Chất lượng sống

Chiến sĩ Cảnh sát biển hồi sinh nhờ được hiến tạng

02/08/2016, 11:02

Các bác sĩ liên viện Việt Đức và Quân y 103 đồng loạt thực hiện bốn ca ghép tạng từ người hiến chết não.

2gheptang

Các bác sĩ liên viện Việt Đức và Quân y 103 ghép tim cho bệnh nhân Nguyễn Nam T.

Giọt nước mắt hạnh phúc tràn mi thai phụ trẻ bởi niềm hi vọng mong manh về sự sống của người chồng, người cha của đứa con trong bụng chị đã hiện hữu nhờ tạng hiến của một người khác.

Phép màu cứu mạng người

Trong đêm 27/7, các bác sĩ liên viện Việt Đức và Quân y 103 đã đồng loạt thực hiện bốn ca ghép tạng từ người hiến chết não. Điều hạnh phúc là cả bốn ca ghép đều thành công. Trong đó, có ca ghép tim cho chiến sĩ cảnh sát biển 36 tuổi Nguyễn Nam T. (quê tại Tuyên Hóa, Quảng Bình).

Sau hơn một ngày, cuộc phẫu thuật ghép tạng được các bác sĩ thông báo thành công, nhưng chị Hoàng Như Phương (vợ chiến sĩ Nguyễn Nam T.) vẫn như chưa tin đó là hiện thực. Bởi cách đây chỉ 5 ngày (trước khi được phẫu thuật ghép tim), trao đổi với gia đình, bác sĩ điều trị cho anh T. cho biết, nếu không được sớm ghép tim thì cơ hội sống chỉ còn tính bằng ngày. Chia sẻ với PV Báo Giao thông, chị Phương cho hay: “Mặc dù gia đình đã đăng ký ghép tạng, tuy nhiên gần như không dám đặt hi vọng bởi có quá nhiều người phải chờ đợi cả năm nay, đã vuột đi cơ hội sống vì không có nguồn tạng hiến”.

Theo bác sĩ Bệnh viện Quân y 103, tính đến thời điểm hiện tại, sức khỏe của ba bệnh nhân được ghép tạng đêm 27/7 vừa qua tiến triển tốt. Hai bệnh nhân ghép thận đều đã phục hồi, riêng trường hợp ghép tim hiện đang được chăm sóc đặc biệt.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, chị Hoàng Như Phương (vợ bệnh nhân Nguyễn Nam T. - được ghép tim) cho biết: “Đến thời điểm này, gia đình vẫn chưa được tiếp xúc, tuy nhiên rất mừng vì anh T. đã tỉnh táo. Em hy vọng sớm được gặp chồng để yên tâm trở lại Quảng Bình sinh con”.

Nhắc đến anh T., nước mắt chị Phương lại trực trào ra. Hai anh chị nên vợ nên chồng khi anh đã đứng trong hàng ngũ lực lượng cảnh sát biển. Những chuyến đi làm nhiệm vụ ngoài giàn khoan của người cảnh sát biển thường kéo dài nhiều ngày và xen vào đó là đợt thăm nhà chớp nhoáng. Mọi việc trong gia đình do một tay chị vun vén, chăm sóc mẹ già, con cái để anh yên tâm công tác. Kinh tế gia đình cũng không mấy khá giả bởi tất cả đều trông vào lương của anh T.

Mọi việc ngỡ yên ổn, bỗng từ tháng 8/2015, anh T. thấy ho nhiều, khó thở, tranh thủ kỳ nghỉ phép anh đi khám tại viện Quân khu 4, thì được chẩn đoán suy tim độ 2. Sau đợt điều trị, anh T. quay lại công tác, tuy nhiên chỉ thời gian ngắn sau đó, cơ thể T. yếu hơn, buộc phải vào BV Quân y 103 để điều trị. Đến lúc này, anh T. được xác định bệnh cơ tim thể xốp, suy tim độ 4, chỉ định ghép tạng. Suốt 5 tháng ròng điều trị tại BV Quân y 103, cơ thể anh T. ngày một suy kiệt, bệnh tình trầm trọng. “Là cảnh sát biển, ngày trước anh ấy cao to, vậy mà chưa đầy một năm, cơ thể héo mòn, sụt 10kg”, chị Phương cho hay. Ngồi bên cạnh, anh Hoàng Cương (anh trai chị Phương) thêm lời, lúc biết cuộc sống của T. chỉ tính bằng ngày, cả gia đình thật sự suy sụp bởi sau lưng T. là một gia đình nhỏ còn mẹ già, con thơ và cả một sinh linh chưa kịp chào đời. “Lúc đó chỉ mong có phép màu nào đó có thể cứu được T. mà thôi”, anh Cương chia sẻ.

Chết không có nghĩa là hết

Ngày 28/7, “phép nhiệm màu” đã đến khi anh T. may mắn được nhận nguồn tạng hiến từ một nạn nhân tai nạn bị chết não. “Ngay sau khi nhận được tin có nguồn tạng, tôi vội bắt xe khách lên Hà Nội, trên xe nhận tiếp thông tin sau xét nghiệm mọi chỉ số giữa người nhận, người cho hoàn toàn phù hợp. Tôi tin phép màu thật sự đã tới với em mình”, anh Cương bồi hồi cho hay.

Theo Thiếu tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y 103, sáng 27/7, BV đã tiếp nhận bệnh nhân T.K.B. (31 tuổi, trú tại Quốc Oai, Hà Nội) trong tình trạng hôn mê sâu, máu tụ màng cứng sọ não, lan tỏa hai bán cầu não, dập phổi. Mặc dù được các bác sĩ BV Quân y 103 tận tình cấp cứu, nhưng bệnh nhân đã chết não. BV đã vận động gia đình hiến tạng của người chết não để mang lại cơ hội kéo dài sự sống cho các bệnh nhân khác.

“Cháu nó chết mà cứu được nhiều người thì tôi sẽ đồng ý. Cháu nó đã không may... Hiến cho ai thì hiến để cứu được người khác...,, mẹ của bệnh nhân B. nấc nghẹn khi quyết định tự nguyện hiến tạng của con.

“Chúng tôi thật sự biết ơn và cảm phục trước hành động nhân văn của người mẹ nghèo đã dũng cảm vượt qua đau đớn về tinh thần và những rào cản về quan niệm “chết toàn thây”, tự nguyện hiến tạng của con để hồi sinh sự sống cho bốn người khác đang mòn mỏi đợi chờ”, Thiếu tướng Đỗ Quyết bày tỏ.

Theo BS. Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép cơ thể người quốc gia, tính đến tháng 5, trung tâm nhận được 2.442 đơn đăng ký hiến tạng sau khi chết não, 27 đơn đăng ký hiến sống. Riêng BV Chợ Rẫy nhận được 1.848 đơn đăng ký hiến sau khi chết não.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của GS.TS. Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm: “Điều quan trọng nhất sau mỗi đơn đăng ký hiến tạng sau khi chết não chính là việc làm sao để người thân của người chết não hiểu đúng ý nghĩa nhân văn của việc này. Bởi thực tế, dù nạn nhân chết não có đồng ý hiến tạng sau chết não nhưng người nhà không đồng ý thì bệnh viện cũng không thể thực hiện”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.