Điều tra

Chủ đầu tư phải bồi thường cho dân

28/05/2014, 06:58

Đó là khẳng định của ông Bùi Đức Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La khi trao đổi với PV Báo Giao thông về sự cố vỡ kênh dẫn nước tại Nhà máy Thủy điện Tà Niết ...

40m kênh dẫn nước bị vỡ, chủ đầu tư khắc phục vẫn chưa xong
40m kênh dẫn nước bị vỡ, chủ đầu tư khắc phục vẫn chưa xong


Trước đó, như Báo Giao thông đã phản ánh, Nhà máy thủy điện (NMTĐ) Tà Niết mới đưa vào vận hành thử thì bị vỡ, nứt 40m kênh dẫn nước. Ngoài việc gây thiệt hại cho chủ đầu tư khoảng 300 triệu đồng, sự cố còn khiến hàng ngàn m2 đất canh tác và hoa màu của người dân bị cuốn trôi, không thể phục hồi sản xuất. 

Xem xét trách nhiệm chủ đầu tư


Trao đổi với PV Báo Giao thông chiều 26/5, ông Bùi Đức Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La tỏ ra khá ngạc nhiên trước thông tin NMTĐ Tà Niết vừa xảy ra vỡ kênh dẫn nước. Ông Hải quả quyết, UBND tỉnh Sơn La chưa nhận được bất cứ báo cáo nào của chủ đầu tư về sự cố trên. “Không biết họ (tức chủ đầu tư dự án NMTĐ Tà Niết - PV) đã báo cáo cho chủ quản là Sở Công thương tỉnh chưa. Còn lên tới UBND tỉnh thì chưa thấy gì” - ông Hải nói.
 

Dự án từng bị

đề nghị thu hồi giấy phép

 

Theo ông Bùi Đức Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, Dự án NMTĐ Tà Niết từng bị chính quyền tỉnh Sơn La xem xét thu hồi giấy phép do để thời gian thi công kéo dài quá lâu. Nhưng khi kiểm tra thực tế, dự án đã lắp máy xong và việc thu hồi giấy phép sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp nên UBND tỉnh Sơn La đã ra thời hạn, yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thành. Nếu không hoàn thành đúng hạn sẽ rút giấy phép ngay.

Ông Hải cho biết, Dự án NMTĐ Tà Niết sử dụng vốn đầu tư của tư nhân. Do đó, khi nhà máy xảy ra sự cố, đặc biệt là sự cố đó gây thiệt hại cho cuộc sống và sản xuất của người dân thì ngoài phần kinh phí sửa chữa, chủ đầu tư còn phải bồi thường thiệt hại cho người dân. “Đó là trách nhiệm không thể tránh khỏi. Cũng may là sự cố vừa rồi không gây thiệt hại về người. Nếu không thì chẳng biết hậu quả sẽ còn nghiêm trọng đến đâu”, ông Hải cho hay. Cũng theo ông Hải, bên cạnh công tác khắc phục thiệt hại, việc điều tra nguyên nhân sự cố kể trên cũng cần phải khẩn trương làm rõ.

Về lý lẽ của ông Nguyễn Vĩnh Phúc - Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Tà Niết (chủ đầu tư dự án) cho rằng, việc kênh nước bị vỡ là do công trình này được xây dựng từ lâu nên xuống cấp, ông Hải “bóc mẽ” rằng đó là lập luận không có cơ sở. “Nếu nói công trình để lâu không sử dụng thì trước khi vận hành phải kiểm tra, thẩm định lại chất lượng. Nếu kiểm tra trước thì đã không xảy ra sự cố. Chúng tôi sẽ giao cho các cơ quan quản lý ngành xuống xem xét, đề xuất hướng xử lý. Đây không chỉ là vấn đề liên quan đến chất lượng công trình, mà còn ảnh hưởng đến đời sống người dân nên các cơ quan giám định phải vào cuộc” - ông Hải nói.

Chưa chốt được phương án bồi thường


Liên quan đến diện tích đất canh tác bị sạt lở do sự cố của NMTĐ Tà Niết gây ra, PV Báo Giao thông đã tìm gặp chủ khu đất là bà Đinh Thị Tẩm (SN 1942, trú tại bản Tà Niết, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La). Bà Tẩm cho biết: “Khu đất đó rộng khoảng 5.000m2, bà đang cho người khác thuê, mỗi vụ cũng có thể gieo được 20kg ngô giống. Vụ ngô năm ngoái thu được 15 tấn, bán với giá 6.500 đồng/kg. Đó là cả một tài sản lớn đối với người dân miền núi chúng tôi” - bà Tẩm kể. Bà ngao ngán: “Lúc nghe tin NMTĐ vỡ đường dẫn nước, cả nhà tôi lập tức chạy ra xem. Gần như toàn bộ phần đất màu trên mặt đều bị cuốn đi hết, chỉ còn trơ lại sỏi đá, giờ không biết gieo trồng kiểu gì”.


Cũng theo bà Tẩm, sau sự cố, đại diện NMTĐ Tà Niết đã đến gia đình thương lượng, đưa ra hai phương án đền bù là trả tiền hoặc sẽ múc đất màu đổ lên trên để có thể canh tác tiếp. “Phương án đổ đất vào tôi không đồng ý vì chỗ đất đó dốc, nếu đem đất mượn đổ vào thì kiểu gì sau vài trận mưa cũng trôi hết. Còn việc đền tiền chưa thấy họ đưa ra mức giá nào cả” - bà Tẩm nói. 


Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi về vấn đề đền bù thiệt hại đất cho gia đình bà Tẩm, ông Nguyễn Vĩnh Phúc - Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Tà Niết tỏ ra khá bức xúc vì cho rằng, gia đình bà Tẩm đang lợi dụng sự cố của nhà máy để yêu cầu mức đền bù thiếu thực tế. Ông Phúc khẳng định, nếu trong trường hợp thỏa thuận việc đền bù không xong, ông này mua lại cho…xong chuyện. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi trường họp nhà máy mua mảnh đất này sẽ sử dụng vào mục đích gì thì ông Phúc không trả lời được.

Nguyễn Quý

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.