Thời sự

Choáng với ảnh hot, sốc trên báo

01/04/2014, 21:27

Thời gian gần đây, các trang báo mạng dồn dập những sự vụ nóng, ảnh hot, sốc khiến nhiều người đọc thắc mắc "mọi chuyện xé rào cuối cùng cũng chỉ là để câu view"?

Ưu tiên hở hang, sa đà gợi dục?

Nỗ lực để tin bài có nhiều người đọc là nhiệm vụ chính đáng của bất kỳ phóng viên hay tòa soạn nào. "Nhưng điều đáng bàn ở đây là việc đưa những tin bài ảnh nóng phải mang tính chất xây dựng, giáo dục chứ đừng quá dễ dãi mà phản tác dụng", cô Trần Hương Lan - GV Trường Dịch Vọng, Cầu Giấy chia sẻ.  

Bức ảnh đã được làm mờ minh họa trong bài viết Khỏa thân bên ngựa... và những ảnh khác còn tệ hơn
Bức ảnh đã được làm mờ đăng trong bài viết Chân dài khỏa thân bên ngựa... (Một vài tấm ảnh khác còn chưa được làm mờ đúng chỗ nhưng chúng tôi không tiện dẫn lại).

Không khó để thấy hàng ngày, hàng giờ, trên các trang báo điện tử đều dành một vị trí khá bắt mắt để đăng tải các bài về người người đẹp lộ hàng, các sự vụ ồn ào của giới showbiz hay chuyện về các yêu râu xanh. Đáng tiếc là các tin bài giải trí, các câu chuyện pháp luật dường như đã đi quá giới hạn khi đăng tải vô số các bức ảnh hở hang, thiếu thẩm mỹ, thậm chí là gợi dục. Bày tỏ với phóng viên, cô giáo Trần Hương Lan nói cô và nhiều đồng nghiệp đã ngỡ ngàng khi thấy những bức ảnh "nóng" được đăng rất to, rất nổi trên báo chứ không phải là các trang mạng xã hội. Điều đó làm chúng tôi khó giải thích cho các em đâu là xấu, đâu là tốt, cô Lan tâm sự.

Đơn cử, trên một bài báo đăng trên tờ báo điện tử của một ngành, người viết đã kỳ công phân tích đả phá chuyện lộ hàng để nổi tiếng của người mẫu Cao Thùy Linh. Bài báo có đoạn viết: "Cái thân thể trần truồng của cô gái bên chú ngựa chẳng có vẻ gì là để “kỷ niệm”, là “yêu ngựa”, đó là một thân thể trơn tuột với những bộ phận lồ lộ, phản cảm". 

Ấy thế nhưng, các bức hình lần đầu được công bố được dùng để minh họa cho bài báo dù được biên tập xóa mờ một đôi chỗ nhưng vẫn lồ lộ, phản cảm đến mức làm nhiều người đọc đỏ mặt. Bài báo "Chân dài khỏa thân bên ngựa bạch: May mà ngựa pê đê" vì lý do đó, đang được Diễn đàn nhà báo trẻ đề cử nhận giải kền kền tháng 3.

Phạt oan con

Với tư cách bạn đọc, chị Hoàng Anh - nhân viên Công ty CP Thương mại Đức Long  tâm sự: "Thấy con hay vào mạng, nhiều khi tôi cũng giật mình khi bắt gặp những hình ảnh quá nhạy cảm trên màn hình. Nhưng các cháu nói đang đọc báo chứ có phải vào trang linh tinh gì đâu mà mẹ lo. Thật cũng chả biết làm sao, đến báo chí còn đưa tin ảnh như thế, trách sao xã hội bây giờ ra đường thấy lắm chuyện chướng mắt".

Ảnh bài báo đã khiến chị Hoàng Anh phạt oan con vì nghĩ con vào xem trang web đen. Ảnh đã được người viết xử lý lại so với bản gốc đăng báo
Ảnh bài báo đã khiến chị Hoàng Anh phạt oan con vì nghĩ con vào xem trang web đen. Ảnh đã được người viết xử lý lại so với bản gốc đăng báo

Chị Hoàng Anh kể bài báo khiến chị sốc có cái tít "Bị chủ nhà đuổi, kéo người yêu ra giữa đường hiếp dâm". Tấm ảnh một đôi tình nhân nửa nằm nửa ngồi lõa lồ choán gần hết màn hình khiến tôi nổi giận tịch thu điện thoại và máy tính của con 1 tuần. Nhưng cháu ấm ức giải thích là đang đọc trang Soha chứ không phải vào trang web tầm bậy.

Thực tế, việc đi tìm hình ảnh minh họa cho những tin "cướp, giết, hiếp..." tràn ngập trên các báo mạng chắc cũng khiến một số tòa soạn đau đầu. Nhưng cũng không phủ nhận xu hướng có tờ báo chủ ý dùng ảnh "thêm dầu.. vào lửa" để câu view.  

Sản phẩm bẩn

Về vấn đề này, trao đổi với PV Báo Giao thông, Tiến sỹ Hà Huy Phượng, Phó Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: Nếu các tờ báo không biết rõ sản phẩm của mình làm ra cho ai tiếp nhận, nhằm mục đích gì và thể hiện nó như thế nào thì rất dễ  tạo ra những thứ có hại cho xã hội. Ở khía cạnh đạo đức nghề nghiệp, việc tạo ra những sản phẩm báo chí truyền thông “bẩn” còn được coi đó là một tội ác.

Tuy nhiên, nói tới sự sa đà của báo chí vào ảnh sốc, hot, trên Diễn đàn nhà báo trẻ, một người chơi facebook có nick là Hoàng Linh cho rằng hiện nay có quá nhiều trang tin không phải là báo điện tử đã sản xuất ra những tác phẩm ác, sến, giả dối... cũng góp phần gây tiếng xấu cho những người làm báo chân chính. Đây là ý kiến rất đáng suy ngẫm bởi độc giả hiện nay rất khó phân biệt đâu là báo, đâu là trang tin...

Thiết nghĩ, đã đến lúc cần lắm sự siết chặt kỷ cương trong công tác xuất bản, để ngăn chặn những thông tin, hình ảnh bẩn đầu độc độc giả, nhất là thế hệ trẻ. Và trước khi cần tới bàn tay điều tiết của cơ quan quản lý, cần lắm văn hóa tự kiểm duyệt của những người làm báo chân chính. Nếu chính các tòa soạn cũng tự dễ dãi với chính mình thì họ đã tự nguyện đặt vị thế của mình ngang với những trang tin tổng hợp thiếu uy tín.

Phương Vy

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.