Hạ tầng

Chất lượng song hành cùng số lượng (Kỳ 5)

04/07/2015, 09:00

Sau 5 năm, hệ thống GTNT của Tuyên Quang không chỉ vượt về số lượng mà còn đảm bảo về chất lượng công trình…

41

Phó chủ tịch UBND xã Tứ Quận, ông Hán Quang Thái cùng đại diện Sở GTVT, Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Yên Sơn đo ngẫu nhiên chiều dày và chiều rộng mặt đường thôn Đồng Bài - Ảnh: Tuấn Anh

Với việc hoàn thành hơn 2.400 km, Chương trình giao thông nông thôn tại tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2010 - 2015 không chỉ về đích trước thời hạn một năm mà còn vượt chỉ tiêu 11,82% so với kế hoạch đề ra. Với cách quản chất lượng chặt chẽ ngay từ cơ sở, sau 5 năm, hệ thống giao thông nông thôn của Tuyên Quang không chỉ vượt về số lượng mà còn đảm bảo về chất lượng công trình…

Xây dựng quy chuẩn mẫu

Cuối tháng 5 vừa qua, PV Báo Giao thông trở thành thành viên “đặc biệt” của Đoàn kiểm tra đột xuất gồm cán bộ của Sở GTVT, Phòng Kinh tế - Hạ tầng và lãnh đạo UBND xã Tứ Quận đi kiểm tra đoạn đường bê tông thôn Đồng Bài, xã Tứ Quận, công trình mới hoàn thành ba ngày trước đó.

Trước sự chứng kiến của đại diện Sở GTVT, Phòng Kinh tế, hạ tầng huyện Yên Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Quận, ông Hán Quang Thái và Trưởng thôn Đồng Bài đo ngẫu nhiên chiều dày và chiều rộng mặt đường tại một số vị trí. Kết quả cho thấy, tất cả đều đạt yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn mà Sở GTVT Tuyên Quang đưa ra.

Những chia sẻ trên chỉ là một phần nhỏ trong câu chuyện hiệu quả của hệ thống GTNT dài hơn 2.400 km của 7 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, ở đó bê tông hóa GTNT đã thực sự góp vai trò vào việc thúc đẩy phát triển KT-XH cho địa phương, nhất là các xã nghèo vùng sâu, vùng xa.

Trưởng phòng an toàn, Sở GTVT Tuyên Quang Vũ Phú Cường cho biết, đây chỉ là một trong số các khâu để kiểm tra việc tuân thủ chất lượng đường GTNT từ khi triển khai xây dựng đến nay.

Cụ thể, để quản chất lượng, ngay từ khi bắt đầu chương trình xây dựng GTNT, Sở GTVT Tuyên Quang đã ban hành bản thiết kế mẫu, hướng dẫn trình tự quy trình thi công, tỷ phối vật liệu, đồng thời chủ trì tập huấn cho đội ngũ cán bộ các huyện phụ trách vấn đề này cùng một số các trưởng thôn, bản. Sau đó, đội ngũ cán bộ huyện sẽ chịu trách nhiệm tập huấn cho cán bộ xã, thôn để triển khai.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc Sở GTVT Tuyên Quang cho biết, ngoài việc tập huấn, Sở cũng thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở theo phương châm “cầm tay, chỉ việc”, để giúp dân tuân thủ quy định thay vì làm theo kinh nghiệm dân gian. Cứ định kỳ một tháng/lần, Sở GTVT cử đoàn kiểm tra xuống địa bàn kiểm tra ngẫu nhiên các thông số kỹ thuật để có những điều chỉnh kịp thời.

Là người gắn bó với dự án bê tông nông thôn từ những ngày đầu tại Yên Sơn (huyện có đến 605 km đường bê tông nông thôn), ông Trần Xuân Hậu, cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện chia sẻ: “Yên Sơn có 473 thôn, bản của 31 xã, thị trấn đều làm đường GTNT. Huyện có Ban chỉ đạo, kiểm tra thường trực, xã có Ban giám sát, thôn có Ban thi công và Tổ giám sát. Mỗi tuyến đường của thôn đều có riêng một Tổ giám sát riêng, thành viên chủ yếu là người dân. Ngoài ra, xuyên suốt quá trình làm đường luôn có sổ ghi chép hàng ngày về nguyên vật liệu nhập vào, ngày công lao động, quy trình thi công và tiến độ công trình. Mọi việc đều được báo cáo công khai trước dân tránh để xảy ra sai sót hay kém chất lượng công trình”.

Dừng ngay thi công khi phát hiện vi phạm

Ông Vũ Phú Cường kể, do tận dụng vật liệu tại chỗ có sẵn để tiết kiệm chi phí lại dễ triển khai, người dân xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa đã dùng tre làm ván khuôn thay vì ván gỗ theo quy định khi thi công đường. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Sở GTVT đã nhanh chóng cử cán bộ xuống kiểm tra và đề nghị thôn phá bỏ đoạn đường để xây mới, làm lại đúng bản mẫu và quy định kỹ thuật.

Hay chuyện đổ bê tông trên nền đường chưa được lu lèn chặt theo đúng quy định tại một thôn của huyện Yên Sơn, đã bị các cán bộ của huyện kiểm tra và yêu cầu bóc cả trăm mét bê tông để thi công lại, được cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng của huyện Yên Sơn Trần Xuân Hậu kể lại cho phóng viên.

Liên quan đến quản chất lượng công trình, Phó giám đốc Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm: “Ngoài chuyện quản từ nền, móng, thành phần phối vật liệu trộn bê tông, kiểm tra tạp chất trước khi thi công. Sở cũng quán triệt các huyện giám sát chặt công tác bảo dưỡng. Ngoài ra, Sở GTVT thường xuyên có các đợt kiểm tra, mỗi đợt thành lập tối thiểu ba đoàn do ba đồng chí Phó Giám đốc Sở trực tiếp nghiệm thu. Việc kiểm tra chất lượng cũng được gắn kèm với các đợt xuống cơ sở của các tổ chức xã hội như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên”.

Thêm vào đó, để đảm bảo tính minh bạch, công khai và chất lượng công trình, UBND tỉnh Tuyên Quang đã có văn bản chỉ đạo và giao lãnh đạo UBND từ huyện xuống xã phải chịu trách nhiệm toàn diện với UBND tỉnh về vấn đề xây dựng GTNT đảm bảo các tiêu chí đề ra, trong đó chú trọng đặc biệt kiểm soát chất lượng công trình GTNT.

Tại hiện trường kiểm tra, gần 100 m đường bê tông của thôn Đồng Bài, Phó Chủ tịch xã Tứ Quận chia sẻ với chúng tôi: “Để đảm bảo chất lượng đồng đều, tính thẩm mỹ cao, xã đã xuống thôn vận động người dân đóng góp thêm kinh phí để thuê đội quân chuyên đổ bê tông các công trình xây dựng tham gia vào việc đổ bê tông hệ thống đường của xã, điều này đem lại hiệu quả rõ rệt là ngoài chất lượng đồng đều, mặt đường cũng êm thuận và đạt yêu cầu về thẩm mỹ cao”, ông Thái cho biết.

Cùng PV đi trên những đoạn đường bê tông uốn lượn dọc các ngõ xóm, thôn bản, Phó Chủ tịch Hán Quang Thái vui mừng khi nói về hiệu quả của những con đường bê tông nông thôn: “Ngoài chuyện người dân không còn cảnh nắng bụi, mưa lầy việc vận chuyển hàng hóa của bà con cũng được thuận tiện, nhanh chóng hơn. Sau gần 5 năm, 23 km đường GTNT của Tứ Quận do cán bộ huyện, xã, thôn và chính bà con trong xã trực tiếp giám sát đã đảm bảo chất lượng cao nhất”. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.