Góc nhìn

Châu Á báo động đỏ hiện tượng thời tiết cực đoan

13/08/2018, 08:16

Hiện tượng thời tiết cực đoan do nhiệt độ tăng cao kỷ lục, diễn ra trên khắp các quốc gia, vùng lãnh thổ...

23

Người dân đi bộ dưới nắng nóng trên 41 độ C ở Shibuya, Thủ đô Tokyo, Nhật Bản

Hiện tượng thời tiết cực đoan do nhiệt độ tăng cao kỷ lục, diễn ra trên khắp các quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á vào những tháng gần đây đã cướp đi hàng trăm mạng sống. Diễn biến thời tiết chưa từng có này được các chuyên gia cảnh báo mới chỉ là khởi đầu của thời kỳ nguy hiểm khi lục địa đang ngày càng nóng lên.

Sóng nhiệt ngày càng mạnh

Những tháng gần đây, gần như toàn bộ châu Á chìm trong vòm nhiệt khổng lồ và các sóng nhiệt liên tục đẩy nhiệt độ các quốc gia ở gần tâm nóng lên mức kỷ lục trong những tháng hè. Các nhà khoa học cảnh báo sẽ có ngày càng nhiều người thiệt mạng khi nắng nóng thường xuyên hơn, theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP).

Một thiếu niên đang tìm cách hạ nhiệt ở

Một thiếu niên đang tìm cách hạ nhiệt ở nơi công cộng khi nắng nóng ở Hàn Quốc

“Hiện tượng biến đổi khí hậu đóng vai trò quan trọng trong việc xuất hiện các sóng nhiệt quy mô lớn. Khi khí hậu ấm lên, nguy cơ nhiệt độ cực cao sẽ tăng lên tương ứng”, ông Fu Cheung Sham, Giám đốc thực nghiệm tại Đài Quan sát thời tiết Hong Kong nhận định.

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính vào những năm 2030, số người chết vì nhiệt độ cao có thể tăng thêm 1.488 tại các nước có thu nhập cao ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tăng thêm 21.000 người trên khắp châu Á.

Trên quy mô toàn cầu, nhiệt độ tăng có thể làm các bệnh nhiệt đới, suy dinh dưỡng và tiêu chảy trầm trọng hơn, khiến khoảng 250.000 người tử vong/năm trong khoảng từ 2030 - 2060.

Trong đợt nắng nóng 15 ngày ở Hong Kong hồi cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, nhiệt độ trong các căn hộ và nhà tập thể cao hơn từ 1-50C so với ngoài trời. Các nghiên cứu cộng đồng cho thấy, hơn 30% số người được hỏi nói rằng, họ cảm thấy dễ ốm hơn khi nhiệt độ tăng và 22% người mắc các triệu chứng trầm cảm.

Hàn Quốc đang phải chịu mức nhiệt độ cực cao từ giữa tháng 7, lên trên 40 độ C. Ít nhất 42 người Hàn Quốc đã tử vong. Triều Tiên cũng đang phải chịu thảm họa thiên nhiên chưa từng có, phá hoại các loại cây trồng.

Bên cạnh đó, mưa lớn, lũ lụt và lở đất cũng xảy ra ở nhiều nơi. Tại Nhật Bản, đợt mưa lớn gần đây đã gây ra lũ lụt và lở đất ở phía Tây Nam, khiến hơn 200 người chết trước khi một đợt nắng nóng đẩy nhiệt độ tăng lên mức kỷ lục 41,1 độ C , tấn công xứ sở Mặt Trời mọc khiến 80 người khác bỏ mạng.

Nghiên cứu gần đây trên tạp chí PLOS Medicine cho thấy, sự gia tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng của các luồng sóng nhiệt sẽ làm tăng đột biến số ca tử vong do sốc nhiệt trên toàn thế giới, đặc biệt nếu lượng khí thải carbon tiếp tục không được kiểm soát.

Số ca tử vong do nắng nóng trung bình ở Nhật Bản đang đứng ở mức trên 2.000/năm và dự báo có thể tăng 170% trong khoảng thời gian từ năm 2030 - 2080. Tương tự, Philippines có thể tăng hơn 1.300% số lượng người tử vong do nhiệt độ tăng cao so với số ca tử vong hiện tại ở ngưỡng khoảng 322 người/năm.

Trên đây là kịch bản xấu nhất khi lượng khí thải carbon tăng, dân số tăng và không có các chính sách kiểm soát phù hợp. Nhưng, các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, ngay cả khi lượng khí thải carbon thấp hơn và thế giới áp dụng các chính sách kiểm soát CO2 tốt hơn thì số ca tử vong do sốc nhiệt sẽ vẫn tăng ở gần như toàn bộ 20 nước được các nhà khoa học nghiên cứu và tiên lượng.

Nguyên nhân khiến các sóng nhiệt lan rộng

Lũ lụt tàn phá các công trình giao thông ở Nhật

Lũ lụt tàn phá các công trình giao thông ở Nhật

Các nhà khoa học từ Đại học Oxford, Vương quốc Anh xác định, biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính làm tăng gấp đôi khả năng của các hiện tượng thời tiết nêu trên.

Các chuyên gia khí tượng cũng dự đoán thời tiết nắng nóng bất thường sẽ trở nên phổ biến hơn không chỉ ở châu Á mà trên quy mô toàn cầu.

Không chỉ nắng nóng, theo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á, nhiệt độ bề mặt biển tăng cao cũng khiến các cơn bão nhiệt đới (điển hình là bão Hải Yến - từng khiến hơn 6.000 người chết ở Philippines vào tháng 11/2013) sẽ mạnh và có sức tàn phá khủng khiếp hơn.

Để đối phó với tình trạng nóng lên rõ rệt này, Chính phủ các nước trên khắp thế giới buộc phải tìm ra những cách thức mới để bảo vệ môi trường, bảo vệ người dân.

Tại Ấn Độ, sau đợt nắng nóng tháng 5/2010 khiến hơn 1.300 người chết, một tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ chính quyền địa phương thực hiện một kế hoạch hành động bao gồm xây dựng hệ thống cảnh báo công dân về thời tiết khắc nghiệt, thiết lập các trạm nước trong các khu dân cư nghèo cũng như xây thêm các khu vực mái che ngoài trời để tạo bóng râm.

Thế nhưng, những giải pháp không đối chọi lại được việc nhiệt độ ngày càng đạt mức kỷ lục mỗi năm. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, nếu không cắt giảm lượng khí thải carbon, hơn một nửa Nam Á sẽ trở thành “điểm nóng” hoặc những khu vực thay đổi thời tiết sẽ làm giảm mức sống vào năm 2050.

Ở một khía cạnh khác, các nhà nghiên cứu cũng hy vọng rằng, hiện tượng thời tiết cực đoan gần đây sẽ là một cú hích để các quốc gia duy trì các cam kết trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (COP21). Trong đó, hạn chế mức tăng nhiệt độ trái đất ở ngưỡng +1,5 độ C vào năm 2018.

Ông Kira Vinke từ Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam cảnh báo, nếu không hành động ngay để chống biến đổi khí hậu thì tất cả những nỗ lực nhằm giảm đói nghèo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong những thập kỷ qua có khả năng sẽ trở về con số 0.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.