Công nghệ mới

Châu Âu có trung tâm nghiên cứu tàu siêu thanh đầu tiên

09/08/2018, 08:51

Virgin Hyperloop One, công ty khởi nghiệp phát triển hệ thống vận tải đường sắt siêu thanh, vừa đạt thỏa thuận...

27

Ống hyperloop cho phép tàu di chuyển với tốc độ siêu thanh bên trong

Virgin Hyperloop One, công ty khởi nghiệp phát triển hệ thống vận tải đường sắt siêu thanh, vừa đạt thỏa thuận với Công ty Hạ tầng đường sắt quốc doanh Tây Ban Nha Adif để xây dựng một trung tâm nghiên cứu trị giá 500 triệu USD tại Tây Ban Nha.

Trung tâm rộng khoảng 19 nghìn m2, dự kiến đặt tại làng Bobadilla, tỉnh Malaga vào năm 2020, đánh dấu trung tâm nghiên cứu đầu tiên của hyperloop tại châu Âu. Nơi đây sẽ phát triển và thử nghiệm các bộ phận của hệ thống hyperloop nhằm cải tiến an toàn.

Hyperloop là phương tiện vận tải mới di chuyển trên đường ray đệm từ, có thiết kế giống tàu nhưng lại chạy trong đường ống có ít hoặc không có không khí. Về lý thuyết, hyperloop có thể cho phép vận tải nhanh hơn tốc độ âm thanh. Virgin Hyperloop One, do tỉ phú Anh Richard Brason hậu thuẫn đã thử nghiệm hệ thống hyperloop tại Nevada, Mỹ với tốc độ đạt tới 386km/h, dự kiến đưa 3 hệ thống sản xuất vào phục vụ từ năm 2021.

Giám đốc điều hành Virgin Hyperloop One Rob Lluoyd cho biết: “Việc đầu tư vào phát triển và thử nghiệm Virgin Hyperloop One sẽ giúp Tây Ban Nha nối dài truyền thống sáng tạo và đi đầu trong giao thông toàn cầu. Chúng tôi rất hào hứng được hợp tác với những đất nước có suy nghĩ đi trước thời đại, hướng tới phát triển những hệ thống giao thông kế tiên tiến mới”.

Công ty Virgin Hyperloop One sẽ nhận được 126 triệu euro (tương đương 146 triệu USD) vào quỹ hỗ trợ cộng đồng dưới hình thức vay nợ và trợ cấp để xây dựng trung tâm mới. Adif hứa hẹn, trung tâm sẽ tạo ra 250 việc làm kỹ thuật cao.

Không ngẫu nhiên công ty Mỹ lại lựa chọn Malaga làm nơi xây dựng trung tâm nghiên cứu. Nơi đây đang biến mình nhanh chóng trở thành tỉnh công nghệ cao. Malaga đã có hơn 9.000 công ty giao thông và logistic cũng như sở hữu cụm không gian vũ trụ lớn thứ 2 tại Tây Ban Nha và 20.000 nhân viên chuyên về nghiên cứu và phát triển. Mặt khác, Tây Ban Nha là nước có hệ thống cao tốc lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc. Bắt đầu được xây dựng từ năm 1992, hệ thống đường ray cao tốc nước này đã dài tới 3.200km, nối liền các thành phố khắp đất nước bò tót, vận tải 36,5 triệu lượt khách/năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.