Quản lý

Chính phủ: Tịch thu phương tiện là hợp lý nhưng cần thời gian

01/04/2015, 18:14

Đề xuất của Uỷ ban ATGT Quốc gia là có cơ sở pháp lý, tuy nhiên, cần có thời gian tuyên truyền.

tich-thu-xe-cua-ma-men-hinh-anh
Chính phủ cho rằng đề xuất tịch thu xe là có cơ sở pháp lý, tuy nhiên cần phải có thêm thời gian tuyên truyền

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã nhấn mạnh như vậy khi nói về đề xuất tịch thu phương tiện của Ủy ban ATGT Quốc gia.

Liên quan đến lĩnh vực giao thông, thời gian gần đây nhiều người đặc biệt quan tâm đến đề xuất tịch thu phương tiện đối với người điều khiển ôtô, xe máy, xe điện sử dụng rượu bia của Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia.

Về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

“Đề xuất của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia là có cơ sở pháp lý, phù hợp với Điều 14 của Hiến pháp 2013 và được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 171/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, cần có thời gian tuyên truyền, phổ biến, vận động tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và người dân. Vì vậy, tại thời điểm hiện nay, các Bộ đề nghị chưa áp dụng hình thức tịch thu phương tiện đối với hành vi vi phạm nêu trên” – Bộ trưởng Nên cho biết.

Theo Bộ trưởng Nên, tại phiên họp thường kỳ tháng 3, Chính phủ đã thảo luận và thống nhất chưa thực hiện biện pháp tịch thu phương tiện đối với hành vi vi phạm này; giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan tổ chức tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị định 171/2013/NĐ-CP, Nghị định 107/2014/NĐ-CP, trên cơ sở đó, xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định này cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, trình Chính phủ trong năm 2015.

Đồng thời, cho phép tạm thời chưa áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về tải trọng trục xe ô tô chở hàng hóa được quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP và Nghị định 107/2014/NĐ-CP của Chính phủ cho đến khi Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của hai Nghị định có hiệu lực.

Liên quan đến vấn đề chuyển nhượng khai thác hạ tầng giao thông, đặc biệt là lo ngại khi doanh nghiệp tư nhân nắm giữ các công trình hạ tầng như hạ tầng hàng không thì sẽ phát sinh tình trạng độc quyền, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh: “Trong bối cảnh nguồn lực nhà nước còn hạn chế, việc huy động vốn xã hội dưới nhiều hình thức phù hợp để đầu tư kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông là hết sức cần thiết”.

Theo Bộ trưởng Nên, việc huy động nguồn lực xã hội để đầu tư, kinh doanh, chuyển nhượng quyền khai thác kết cấu hạ tầng mà ngành GTVT đã và đang thực hiện đối với một số dự án, công trình là giải pháp cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng công trình, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng dịch vụ; đồng thời đẩy nhanh tốc độ quay vòng vốn Nhà nước để tiếp tục đầu tư các dự án hạ tầng quan trọng, cấp bách khác.

“Trong quá trình triển khai, Bộ GTVT đã chú trọng bảo đảm vai trò quản lý của Nhà nước, kiểm soát độc quyền, công khai, minh bạch; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng; không làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước” – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đánh giá.

Riêng đối với hạ tầng hàng không, Bộ trưởng Nên cho rằng, sau khi nhượng quyền khai thác, các cơ quan chức năng vẫn thực hiện đầy đủ quyền quản lý nhà nước đối với việc sử dụng, khai thác hạ tầng hàng không; nắm giữ tất cả các hoạt động liên quan đến bảo đảm an ninh quốc phòng, quản lý bay, vùng trời; thực hiện cấp phép hoạt động của các hãng hàng không...

“Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, trong đó có Bộ GTVT tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện và đáp ứng các yêu cầu đề ra” – Bộ trưởng Nên cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.