Kinh tế

Chính phủ ra sức cải cách, địa phương lại trì kéo

16/11/2017, 06:10

Trong khi Chính phủ ra sức cải thiện môi trường kinh doanh nhiều bộ, ngành, địa phương lại “nỗ lực trì néo”...

14

Doanh nghiệp làm thủ tục thuế tại Cục Thuế quận Đống Đa, Hà Nội - Ảnh: Tạ Tôn

Trong khi Chính phủ ra sức cải thiện môi trường kinh doanh nhiều bộ, ngành, địa phương lại “nỗ lực trì néo” nhiều điều kiện cần bãi bỏ. Đó là kết quả khảo sát tại nhiều doanh nghiệp (DN) được chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy tổ chức hôm qua (15/11) tại Hà Nội.

Chăm lo cho doanh nghiệp: ngoại hơn nội

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, bà vừa dành hơn một tháng để khảo sát tại các DN và nhận được phản ánh: Chính phủ yêu cầu cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN nhưng các bộ và địa phương “nỗ lực” tìm cách trì néo hay giữ những điều kiện kinh doanh mà Chính phủ yêu cầu bãi bỏ. “Họ đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ nhưng vẫn là ở tầm cao. Còn xuống dưới địa phương thì rơi rớt nhiều”, bà Lan nói.

"Kinh tế năm 2017 có những cái được nhưng vẫn chưa thực sự tốt. Lý do là tăng trưởng còn dựa vào chiều rộng, vào vốn chứ chưa phải năng suất là chính. Phải chuyển mạnh yếu tố năng suất lên thì tăng trưởng mới bền vững, phải năng suất hơn, hiệu quả hơn thì đến năm 2018, 2019 và 2020 mới có sức bật. Nếu cứ như hiện nay thì tăng trưởng chỉ loanh quanh 6,5% hay 6,7% chứ không hơn được”.

Chuyên gia kinh tế
Lưu Bích Hồ

Bà Chi Lan cũng nhận xét, hai năm qua, môi trường kinh doanh đã được cải thiện mạnh mẽ. Thành tựu này đã được thừa nhận rộng rãi qua các chỉ số đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) hay tại các diễn đàn kinh tế. “Nhưng từ góc độ của các DN Việt Nam, mặc dù họ thừa nhận môi trường kinh doanh được cải thiện đáng kể nhưng vẫn hết sức sốt ruột vì cải thiện đó chưa đáp ứng mong đợi”, bà Lan nói.

Do đó, bà Chi Lan cho rằng, những phản ánh và đánh giá tốt về môi trường kinh doanh là của các nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn là của các DN nội địa. Chuyên gia kinh tế này dẫn chứng: “Hầu hết giấy phép về kinh doanh, điều kiện kinh doanh mà Chính phủ yêu cầu cắt giảm 30% là nhằm vào DN Việt Nam vì hầu hết DN nước ngoài họ không vướng và bộ máy công chức chỉ nhằm vào DN Việt Nam. Nên ngoài chính sách ưu đãi thì môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn được cho là chăm lo cho DN nước ngoài hơn là DN trong nước”, bà Lan nói.

Năm 2017, là năm giảm chi phí cho DN nhưng nhìn lại bà Phạm Chi Lan đánh giá “không được bao nhiêu”, từ chi phí kinh doanh, chi phí vốn, chi phí đầu vào đến chi phí hạ tầng, chi phí thuế... còn rất cao. Riêng chi phí về thuế còn “đang bị đe dọa tăng tiếp với sửa đổi mấy luật thuế hiện nay”.

Mối quan tâm hàng đầu không phải là chiến đấu với bộ máy!

Vậy DN mong muốn gì? “DN mong Chính phủ không cần ra tiếp một Nghị quyết 19 nào. Môi trường kinh tế phải tương đối ổn, không tạo thêm khó khăn, Chính phủ không phải chạy theo tháo gỡ. Mối quan tâm số một của DN không phải chiến đấu với bộ máy mà là chiến đấu với cạnh tranh, tận dụng thời cơ, cạnh tranh với thế giới, tận dụng cơ hội công nghệ mới mang lại. Nên tôi thấy điều kiện kinh doanh, môi trường kinh doanh vẫn là vấn đề bức bách cần giải quyết thời gian tới”, chuyên gia Phạm Chi Lan nêu ý kiến.

Trong khi đó, bên cạnh việc nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nội, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên còn cho rằng, trong ba năm tới Chính phủ không nên chỉ chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng GDP hàng năm mà cần tập trung vào các vấn đề căn bản dài hạn là cơ cấu và thể chế.

Chung quan điểm này, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nhấn mạnh: “Phải cải cách đồng bộ thể chế kinh tế gắn với hành chính công, tài chính công. Nếu không cải cách thực chất thì không làm được”. Ông Lịch cũng cho rằng, động lực cho phát triển kinh tế hiện nay không cần phải cố tìm ra cái mới mà cần 3 đột phá chiến lược chúng ta đang thực hiện là: Thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) bổ sung rằng, trọng tâm của cải cách không gì ngoài vấn đề thị trường, phải làm cho thị trường trở thành động lực trọng tâm của cải cách. “Giải pháp cụ thể thì phải tiếp tục đặt mục tiêu 2018 Việt Nam tăng 14-18 bậc trong bảng xếp hạng, tập trung khởi sự kinh doanh, giải quyết vấn đề phá sản, xử lý tranh chấp. Có lẽ Thủ tướng và Phó Thủ tướng cần theo dõi và gây áp lực hơn để các bộ bỏ 1/3-1/2 điều kiện và giao cụ thể từng bộ, từng thời hạn nhưng phải hoàn thành trong quý II/2018”, ông Cung đề nghị.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.