Quản lý

Chuyện cảng vụ giữ an toàn đường thủy nơi... miền ngược

27/11/2017, 09:03

Dù gặp nhiều khó khăn do đặc thù địa hình miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhưng hầu hết các Tổ, Đại diện...

13

Cảng, bến thủy trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình

Khó khăn đủ bề

Thời gian này không phải mùa du lịch nên đội tàu tại cảng Ba Cấp, Thung Nai trên hồ thủy điện Hòa Bình đều vắng khách. Dù vậy, các chủ tàu vẫn đưa phương tiện vào cảng, bến xếp “nốt”, hy vọng đón được đoàn khách lẻ, kết hợp vệ sinh phương tiện. Thoáng thấy mấy anh em cảng vụ của Đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Hòa Bình (thuộc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II) từ xa, chị Nguyễn Thị Hòa, chủ tàu HB-0276 đang neo tại cảng Ba Cấp đã hồ hởi hỏi thăm, trò chuyện như đối với những người làm nghề sông nước ở đây.

“Mấy anh em cảng vụ làm ở đây lâu rồi, các tàu đều thân quen cả. Có công việc gì liên quan đến tàu thuyền cũng được cảng vụ hướng dẫn cặn kẽ, nhắc đến nơi đến chốn, nên mọi người đều coi như người dân ở đây”, chị Hòa kể.

"Nếu chỉ xử lý vi phạm thì bà con sẽ tránh né, nên chúng tôi tận dụng mọi lúc, mọi cách để vận động chủ cảng, bến, phương tiện. Có lúc tranh thủ ăn cùng bữa cơm để nói chuyện, khi thì photo vài quy định để phát hoặc lên mạng tải video về ATGT đường thủy để đưa chủ tàu phát trên màn hình tivi”.

Ông Nguyễn Hồng Sơn
Trưởng đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Hòa Bình

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Hòa Bình cho biết, đội tàu du lịch ở Hòa Bình đang được thí điểm áp dụng cơ chế cấp phép một lần cho phương tiện khi rời, vào bến, nên nhiều chủ tàu rất phấn khởi, đồng thuận. “Hầu hết, các chủ tàu nơi đây khó khăn, phải vay mượn tiền nâng cấp phương tiện, kinh doanh. Tàu nhiều, nhưng chủ yếu có khách vào 3 tháng đầu năm Âm lịch, nên những tháng không có khách nhiều tàu phải đi kiếm nghề phụ, đánh bắt thủy sản để có thu nhập”, ông Sơn nói.

Đề cập đến công việc của cảng vụ đường thủy nơi miền núi, ông Sơn cho biết, Đại diện chỉ có 5 người, nhưng phạm vi cảng bến được giao quản lý theo 25km hạ lưu sông Đà và 203km thượng lưu hồ Hòa Bình. “Chỉ cảng Ba Cấp gần trụ sở, còn lại các cảng, bến khác ở xa. Địa hình rộng, đi lại khó khăn, cảng, bến thủy lại nằm phân tán, nhỏ lẻ; phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm còn nhiều... nên anh em cảng vụ chịu nhiều áp lực trong công việc”, ông Sơn nói và kể thêm, có lần bị thuyền viên cầm xẻng đuổi đánh vì kiên quyết không cho một tàu chở khách không đủ điều kiện an toàn rời bến.

Ông Nguyễn Thế Anh, Tổ trưởng Cảng vụ bến Thung Nai (huyện Cao Phong) cho biết, vào mùa du lịch hai anh em trong tổ phải ngủ ké ở bến và có mặt từ 3-4h sáng kiểm soát tàu rời bến. “Mấy chục kilomet từ Đại diện vào bến Thung Nai là đường đồi núi rất khó đi, nên khi đi lại bằng xe máy giữa các cảng, bến rất vất vả. Bữa trưa, nếu không kịp nhờ người dân nấu cơm thì đành phải ăn mì tôm, lương khô”, ông Thế Anh cho biết.

Nỗ lực đưa cảng, bến vào nền nếp

Đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Bắc Giang (thuộc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II) cũng vỏn vẹn 5 người và cảng, bến được giao quản lý lại nằm dọc hơn 100km tuyến sông Thương, sông Lục Nam nên đơn vị cũng cắt cử 1 tổ đóng tại vùng bán sơn địa Lục Nam (Bắc Giang). “Cảng, bến nằm dọc tuyến nên chuyện thường ngày của anh em cảng vụ là “cưỡi” xe máy đi lại hàng trăm kilomet để làm nhiệm vụ. Giờ nhiều phương tiện đã nhắn tin điện thoại để xin phép vào bến, anh em chủ động hơn, nhưng phải thường xuyên đi kiểm tra thực tế tình hình”, ông Nguyễn Thế Thanh, Trưởng đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Bắc Giang cho biết.

Theo ông Lê Đức Cường, Phó giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II, Cảng vụ trực thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam, được Bộ GTVT thành lập từ tháng 3/1997. Sau 20 năm, đơn vị đã triển khai 16 Đại diện và 42 Tổ cảng vụ trực thuộc các Đại diện để thực hiện công tác quản lý cảng, bến thủy trên các tuyến đường thủy quốc gia tại 16 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Nguyên, Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Quảng Bình).

“Địa bàn thuộc phạm vi Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II quản lý rộng, cảng bến nhỏ lẻ, phân tán, các phương tiện thủy chủ yếu là phương tiện nhỏ. Trong đó, một số khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa có địa hình rộng, đi lại khó khăn, nhận thức của người làm nghề sông nước về thực hiện pháp luật giao thông đường thủy còn hạn chế... gây khó khăn cho lực lượng cảng vụ trực tiếp làm nhiệm vụ. Mặc dù vậy, hầu hết các Tổ cảng vụ đều nỗ lực bám sát thực tế, tuyên truyền vận động, đưa hoạt động cảng bến thủy vào nền nếp, bảo đảm trật tự ATGT đường thủy tại cảng, bến”, ông Cường cho biết.

Cũng theo ông Cường, từ năm 2016 đến nay, các Đại diện cảng vụ đều thực hiện tốt công tác phối hợp với lực lượng liên ngành đường thủy Trung ương, các địa phương, góp phần tạo chuyển biến về ATGT đường thủy tại 16 địa phương nói trên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.