Xã hội

Chuyện chưa kể về Đại tướng Phạm Văn Trà

02/05/2016, 16:08

56 năm trong quân ngũ, ông đã kinh qua tất cả các cấp bậc, chức vụ quân đội, từ một chiến sĩ liên lạc...

2

Đại tướng Phạm Văn Trà trồng cây lưu niệm tại sân một nhà văn hoá ở tỉnh Nam Định

56 năm trong quân ngũ, ông đã kinh qua tất cả các cấp bậc, chức vụ của quân đội, từ một chiến sĩ liên lạc, rồi trở thành Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Khi về hưu, ông vẫn luôn được người dân trìu mến nhắc đến với cái tên thân thương “anh Ba Trà”.

Ông là Anh hùng LLVTND, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Đại tướng Phạm Văn Trà. Dù đã hơn 80 tuổi, nhưng Đại tướng Phạm Văn Trà vẫn rất khỏe mạnh, tinh anh với nụ cười hiền từ luôn thường trực.

Xung phong đi bộ đội dù thấp bé, nhẹ cân

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 5 anh chị em, ông là người con thứ ba. Trên ông có một chị gái đã đi du kích, một anh trai là thanh niên xung phong, cả nhà đều tham gia Cách mạng nên ý định đứng lên cùng đồng bào giữ nước đã nhen nhóm trong ông ngay khi còn nhỏ.

"Nhiều người vẫn hỏi, không biết tại sao tôi về hưu rồi mà vẫn nhiều người đến với tôi thế? Điều đó đơn giản thôi, bởi tôi chưa bao giờ quan cách, chưa bao giờ nghĩ mình là quan. Lúc nào tôi cũng nghĩ mình là dân chứ không phải là quan. Tôi khác với nhiều người, khi làm Bộ trưởng tôi cũng thích tự lực từ những việc nhỏ, ví dụ, giặt quần áo tôi cũng không bao giờ để công vụ giặt, tôi tự giặt lấy. Các cụ nói rồi: “Quan nhất thời, dân vạn đại”, cứ nghĩ mình là dân thì sẽ thoải mái, chẳng phải suy nghĩ gì. Nhiều người quan cách, khi làm quan không gần gũi dân nên khi về hưu mới thấy hụt hẫng vì không ai đến với mình. Nhưng với tôi, từ khi về hưu, bạn bè, anh em vẫn đến với tôi rất đông”.

Đại tướng Phạm Văn Trà

Năm 1945, chứng kiến cảnh hàng vạn đồng bào miền Bắc chết đói la liệt, do thực dân Pháp áp bức quá tàn tệ, cậu bé lớp 4 đã quyết tâm lớn lên sẽ đi bộ đội, sẽ chiến đấu giành lại độc lập cho đất nước.

Năm 1949, chú ông bị địch giết. Đến năm 1952, cha của ông cũng chết trong một trận càn quét của địch. Khi ấy, ông 16 tuổi, đang cùng du kích chống càn. Nghe tin dữ, ông chạy về đau đớn ôm thi thể người cha còn ấm nóng trên tay, nuốt nước mắt hứa với cha sẽ vào bộ đội, trả thù nhà, nợ nước.

Đúng một năm sau, ông xin nhập ngũ. Ông khai thêm tuổi, nhét thêm đá vào túi quần cho nặng cân để đủ tiêu chuẩn nhập ngũ, nhưng xã không đồng ý vì vừa thiếu tuổi, lại vừa thấp bé nhẹ cân. Ở xã không được, ông lên tỉnh xin nhưng tỉnh cũng không cho. Không chịu lùi bước, ông tiếp tục lên quân khu xin nhập ngũ. May mắn là khi ấy chiến trường đang rất cần người nên quân khu đã nhận ông. Vậy là ông bắt đầu nhập ngũ từ 19/8/1953, khi tất cả tiêu chuẩn về chiều cao, cân nặng đều… thiếu.

Sau khi đi học tân binh một tháng, ông được bổ sung vào đơn vị chiến đấu ngay. “Thấy tôi nhanh nhẹn, chỉ huy cho vào tổ bộc phá với nhiệm vụ đánh bộc phá các hàng rào, chiếm lô cốt để bộ binh vào đánh phá đồn địch. Chiến sĩ bộc phá phải nhanh nhẹn, gan dạ và có quyết tâm vì trận đánh nào tổ bộc phá cũng có người hy sinh. Ban đầu nhìn đồng đội hy sinh tôi cũng sợ, nhưng rồi tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Sau 7 trận bộc phá, tôi bị thương 2 lần”, ông kể.

Năn nỉ 3 ngày để được vào Nam chiến đấu

Đến năm 1958, ông được phong Chuẩn uý và được cử đi học lục quân, nhưng một lần nữa, ông không được nhận vì “thấp bé nhẹ cân” quá. Đến năm 1960, ông được phong hàm Thiếu úy. Một năm sau đó, ông về Tiểu đội 3 Trung đoàn 64. Đến năm 1963, ông được đi học bổ túc Trường Sĩ quan của Quân khu 3 trong 6 tháng. Nhưng mới học được khoảng 4 tháng ông bất ngờ nhận lệnh về Quân khu nhận nhiệm vụ mới: Đi học ở nước ngoài. Rồi mãi sau đó, ông mới được cấp trên “bật mí” một nhiệm vụ hoàn toàn khác: ở trên quyết định chọn một số đồng chí có kinh nghiệm để đưa vào Nam chiến đấu, làm hạt nhân đánh Mỹ ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông kể khi ấy, yêu cầu đặt ra là mỗi người phải cõng được 32kg - tương đương với 32 viên gạch thì mới đủ điều kiện hành quân vào Nam chiến đấu. Ông lúc đó có hơn 40kg nên yêu cầu này không phải dễ. Ban đầu, ông luyện tập cõng được 12 viên, rồi 16 viên, 18 viên… Sau 6 tháng rèn luyện gian khổ, ông cõng được 32 viên gạch - đủ tiêu chuẩn để đi.

Nhưng khi chuẩn bị hành quân, chỉ huy thấy ông nhỏ quá nên bắt ở lại. Người chỉ huy nói rằng: “Đi bộ vào miền Nam phải mất 7 tháng trời ròng rã, mà em nhỏ quá sợ không đi được”. Ông xin nhưng chỉ huy không cho. Và rồi ông phải năn nỉ 3 ngày trời mới thuyết phục được cấp trên.

Vậy là từ 14/8/1954, ông chính thức có mặt trong đội hình hơn 160 người lính tinh nhuệ, hành quân bộ “xẻ dọc Trường Sơn” vào miền Tây Nam bộ. Từ đây, ông đã có 12 năm là bộ đội của Trung đoàn 1 U Minh, bám trụ chiến đấu khắp miền Tây Nam bộ. Tiếp đó, ông lại có gần 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế trên đất nước Chùa Tháp.

Lấy vợ xong, 12 năm không gặp mặt

Khi hòa bình chưa lập lại, ông xây dựng gia đình với một người phụ nữ miền Bắc. Nhưng vừa cưới vợ chưa được bao lâu, ông nhận lệnh vào miền Nam chiến đấu, ròng rã trong suốt 12 năm ông không gặp lại vợ.

Thậm chí khi ấy, ông đã tự tay viết cho người vợ trẻ một bức thư, với nội dung đại ý là: “Em còn trẻ, chiến tranh lâu dài tôi sợ không về được. Hãy cố chờ tôi, nếu vài năm nữa không về thì em đi lấy chồng cũng được, vì lúc ấy em vẫn còn trẻ, không đi bước nữa tôi sợ em sẽ phải chịu thiệt thòi”… Ông để bức thư trong túi áo, gửi áo ấy về cho vợ và dặn mấy năm sau hãy mở bức thư ra xem. Nếu khi ấy chưa thấy ông về thì hãy đi tìm hạnh phúc khác…

Nhưng có lẽ ông là người may mắn, bởi vợ ông vẫn son sắt chờ đợi trong suốt những năm trời đằng đẵng ông đi chiến đấu. Sau cuộc chiến ấy, ông đón vợ vào Nam. Nhưng không được bao lâu thì ông tiếp tục nhận nhiệm vụ tham gia cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam gần 10 năm. May mắn hơn nữa, trong khoảng thời gian ngắn ngủi bên vợ, vợ chồng ông có một cậu con trai.

Sau này, khi người vợ thứ nhất qua đời, ông đi bước nữa và có thêm một người con trai với mái ấm hạnh phúc mới. Cả hai người con trai ấy hiện đều là sĩ quan quân đội - tiếp bước truyền thống vẻ vang của ông.

Trả nợ ân tình

Ngoài gia đình, ông không quên nhắc tới “ân nhân” của cuộc đời mình, đó là hai mẹ con cậu bé đã cứu sống ông khi ông bị thương gần đồn địch. Năm 1966, trong một lần đột nhập căn cứ địch, ông bị bắn trọng thương, gãy chân. Lúc đó trời sáng nên đồng đội không thể mang theo ông đi cùng nên ông tự bò ra ruộng lúa ẩn náu và chờ đồng đội tối quay lại đón.

Đến trưa, một cậu bé khoảng 12 tuổi đi thăm đồng. Vừa nhìn thấy ông, cậu bé vội vã chạy về. Lúc ấy ông nghĩ nếu cậu bé là người tốt thì ông được cứu sống, nếu không cậu bé đó sẽ đi báo cho địch thì ông chết chắc. Ông vội bò chỗ khác để trốn. Rồi ông thấy cậu bé ra, tay xách theo một chiếc giỏ, để ở chỗ ông nằm trốn rồi lại chạy về. Ông bò lên thì thấy một chén cơm nếp, nửa con vịt luộc và muối. Biết đó là người tốt, ông ăn và tiếp tục nằm trốn.

Tối đến, cậu bé cùng mẹ ra đưa ông về nhà chăm sóc. Ở đó được hơn 10 ngày, vết thương của ông vẫn nặng, xuất hiện cả bọ trong vết thương nên ông nói mẹ con người phụ nữ đưa ông về vùng du kích. Họ cứ nhằm nơi trực thăng và pháo của địch bắn nhiều để đi, đi được khoảng 6km thì gặp anh em du kích nên ông được đồng đội đưa về dưỡng thương 3 tháng.

Khi đã làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ông đã đi tìm và gặp lại mẹ con người ân nhân. Từ đó, năm nào ông cũng về thăm vùng quê của ân nhân ở Long Mỹ, Hậu Giang để tặng quà, chúc Tết mọi người.

Sau 10 năm giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ông tâm sự, khi về hưu ông thấy nhẹ lòng, thoải mái, không còn điều gì tâm tư. Bởi về hưu, nhưng ông không ngồi yên một chỗ. Ông đi khắp nơi làm từ thiện, xây các đền chùa. Riêng ở miền Bắc, ông đã xây được 6 ngôi chùa, còn ở miền Nam đã và đang xây dựng được 7 ngôi chùa.

Cùng với sự giúp sức của bạn bè, ông đã xây dựng được hơn 600 ngôi nhà cho những đồng đội còn khó khăn, mua cho họ cả mấy chục ha đất để họ làm kinh tế và hàng năm, ông đều đi thăm hỏi, tặng quà các đồng đội đã cùng ông chiến đấu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.