Khám phá

"Chạy sô” Tết Trung thu, dịch vụ múa lân sư hái ra tiền

03/10/2017, 19:00

Ngay trước đêm rằm Trung thu, nhiều đoàn múa lân đã phải chốt lịch không nhận thêm show mới.

mua-lan-trung-thu

Múa lân sư là tiết mục không thể thiếu trong lễ hội Trung thu

Đồng tiền đẫm mồ hôi
0 giờ đêm, vẫn nguyên bộ trang phục biểu diễn đẫm mồ hôi, Nguyễn Đức Phong (Đội Lân Định Công) ngồi bệt trên vỉa hè vừa nhai miếng bánh mì vừa chia sẻ: “Đây là năm thứ 3 em tham gia múa lân sư để có thêm đồng thu nhập. Năm nào vào dịp Trung thu, đoàn cũng tất bật “chạy sô” cho kịp giờ biểu diễn, lắm khi còn quên cả ăn uống”. Theo Phong, trung bình mỗi tối một đội múa lân phải chạy 5 - 6 show biểu diễn, thậm chí có hôm còn chạy 10 - 13 sô và các địa điểm đôi khi cách nhau cả chục cây số.

Càng sát ngày Tết Trung thu, hoạt động của các đội Lân sư càng sôi động. Đặc biệt trong hai đêm 14, 15/8 âm lịch, ghi nhận cho thấy, lịch đặt hàng của các đội đều đã kín mít, không thể nhận thêm khách. Theo tìm hiểu, mỗi địa điểm đội biểu diễn từ 15 - 30 phút; giá dịch vụ múa lân sư hiện cũng dao động tự 2 - 10 triệu đồng, tùy theo yêu cầu của khách hàng. Ví như một tiết mục múa lân gồm 2 lân, 2 trống, 1 ông địa, 1 chập cheng có giá từ 2 - 4 triệu đồng hay tiết mục 3 lân, 2 trống, 1 ông địa, 1 chập cheng lại có giá 6 triệu đồng...

Theo anh Phạm Ngọc Anh, trưởng đoàn múa lân sư tại Hà Đông cho hay, thu nhập từ nghề phụ thuộc vào phần trình diễn và thái độ của người xem. Các động tác hay, độc đáo, hấp dẫn, thu hút đông người xem thì tiền thù lao càng nhiều. “Mấy ngày nay đội chạy khắc nơi,  lịch biểu diễn dày đặc. Nhiều nhất là phục vụ biểu diễn tại các khu dân cư, các địa điểm công cộng với thu nhập 1 - 4 triệu đồng/ lần. Mỗi tối của cả đội cũng thu về được khoảng 7 - 10 triệu đồng, cũng có những hôm nhiều hơn lên đến 20 triệu đồng”, Ngọc Anh cho biết.

Nghề hot quanh năm

Chia sẻ về nghề, anh Kiều Văn Quảng (thành viên kiêm đội trưởng đội Lân Chung Nghĩa Đường) cho biết: Múa lân sư là một nghệ thuật khá đặc biệt, vừa mang vẻ đẹp trong động tác, đường nét của môn múa vừa thể hiện được nội lực, sức mạnh của võ thuật. Người biểu diễn ngoài niềm đam mê, sự kiên trì, tinh thần đoàn kết, khả năng sáng tạo và cảm thụ âm nhạc cần phải biết võ mới trình diễn được những kỹ thuật khó để thể hiện từng nét tính cách, hùng khí và sự dũng mãnh của những chú Lân.

“Múa lân sẽ không khó nhưng đòi hỏi sự kết hợp ăn ý giữa các thành viên trong đội. Lúc thì phải mềm dẻo, uyển chuyển, khi thì phải mạnh mẽ, dứt khoát, càng tập luyện kỹ càng tránh tai nạn trong lúc biểu diễn”. anh Quảng chia sẻ.

Không chỉ biểu diễn những dịp lễ, Tết, ngày hội mà múa lân sư còn xuất hiện thường xuyên trong các sự kiện khai trương, khánh thành, tân gia, cưới hỏi, sinh nhật… “Em tham gia múa lân được 3 năm và em đang tập luyện để theo con đường chuyên nghiệp. Bọn em múa Lân quanh năm phục vụ cho khai trương, động thổ và các chương trình khác. Múa lân ở ngoài Bắc không như trong miền nam nên đây chưa thể là nghề mưu sinh được nhưng trong tương lai thì chắc có thể”, Nguyễn Văn Hiếu (thành viên đội Lân Kim Từ Đường) cho hay.

Theo ghi nhận, vài năm trở lại đây, việc cạnh tranh giữa các đoàn múa lân sư cũng gay gắt hơn trước. Để tăng thêm tính hấp dẫn, nhiều đội múa lân phải nghiên cứu đầu tư cho các tiết mục mạo hiểm hơn. “Để thu hút người xem, bên mình cập nhật các bài múa mới như múa Lân Gangnam, Lân Địa Bửu... và tập trung vào tập luyện múa Lân mai hoa thung vì đây là đỉnh cao của bộ môn múa Lân”, anh Quảng cho biết...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.