Thủ tướng trao Bằng khen cho người có công tiêu biểu

Những câu chuyện ấm tình đồng chí, đồng đội

Là 1 trong 19 Mẹ Việt Nam Anh hùng có mặt tại hội nghị, câu chuyện về mẹ Nguyễn Thị Thanh Tùng (TP HCM) khiến bao người xúc động. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở vùng Gia Định - Sài Gòn. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bố mẹ và 8 người anh của mẹ lần lượt hy sinh, 11 tuổi mẹ tiếp bước truyền thống trở thành chiến sĩ giao liên. Lập gia đình khi còn trong quân ngũ, mẹ buộc phải gửi 2 con từ lúc còn nhỏ ra ngoài vùng an toàn. Thế rồi, hai người con lớn lên cũng sớm trở thành thành viên của đội biệt động và đội đặc công cùng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.

“Khi hai con cùng hi sinh cũng là lúc tôi còn ở trong mặt trận Thống Nhất. Nhận hung tin báo về, đồng đội ai nấy đều xúc động, thế nhưng tôi vẫn nói rằng các trận địa đang nổ súng, các chú mất đi những người chiến sĩ nhưng các chú ráng gắng lên”, mẹ Tùng chia sẻ. Nước mắt nuốt vào trong khi cuộc chiến tranh đã cướp đi tất cả những người thương yêu trong gia đình, mẹ Tùng lại tiếp tục chiến đấu hướng tới ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. “Lúc đó, tôi tưởng mình gục ngã không thể đứng dậy được, nhưng nhờ Đảng, Nhà nước và những anh em, bạn bè cùng chiến đấu vực dậy, tôi có được cuộc sống ngày hôm nay”, mẹ Tùng rưng rưng nước mắt.

Còn với thương binh Nguyễn Văn Chính (quê gốc Ý Yên, Nam Định hiện đang sống tại Hà Nội), suốt 22 năm qua, ông đã cùng những người đồng đội còn sống sót sau trận chiến Cam Lộ 1968 vẫn ngày đêm ngược xuôi với tâm niệm “đón đồng đội nằm xuống nơi chiến trường kia trở về với đất mẹ”. Theo lời ông Chính, chiến tranh đã trôi qua 40 năm, nhưng nỗi đau và niềm day dứt như còn hiện hữu. “Trong trận đánh đêm Giao thừa năm 1968, cả trung đội 43 người đã hy sinh gần hết. Tôi may mắn sống sót với 7 mảnh đạn vẫn găm trong đầu, nhưng các đồng đội thì đã mãi mãi nằm lại chiến trường mà đến nay vẫn lưu lạc, chưa được quy tập về”, ông Chính nói.

Với nỗi niềm day dứt đó, tháng 9/1995, ông cùng một vài người bạn ở Hà Nội thành lập Hội Nghĩa tình đồng đội. Biết bao chuyến đi ngược xuôi khắp mọi miền đất nước, qua các nghĩa trang liệt sĩ, tính tới nay, ông Chính cùng những thành viên đã đi tìm, quy tập được hàng trăm hài cốt về với gia đình. Mải miết với công việc đó, ông Chính luôn tâm niệm một điều “còn sức sẽ còn làm bởi nếu không làm sẽ thấy mình có lỗi với những người đồng chí đã khuất”.

9 triệu người có công được hưởng chính sách

Tại hội nghị, 70 cá nhân đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng, 630 cá nhân cũng vinh dự được Bộ LĐ,TB&XH trao tặng Bằng khen.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung, tính đến nay, cả nước có khoảng trên 9 triệu người được hưởng chính sách ưu đãi người có công, trong đó gần 1,2 triệu liệt sĩ, 127 nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 2 triệu người là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, hàng vạn người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, trên 1,4 triệu người được hưởng trợ cấp hàng tháng… Các hoạt động, phong trào chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công cũng đã trở thành tình cảm, trách nhiệm của toàn xã hội. Các phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà tình nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt nam Anh hùng được hưởng ứng trên toàn quốc…

"Công tác chăm sóc người có công, động viên giúp đỡ người có công vươn lên trong cuộc sống vẫn còn có những hạn chế cần khắc phục. Chúng ta không bao giờ tự cho phép mình được ngưng nghỉ, hay tự hài lòng về kết quả chăm sóc người có công. Còn rất nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trước mắt và lâu dài cần được tổ chức thực hiện với tất cả lòng tri ân chân thành, tình cảm cách mạng sâu sắc đối với những hy sinh to lớn mà hàng triệu người có công đã mang lại cho cuộc sống, xã hội hôm nay”.

Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH
Đào Ngọc Dung

Tuy nhiên, ông Đào Ngọc Dung nhìn nhận: “Công tác chăm sóc người có công, động viên giúp đỡ người có công vươn lên trong cuộc sống vẫn còn có những hạn chế cần khắc phục. Chúng ta không bao giờ tự cho phép mình được ngưng nghỉ, hay tự hài lòng về kết quả chăm sóc người có công. Còn rất nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trước mắt và lâu dài cần được tổ chức thực hiện với tất cả lòng tri ân chân thành, tình cảm cách mạng sâu sắc đối với những hy sinh to lớn mà hàng triệu người có công đã mang lại cho cuộc sống, xã hội hôm nay”.

Ông Dung cũng cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; triển khai đồng bộ, thống nhất, kịp thời Pháp lệnh Ưu đãi người có công; giải quyết tốt các vấn đề tồn đọng sau chiến tranh; cải cách thủ tục hành chính trong xác nhận người có công qua các thời kỳ kháng chiến; tạo điều kiện thuận lợi để người có công thụ hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm những vụ việc tiêu cực sai phạm trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi người có công; Đẩy mạnh xã hội hóa công tác Đền ơn đáp nghĩa, vận động để công tác đền ơn đáp nghĩa thực sự là một nghĩa vụ, bổn phận của tất cả mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên thế hệ trẻ…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.