Sản phẩm mới

Chế tạo thành công máy biến nước thành nhiên liệu

04/12/2014, 09:14

Công ty công nghệ của Đức lần đầu tiên giới thiệu thiết bị chuyển đổi nước và carbon dioxide thành một dạng nhiên liệu lỏng.

Máy chuyển đổi nhiên liệu từ nước và carbon dioxide.
Máy chuyển đổi nhiên liệu từ nước và carbon dioxide

Chiếc máy là sản phẩm của công ty công nghệ Sunfire GmbH, hoạt động theo quy trình tổng hợp Fischer-Tropsch (F-T) nhằm chuyển carbon monoxide và hydro thành hydrocarbon dạng lỏng. Sunfire GmbH, có trụ sở đặt tại miền đông nước Đức, kỳ vọng công nghệ này sẽ tạo ra một tác động lớn đến thị trường nhiên liệu thế giới trong tương lai.

“Tôi gọi đây là một phép lạ vì nó hoàn toàn thay đổi cách thức chúng ta sản xuất nhiêu liệu cho xe hơi, máy bay và thay đổi cả ngành công nghiệp hóa học”, Nils Aldag, giám đốc tài chính và là nhà đồng sáng lập Sunfire GmbH cho hay.

Thiết bị chạy bằng điện nói trên áp dụng phương pháp mang tên Tổng hợp Fischer-Tropsch, được phát triển lần đầu tiên bởi 2 nhà hóa học Đức Franz Fischer và Hans Tropsch hồi năm 1925.

Ban đầu, nước được chuyển đổi sang dạng hơi nước song song với quá trình tách oxy và hydro. Hydro sau đó được sử dụng để chuyển hóa carbon dioxide (CO2) thành carbon monoxide (CO). Ở giai đoạn này, CO sẽ kết hợp với hydro để tạo thành hydrocarbon lỏng. Nó có thể trở thành nhiên liệu sử dụng thay thế khí gas, dầu diesel và nhiên liệu dùng cho máy bay, vốn được tạo ra từ dầu mỏ như hiện nay.

Quá trình biến đổi này diễn ra trong một loạt các lò phản ứng ở nhiệt độ từ 150 đến 300 độ C.

Mô phỏng quy trình tạo nhiên liệu.
Mô phỏng quy trình tạo nhiên liệu.

Công ty Sunfire cho biết hiệu suất năng lượng của toàn bộ quá trình này ở thời điểm hiện tại là 70%, một con số khả quan hơn so với các loại động cơ sử dụng xăng hay dầu diesel thông thường. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là cần có một lượng điện năng lớn để chuyển đổi nước thành hơi nước.

Trung bình mỗi ngày, một chiếc máy chuyển đổi có thể xử lý 3,2 tấn CO2 để tạo ra một thùng nhiên liệu. Do đó, để có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng nhiên liệu của thế giới hiện nay, các nhà khoa học ước tính cần có rất nhiều máy móc, thiết bị và chi phí. CO2 là một trong những loại khí gây nên hiện tượng ấm lên của Trái Đất. Giới bảo vệ môi trường tin rằng giảm lượng CO2 trong không khí, giảm hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch (như dầu mỏ và than đá) là giải pháp hiệu quả nhất trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, theo VnExpress.

Tuy nhiên, công nghệ xăng F-T “sẽ luôn luôn đắt đỏ hơn” so với việc tạo nhiên liệu hydrocarbon dạng lỏng thông thường, vốn được sản xuất từ dầu thô, ông Nils Aldag cho hay.

Công nghệ mới giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển dầu thô và chi phí cho các hệ thống cơ sở hạ tầng tốn kém. “Bạn có thể sản xuất ra nhiên liệu ngay tại nơi bạn muốn sử dụng chúng”, ông Aldag nhấn mạnh.

Thiết bị tạo nhiên liệu từ nước của Sunfire GmbH cho đến thời điểm hiện tại chỉ có mục đích trưng bày và để chứng minh tính khả thi (sản lượng khoảng 1 thùng nhiên liệu/ngày), trang tin công nghệ CNet (Mỹ) cho biết.

Đài phát thanh Nga nói rằng Lầu Năm Góc hiện đã nghiên cứu về cách chế tạo nhiên liệu theo hướng nói trên. Quân đội Mỹ đã chi 40 USD/lít cho loại nhiên liệu dành cho máy bay làm từ tảo. Giá của loại nhiên liệu thông thường cho máy bay quân sự Mỹ ở mức khoảng 1 USD/lít.

Mặc dù mức giá 40 USD/lít có vẻ quá cao, Mỹ đã phải chi một khoản tiền rất lớn cho việc vận chuyển nhiên liệu trong chiến dịch kéo dài 13 năm tại Afghanistan. Theo ước tính của quân đội Mỹ, chi phí vận chuyển nhiên liệu đến các căn cứ vùng xa xôi hẻo lánh là khoảng 106 USD/lít.

Hãng Sunfire tin rằng công nghệ tạo nhiên liệu từ nước sẽ còn được cải tiến và họ hi vọng tung ra bán trước năm 2016 sau khi có được giấy phép, theo Thanh niên.

Thanh Hà (Tổng hợp)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.