Vận tải

Chủ hàng khóc dở vì hãng tàu lạm thu

15/08/2014, 07:05

Hàng chục loại phí "trên trời" được các hãng tàu ngoại lạm thu đang khiến chủ hàng "đứng ngồi không yên". Riêng năm 2014, mức phí đã tăng tới 20-30%.

Đại diện chủ hàng cho biết, một số loại phụ phí tiếp tục được chuyển đổi cách gọi thành phí nội địa (local charge) để được tính ở cả hai đầu đi, đến
Đại diện chủ hàng cho biết, một số loại phụ phí tiếp tục được chuyển đổi cách gọi thành phí nội địa (local charge) để được tính ở cả hai đầu đi, đến


Hàng trăm triệu USD “chảy ngược” mỗi năm


Quá bất bình về việc áp phí vô tội vạ của các hãng tàu nước ngoài, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) Trương Đình Hòe cho biết: Có hàng chục loại phụ phí đang đổ vào đầu chủ hàng. Chỉ tính riêng các phụ phí được công bố đã có gần 10 loại như: Phí dịch vụ container THC, phí mất cân đối container (CIC), phí vệ sinh container, phí sửa chữa vỏ. Ngoài ra, chủ hàng còn phải đóng thêm các loại phí khác như: Phí thủ tục, phí hóa đơn, phí lưu kho bãi, phí cầu đường, phí giao hàng lẻ theo container… “Một số loại phí là do các cảng thu nhưng thực tế các chủ tàu trực tiếp thu từ doanh nghiệp (DN) rồi nộp cho cảng (như phí THC) nhưng với mức thu cao hơn nhiều so với mức nộp để hưởng chênh lệch”, ông Hòe cho biết.
 

"Phí mất cân đối container cũng quá bất hợp lý. Đáng ra phí CIC phải tính vào cước vận chuyển ở đầu nước xuất khẩu thì mới hợp lý và thu vào những thời điểm có sự mất cân đối lượng container giữa hai đầu nhưng hiện nay các tàu vẫn thu đều quanh năm từ các doanh nghiệp Việt Nam”.

 

Ông Trương Đình Hòe 
Tổng thư ký Hiệp hội
Chế biến xuất khẩu thủy sản VN

Cụ thể, theo ông Hoè, thông thường mức thu phí THC của cảng với container 20’ là 20 USD, container 40’ là 35 USD. Tuy nhiên, mức thu thực tế của các hãng tàu thường lên tới 60 - 70 USD/container 20’ và 100 - 120 USD/container 40’. 

Báo cáo của Hiệp hội Da - Giầy Việt Nam cho thấy, tiền phụ phí chiếm 1% kim ngạch xuất nhập khẩu của Hiệp hội. Điều này cũng có nghĩa là mỗi năm, chi phí trả cho các loại phụ phí này chiếm khoảng 110 triệu USD. “Trước đây, giá cả trong vận tải container chỉ có khoản cước phí vì vậy thị trường đơn giản và minh bạch. Hiện nay, cước vận tải lẩn vào phụ phí. Đáng nói hơn, phụ phí lại rất bất hợp lý, thường cao hơn cước, cao hơn so với chi thực tế và “tệ” hơn là áp dụng không minh bạch, lạm dụng, đơn phương ấn định”, ông Khuất Văn Liêm, đại diện Hiệp hội chủ hàng Việt Nam nói.


Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, các loại phụ phí này được chủ tàu ngoại thu tăng theo thời gian. Riêng năm 2014, mức phí mà các hãng thu đã tăng khoảng từ 20-30% so với năm 2013, làm tăng chí phí và giá thành sản phẩm, giảm sự cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. 
 

Bốc xếp hàng tại cảng Sài Gòn
Bốc xếp hàng tại cảng Sài Gòn

Cơ chế kiểm tra, giám sát đang bị “bỏ ngỏ”


Trả lời Báo Giao thông về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN Bùi Thiên Thu cho biết: “Theo thông lệ quốc tế, một số loại phí chỉ được thu khi phát sinh hiện tượng như phí tắc nghẽn cảng, phí mất cân bằng vỏ container. Tuy nhiên, chủ tàu vẫn lợi dụng cơ hội áp dụng thu đều đặn các loại phí. Các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các cơ quan quản lý đều cho rằng việc thu phụ phí như vậy là không có căn cứ pháp lý, không tuân theo thông lệ quốc tế và bị áp đặt một phía từ chủ tàu”.


Cũng theo ông Thu, hiện đội tàu biển của Việt Nam chưa đủ năng lực vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu. Chủ hàng Việt Nam thường sử dụng hình thức mua CIF, bán FOB (mua tại cảng đến, bán tại cảng đi) nên quyền thuê phương tiện chủ yếu thuộc đối tác nước ngoài, do đội tàu nước ngoài đảm nhận. 


“Thực chất các loại phí này nằm trong giá cước vận tải đã được ký kết trong hợp đồng nhưng do các hãng tàu hạ giá cước vận tải để giành hợp đồng từ bên ngoài Việt Nam và tăng thu phụ phí của chủ hàng Việt Nam để bù lại giá cước. Do không có quyền lựa chọn hãng tàu nên chủ hàng phải chấp nhận trả các loại phí này để lấy được hàng vì không có sự lựa chọn nào khác”, ông Thu nói.


Ông Thu cũng cho rằng, việc chủ tàu ồ ạt thu các loại phụ phí đã xuất hiện khá lâu, nhưng vẫn chưa có cơ chế kiểm tra giám sát, quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước. Hiệp hội chủ hàng VN, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN vẫn chưa phát huy được vai trò trong việc đàm phán, hiệp thương giá với chủ tàu nước ngoài dẫn đến việc đơn phương áp đặt từ chủ tàu, gây thiệt hại cho chủ hàng Việt Nam.                

Ngân Anh

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.