Đường sắt

Chậm vốn, đường sắt Cát Linh - Hà Đông “lụt” tiến độ

12/05/2017, 08:30

Hầu hết nhà thầu thi công xây lắp Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang thi công cầm chừng...

8

Tiến độ thi công các hạng mục xây lắp dự án hiện đang ở mức cầm chừng do giải ngân theo kỳ hạn bị chậm

Lý do để chờ được thanh toán khối lượng công việc đã hoàn thành. Trong khi đó, khoản tiền 18,25 triệu USD đáng ra được giải ngân từ lâu, vẫn nằm trong Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank).

Chậm được thanh toán, nhà thầu phụ nản lòng

Trong hai ngày 9-10/5, có mặt tại nhiều nhà ga của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), PV Báo Giao thông ghi nhận không khí thi công khá ảm đạm. Tại ga Phùng Khoang, chỉ có hai tốp công nhân, mỗi tốp khoảng 10 người. Một tốp thi công phần đường ống trên trần khu vực kỹ thuật nhà ga, còn tốp kia đang kiểm tra, siết lại các đai ốc trên tường rào hộ lan bên ngoài nhà ga.

Còn ở ga Hà Đông, Yên Nghĩa, cũng chỉ có vài công nhân đang trát, hoàn thiện khu vực vệ sinh hoặc dọn dẹp vệ sinh. Ngay tại ga La Khê, ga đã cơ bản hoàn thành theo thiết kế và dự kiến mở cửa cuối tháng 5 để phục vụ người dân tham quan đoàn tàu mẫu đầu tiên được đưa về từ tháng 2/2017, cũng còn một số hạng mục dở dang, như chờ lắp thang máy, hoàn thiện trang trí.

"Bộ GTVT đã có Công hàm gửi China Eximbank và Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đề nghị hỗ trợ tạo điều kiện tối đa để đẩy nhanh thủ tục thanh toán cho dự án. Ngay khi được tháo gỡ khó khăn về vốn, Ban Quản lý dự án đường sắt sẽ quyết liệt chỉ đạo Tổng thầu EPC và các nhà thầu phụ đẩy nhanh tiến độ thi công để bù lại thời gian đã bị chậm."

Ông Vũ Hồng Phương

Bà Lê Thị Ngọc, đại diện nhà thầu hoàn thiện tại ga La Khê kể, hôm trước có người đưa thiết bị phòng cháy, chữa cháy đến đề nghị cho công nhân xuống bốc hàng, nhưng không có người vì nhà thầu đã phải cho nghỉ bớt do không có tiền thanh toán lương. “Sổ đỏ của nhà cắm rồi, mượn thêm mấy cái cũng cắm ngân hàng để lấy tiền mua thiết bị, vật tư thi công. Giờ không nhận được tiền thanh toán, chúng tôi không thể thi công tiếp”, bà Ngọc than.

Tại khu vực Depot (chức năng duy tu, sửa chữa, điều hành kỹ thuật tuyến đường sắt), không khí thi công cũng khá trầm lắng so với đầu năm. Nhìn bên ngoài, khu Depot đã hiện diện hình hài những khối nhà cao tầng, đường ray dẫn vào nhà xưởng, nhưng bên trong chưa có hạng mục nào hoàn chỉnh và cũng không có nhiều máy móc, nhân công làm việc.

Ông Đinh Nho Quang, Chỉ huy công trường của nhà thầu phụ Công ty CP nhà X4 cho biết, phần việc của đơn vị là san nền, tường chắn, đường thoát nước khu Depot, thi công kết cấu bê tông cốt thép nhà xưởng liên hợp, xưởng vận dụng kiểm tu liên hợp... Ông Quang cho biết, đầu năm 2017, nhân công thường xuyên có 200-300 người. Tuy nhiên, hiện tại còn hơn 100 người, máy móc thi công và tiến độ thi công đang chững lại. Một phần vì đang bước vào hạng mục hoàn thiện, nhưng chủ yếu do bị chậm thanh toán khối lượng công việc đã hoàn thành.

“Tổng thầu chậm thanh toán tiền nên chúng tôi cũng đành phải chịu lại đối tác cung cấp vật liệu, nhiên liệu. Hiện, một số đối tác đã dừng cung cấp vật liệu cho chúng tôi. Nếu tình hình này tiếp tục trong 1-2 tháng nữa sẽ rất căng thẳng cho nhà thầu”, ông Quang nói.

Tại khu vực nhà điều hành 6 tầng, mặt bằng khoảng 10.000m2 của khu Depot hiện mới xong phần kết cấu, nền, trát tường và đã bắt đầu lắp hệ thống dẫn thông tin liên lạc, còn lại các hạng mục như: Hệ thống cửa, điện, điều hòa thông gió, phòng cháy, cây xanh... đang chờ thi công. “Lúc cao điểm chúng tôi có 150 nhân công làm việc tại đây, nhưng từ khoảng 3 tuần nay giảm xuống còn gần 30 người nên tiến độ bị chững lại. Nguyên nhân chính do gặp khó khăn về tài chính, chậm được tổng thầu thanh toán, nên chúng tôi không có nguồn để trả cho đối tác cung cấp thiết bị, vật liệu. Ngay cả lương cho công nhân cũng chỉ mới chi trả tạm ứng”, ông Trần Hải Phương, người của nhà thầu Công ty TNHH MTV 319, phụ trách tại công trường này cho biết. Đại diện nhà thầu phụ này cũng tiết lộ đang chậm của các đối tác cung ứng vật tư, thiết bị khoảng 100 tỷ đồng.

Nguy cơ “lụt” tiến độ

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Hồng Phương, Phó tổng giám đốc Ban QLDA Đường sắt cho biết, đúng là đang xảy ra tình trạng các nhà thầu phụ Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông thi công... cầm chừng. Tình trạng này diễn ra ở các nhà ga trên tuyến và khu vực Depot. Nguyên nhân chính do các nhà thầu phụ chưa được thanh toán khối lượng đã thi công và đang phải ứng khá nhiều vốn để mua vật liệu, chi trả lương nhân công và do Tổng thầu EPC chậm thanh toán nên nhà thầu cũng thi công cầm chừng để chờ chi trả.

Ông Phương cũng cho biết, nhiều nhà thầu phụ đang phải “gồng mình” để ứng vốn nên đã giãn tiến độ thi công. “Đến nay, dự án đã đạt hơn 90% khối lượng xây lắp (chưa kể lắp đặt thiết bị) và đang trong giai đoạn chờ lắp đặt các thiết bị. Kế hoạch là hết tháng 9 sẽ đóng điện để vận hành thử liên động toàn hệ thống, nhưng hiện đang đứng trước nguy cơ bị chậm tiến độ”, ông Phương nói và cho biết, cũng do nguồn vốn dự án bị chậm nên ngay cả khâu chế tạo và đưa thiết bị của dự án về nước đến nay cũng bị chậm hơn so với kế hoạch.

Ông Phương cũng thông tin, trong tổng số 22,75 triệu USD đã được Bộ Tài chính ký đơn rút vốn theo kế hoạch tại thời điểm này, China Eximbank (Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc) mới giải ngân 4,5 triệu USD, còn lại 18,25 triệu USD chưa được giải ngân. Nhằm giải quyết vấn đề liên quan đến vốn, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường mới đây yêu cầu Ban QLDA Đường sắt xây dựng trình tự thanh toán (bao gồm các bước trong quá trình lập hồ sơ thanh toán, các form mẫu biểu...), rút ngắn thời gian thanh toán, tạo điều kiện tối đa trong công tác thanh toán cho tổng thầu. Đồng thời, xây dựng quy trình thanh toán cho thầu phụ và kiểm soát công tác thanh toán của tổng thầu cho thầu phụ để đảm bảo nguồn tài chính cho các nhà thầu triển khai... nhằm đảm bảo tiến độ dự án là quý II/2018 đưa vào khai thác thương mại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.