Hồ sơ tài liệu

Chủ nhân giải Nobel tiêu tiền thưởng thế nào?

01/02/2017, 08:05
image

Không ít những chủ nhân của giải Nobel đã dùng số tiền thưởng được trao để... thỏa mãn niềm vui.

Ernest Hemingwayd

Ernest Hemingway thốt lên: “Quỷ thần ơi, 35 nghìn USD đấy!”. Ảnh: Getty Images.

Những người đoạt giải Nobel danh giá đã sử dụng số tiền thưởng của mình như thế nào trong suốt lịch sử hàng trăm năm qua là một câu hỏi gây tò mò cho khá nhiều người.

Thỏa mãn niềm vui

Một buổi sáng ngày 28/10/1954, Mary Welsh Hemingway - người vợ thứ tư của đại văn hào Ernest Hemingway còn chưa tỉnh giấc, thì nghe tiếng chồng mình thì thào bên tai: “Anh đoạt giải rồi”. Mary hỏi lại trong cơn ngái ngủ: “Giải gì?”. Hemingway nói: “Cái giải Thụy Điển ấy”.

Thực ra, Hemingway chẳng mấy hứng thú với giải Nobel Văn học. “Anh đã định bảo bọn họ biến đi rồi mà”, Hemingway nói với vợ. Song, ngừng một lúc, đại văn hào nói: “Quỷ thần ơi, 35 nghìn USD đấy. Tha hồ mà ăn chơi” (Ở thời điểm đó, 35 nghìn USD là một số tiền rất lớn, tương đương hơn 300 nghìn USD hiện giờ).

Ngày nay, theo biến động của giá trị đồng tiền, người đoạt giải Nobel nhận một số tiền tương đương 8 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 900 nghìn USD).

Không ít những chủ nhân của giải Nobel đã dùng số tiền thưởng được trao để... thỏa mãn niềm vui. Như Paul Nurse, hiện là Giám đốc của Viện Crick Francis, người từng giành giải Nobel Y học năm 2001, đã tự “chiêu đãi” mình một chiếc xe máy Kawasaki GPZ. Còn Franco Modigliani, người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1985 sử dụng tiền thưởng để “thăng hạng” chiếc du thuyền của mình, điều quan trọng là trước đó vị này tuyên bố sẽ không tiêu xài phung phí tiền thưởng. Arbert Camus, người đoạt giải Nobel Văn học năm 1957 đã mua một ngôi nhà ở miền Nam nước Pháp để làm việc. Richard Roberts, người nhận giải thưởng Nobel danh giá vào năm 1993, cũng chi tiền thưởng cho việc mở một sân cỏ chơi khúc côn cầu rộng 740m2 ngay trong khuôn viên nhà mình.

Những kiểu xài tiền thưởng Nobel… “chẳng giống ai”

Huy chuong giai Nobel danh gia

Huy chương dành cho người đoạt giải Nobel danh giá. Ảnh: AP.

Nhà kinh tế học người Mỹ gốc Scotland, Angus Deaton đoạt giải Nobel Kinh tế hồi năm ngoái đã lên kế hoạch chi tiêu toàn bộ số tiền thưởng giành được cho… phần đời còn lại: “Tôi sẽ cố gắng để chi tiêu và tiết kiệm nó (tiền thưởng) cho những năm sống còn lại”. Thậm chí, nhà khoa học này còn phải đóng thuế tiền thưởng: “Không giống như nhiều quốc gia, nước Mỹ đánh thuế đoạt giải Nobel giống như các nguồn thu nhập thông thường khác”.

John Walker, người từng đoạt giải Nobel Hóa học năm 1997 nói: “Nghe thì có vẻ khổng lồ như vậy, nhưng thực ra (số tiền) không thực sự khổng lồ như vậy. Tại thời điểm đó, các con tôi sắp vào đại học. Số tiền chỉ có thể giúp tôi trang trải cho chúng ở cấp đại học và sau đại học”.

Với Marie Curie, người đoạt giải Nobel Vật lý năm 1903, tiền thưởng giúp cho bà có điều kiện theo đuổi việc nghiên cứu. Những người khác, như Tổng thống Mỹ Barack Obama đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2009 dùng tiền thưởng để làm từ thiện, ủng hộ các cựu chiến binh Mỹ, giáo dục và các chương trình cứu trợ khác.

Mẹ Teresa (Nobel Hòa bình, 1979), Nadine Gordimer (Nobel Văn học, 1991), Wole Soyinka (Nobel Văn học, 1986) cùng nhiều người khác nữa cũng ủng hộ tiền thưởng của mình cho những mục đích thiện nguyện.

Günter Blobel (Nobel Y học, 1999), sau khi chứng kiến các vụ đánh bom ở Dresden, Đức, đã dành toàn bộ giải thưởng của mình xây dựng một giáo đường Do Thái và sửa chữa nhà thờ ở khu vực này.

Samuel Beckett, người đoạt giải Nobel Văn học năm 1969  chẳng màng tới tiền thưởng, ông đem chia đều cho những người bạn thân thiết gặp khó khăn. Còn Albert Einstein, nhà bác học thiên tài nổi tiếng đãng trí có một hành động… “gây sốc” hơn: Năm 1919, ông ly dị vợ là Mileva Marić  và tuyên bố sẽ đưa toàn bộ tiền thưởng giải Nobel cho bà này. Phải đến 2 năm sau đó (1921), Einstein mới thực sự giành giải Nobel Vật lý và thực hiện cam kết này.

Theo lời kể của Giám đốc Điều hành Quỹ Nobel, Lars Heikenstein, có một sự thật là huy chương vàng 18 carats và bằng chứng nhận đoạt giải được đích thân Nhà vua Thụy Điển tặng cho người đoạt giải sẽ lập tức bị… thu hồi ngay trong tối hôm trao giải. “Bởi chúng tôi có một bữa tiệc lớn vào đêm hôm đó, rồi mọi người còn nhảy múa nữa”, Lars Heikenstein giải thích. Rồi sáng sớm hôm sau, họ quay lại Quỹ Nobel để nhận tiền mặt và huy chương với khuôn mặt mệt mỏi.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.