Quản lý

Chuyên gia hiến kế tăng hiệu quả kết nối giao thông

02/02/2019, 07:29

Trao đổi với Báo Giao thông, các chuyên gia giao thông, Đại biểu Quốc hội đều khẳng định sự cần thiết của việc kết nối giao thông.

img
Cảng Lạch Huyện đang được khẩn trương xây dựng bên cạnh tuyến đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện đã hoàn thành đưa vào sử dụng - Ảnh: Khánh Linh

Để đảm bảo hiệu quả kết nối, Nhà nước cần tập trung bố trí nguồn lực đầu tư, ngành GTVT phải làm có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên đầu tư trước những dự án có tính lan tỏa, kết nối liên vùng.

img
Ông Lê Đỗ Mười

Ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT:

Ưu tiên các dự án có tính lan tỏa, kết nối vùng

Rõ ràng thời gian qua, hạ tầng giao thông dù đã được đầu tư song việc kết nối giao thông lại chưa được quan tâm đúng mực, do đó chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của các dự án.

Thời gian tới, chúng ta cần ưu tiên các dự án có tính chất động lực, tác động lan tỏa, tính kết nối vùng cao. Cụ thể, cần tập trung dành nguồn vốn đầu tư cho những công trình hạ tầng trọng điểm, có khả năng tạo kết nối thuận lợi như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và sân bay Long Thành.

Ngành GTVT cần tiếp tục tập trung đầu tư dứt điểm các công trình kết nối cảng biển và sân bay, các trục xuyên tâm kết nối các đường vành đai đô thị để giảm tắc nghẽn đô thị và nối thông giữa các vùng miền. Cụ thể, ở lĩnh vực hàng không, cùng với việc triển khai sân bay Long Thành đảm bảo tiến độ, chất lượng, phải tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối sân bay Long Thành một cách đồng bộ, trong đó đặc biệt phải lưu ý đẩy nhanh triển khai tuyến đường sắt nhẹ đến sân bay Long Thành, kết nối sân bay này với các trục cao tốc, làm cầu Cát Lái nối tỉnh lộ 25 với sân bay Long Thành để phá thế độc đạo kết nối sân bay Long Thành theo một hướng,...

Với cao tốc Bắc - Nam phía Đông, mục tiêu của dự án này là nhằm kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, đầu mối giao thông quan trọng, tăng cường liên kết vùng để nâng cao năng lực vận tải trên hành lang Bắc - Nam và hỗ trợ vận tải tuyến QL1. Ngay trong khâu thiết kế cao tốc Bắc - Nam, chúng ta cũng đã tính đến việc kết nối với quốc lộ để tối đa hóa hiệu quả đầu tư của tuyến đường. Cụ thể, ở phía Nam là các quốc lộ 19, 26, 27, phía Bắc là quốc lộ 7, 8, 9. Vấn đề chỉ là đầu tư đồng bộ, hiệu quả, đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.

Thanh Bình (Ghi)

img
Ông Phạm Hữu Sơn

Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc TEDI:

Cần làm song song với quy hoạch 5 lĩnh vực chuyên ngành

Ngoài việc xây dựng 6 đề án kết nối giao thông, hiện nay, Bộ GTVT cũng đang thực hiện quy hoạch của 5 lĩnh vực gồm: Đường bộ, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa và đường sắt. Quy hoạch của 5 lĩnh vực chuyên ngành mang tính dài hơi với tầm nhìn đến năm 2050. Trong khi đó, đối với các đề án kết nối, trong mỗi đề án sẽ phải đưa ra một bài toán kết nối tất cả các loại hình vận tải để xử lý vấn đề trước mắt trong ngắn hạn. Theo tôi được biết, các đề án kết nối và quy hoạch của 5 lĩnh vực chuyên ngành có nhiều nội dung trùng nhau, nếu chúng ta thực hiện song song quy hoạch của 5 lĩnh vực sẽ tạo ra được bài toán kết nối giao thông và đạt hiệu quả cao hơn.

Bây giờ, nếu chúng ta chỉ đặt ra bài toán kết nối, trước hết cần phải tập trung ưu tiên cho các dự án đường thủy nội địa. Trong đó, ở phía Bắc cần khơi thông luồng lạch và nâng tĩnh không thông thuyền, đặc biệt là đối với sông Đuống. Khu vực phía Nam cũng cần ưu tiên đầu tư hàng loạt dự án đường thủy nội địa, nhất là kênh Chợ Gạo, kết hợp nâng tĩnh không thông thuyền, từ đó mới tạo ra được hệ thống giao thông kết nối. Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác như các dự án đường bộ cao tốc, đường sông, cảng biển, cảng sông, đường sắt,… cũng cần được quan tâm đầu tư.

Đình Quang (Ghi)

img
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình:

Ưu tiên mọi nguồn lực kết nối

Kết nối hạ tầng giao thông là rất cần thiết, vì nó quyết định thành công và đóng góp của công trình giao thông cho sự phát triển của nền kinh tế, cũng như sự thông suốt của vận tải, lưu thông hàng hóa.

Song thực tế, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam đa số quy mô vẫn còn nhỏ, chưa đồng bộ và chưa tạo được sự kết nối liên hoàn. Bên cạnh đó, khả năng đáp ứng nhu cầu giao thông và ATGT còn hạn chế. So với một số nước tiên tiến trong khu vực, hệ thống kết nối hạ tầng giao thông Việt Nam chỉ ở mức trung bình.

Đặc biệt, tính kết nối của các công trình, loại hình giao thông ở những vùng sâu, vùng xa càng khó khăn, hạn chế hơn. Một bất cập khác tồn tại là việc đầu tư kinh phí cho xây dựng và kết nối hạ tầng ở các địa phương hiện nay yếu dựa vào kinh phí của chính các địa phương, với những địa phương nghèo, nguồn ngân sách eo hẹp thì rất khó đầu tư và tạo ra sự kết nối giao thông.

Vì thế, giải pháp để tăng cường tính kết nối giao thông trong nội vùng và kết nối giao thông giữa các địa phương liên vùng, trước hết chúng ta cần có nguồn lực. Nếu có thể thu kinh phí trên các tuyến đường, các công trình giao thông để dùng nguồn đó đầu tư, xây dựng, sửa chữa, kết nối thì rất tốt.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp rất cần có nguồn đầu tư từ ngân sách T.Ư cho các địa phương để nâng cao tính kết nối, tạo ra hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, chúng ta phải chú trọng tạo sự kết nối giữa các loại hình giao thông, ví dụ cần có những tuyến kết nối giữa đường bộ với đường thuỷ, đường sắt với hàng không để tạo sự thuận tiện trong vận chuyển hành khách hàng hoá, tạo thuận lợi cho người dân.

img
ĐBQH Phạm Văn Hòa

ĐBQH Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp:

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Một đất nước mà nền KT-XH ngày càng phát triển cao, hạ tầng giao thông càng đóng vai trò quan trọng, nhưng với điều kiện hạ tầng giao thông đó phải được kết nối liên hoàn với nhau và với những cơ sở hạ tầng khác.

Lâu nay, chúng ta có sự phân cấp tương đối rõ ràng, rạch ròi, như các tuyến quốc lộ thuộc quản lý của T.Ư, tỉnh lộ do tỉnh quản lý, huyện lộ thuộc quản lý của huyện… Sự phân cấp ấy nhiều khi cũng tạo ra bất cập khi giữa các cấp không có sự liên thông, kết nối với nhau, dẫn đến thực tế khi có chuyện “dưới đổ lên trên, trên đổ xuống dưới”, sự việc mãi không được giải quyết.

Hiện nay, tính liên thông, kết nối giữa các công trình giao thông với nhau, giữa công trình giao thông ở địa phương này với địa phương khác vẫn chưa tốt và còn nhiều bất cập. Vì thế, chúng ta cần phải tạo được sự đồng bộ, thống nhất. Dù có phân cấp nhưng vẫn cần có tính kết nối chung, chỉ cần cấp trên tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để tăng tính hiệu quả.

Ngoài việc nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, phát huy tính đồng bộ kết nối của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, chúng ta cần lưu ý đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo bước chuyển biến rõ rệt trong việc phân bổ nguồn vốn đầu tư giữa các lĩnh vực giao thông. Đặc biệt, tập trung vốn cho các công trình có tính lan tỏa, tạo sự kết nối giữa các phương thức vận tải, giữa các công trình trong cùng hệ thống, tại các vùng kinh tế trọng điểm, các cửa ngõ quốc tế.

Hoài Thu (Ghi)

Tháng 4/2019, hoàn thành các đề án giao thông kết nối

Cuối tháng 11/2018, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã giao các đơn vị xây dựng 6 đề án quan trọng giúp tăng tối đa hiệu quả các dự án. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN lập 4 đề án kết nối mạng giao thông các tỉnh Tây Bắc; Khu vực Đông Nam bộ; Kết nối mạng giao thông các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; Kết nối mạng giao thông các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Cục Hàng hải VN được yêu cầu lập đề án nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác cảng biển Hải Phòng, bao gồm các khu bến của cảng biển Hải Phòng hiện hữu và khu bến cảng Lạch Huyện. Đề án thứ 6 được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giao Cục Hàng không VN xây dựng là nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Các đề án này phải hoàn thành và trình Bộ GTVT trong tháng 4/2019.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.