Giao thông

Chuyên gia Nhật Bản đạt giải Nhất tuần diễn đàn chống ùn tắc

05/06/2017, 16:18

Nhóm chuyên gia cao cấp Công ty Almec, Nhật Bản đạt giải Nhất tuần Diễn đàn Chống ùn tắc giao thông đô thị.

nhat-tuan-dien-dan

Đại diện Ban Tổ chức Diễn đàn Chống ùn tắc giao thông đô thị trao giải Nhất tuần cho nhóm tác giả đến từ Công ty Almec Nhật Bản

Chiều nay (5/6), Ban Tổ chức Diễn đàn Chống ùn tắc giao thông đô thị trao giải Nhất tuần cho nhóm 3 tác giả đến từ Công ty Almec, Nhật Bản với ý tưởng “Gửi và đi”, dân trong ngõ mới chịu lên xe buýt. Độc giả có thể đọc lại bài viết tại đây.

Các tác giả đoạt giải Nhất tuần này là ông Takagi Michimasa, TS.Nguyễn Hữu Đức, TS. Trần Minh Tú - Chuyên gia Tư vấn giao thông cao cấp của Công ty ALmec, Nhật Bản. Như vậy, chuyên gia cao cấp Takagi Michimasa là người nước ngoài đầu tiên đạt giải thưởng Nhất tuần của Diễn đàn Chống ùn tắc giao thông đô thị.

Theo nhóm tác giả này, tại Hà Nội, có một thực tế là sau nhiều năm, lượng người sử dụng xe buýt tăng khá ổn định thì gần đây đang có xu hướng giảm. Khi người dân “xa lánh” xe buýt, doanh thu giảm sút, kinh doanh gặp khó khăn, nhiều tuyến buýt phải ngừng khai thác, chất lượng xe buýt giảm xuống, người dân lại càng không sử dụng xe buýt nữa. Vòng luẩn quẩn đó dẫn tới việc các công ty xe buýt không còn khả năng chống đỡ, bị phá sản hoặc chấm dứt cung cấp dịch vụ. Khi hệ thống GTCC không còn hoạt động nữa, ùn tắc lại càng trầm trọng hơn.

Bài tham dự Diễn đàn chống ùn tắc giao thông đô thị do Báo Giao thông, Otofun phối hợp tổ chức, Tập đoàn Hyundai Thành Công đồng hành tài trợ. Ý kiến đóng góp xin gửi về: Chonguntac@baogiaothong.vn và news@otv.vn...

Hà Nội, TP HCM và các đô thị ở Việt Nam có rất nhiều ngõ, ngách, nơi sinh sống của hàng vạn hộ dân. Đặc điểm của các ngõ, ngách này là đan xen nhau, thường khá hẹp, nhiều chỗ hai xe máy tránh nhau còn khó. Điều này có nghĩa là nếu không đi bộ, người dân chỉ có thể đi xe máy, xe đạp. Khi ra khỏi đường chính, họ tiếp tục buộc phải dùng phương tiện này đi tới đích, dù có xa đi nữa vì có muốn dùng xe buýt cũng không được bởi không có chỗ để xe. Điều này có nghĩa là nếu bố trí được chỗ giữ xe, tất nhiên với điều kiện an toàn và giá phải chăng, khả năng để họ lựa chọn xe buýt là rất lớn. Hay nói cách khác, giải pháp gửi (xe cá nhân) và đi (xe công cộng) chính là câu trả lời cho khả năng tiếp cận xe buýt của người dân ở ngõ, ngách sâu. Với số lượng dân không nhỏ, đây sẽ là nguồn khách đáng kể cho GTCC và phạm vi lưu hành của phương tiện cá nhân bây giờ sẽ gọn lại hợp lý.

Giải pháp “gửi và đi” đã được áp dụng khá rộng rãi trên thế giới. Thông thường, gần sân bay hay ga tàu hoả, người ta bố trí chỗ gửi xe có khi lên tới hàng ngàn chiếc ô tô. Tại Việt Nam, chúng ta có thể nghiên cứu ứng dụng giải pháp gửi và đi ở quy mô thích hợp. Dĩ nhiên, bãi giữ xe ô tô đòi hỏi điều kiện khó khăn hơn. Nhưng trước mắt, tổ chức giữ xe đạp, xe máy là có thể thực hiện được. Thực tế, giữ xe đạp, xe máy chỉ khó khăn nhất là diện tích đất nhưng bù lại có thể bố trí linh động. Đối với các đô thị tương lai, giải pháp căn bản là phải phát triển khu đô thị theo hướng TOD (Transit Oriented Development - phát triển đô thị gắn với đầu mối GTCC).

Phát biểu tại buổi trao giải, chuyên gia Takagi Michimasa cho biết, bài viết mới chỉ đề cập giải pháp xây dựng các bãi đỗ xe cá nhân, để từ đó khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Vấn đề then chốt phải từ chính sách, các doanh nghiệp cần quan tâm khuyến khích người lao động sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Mô hình này đã áp dụng rất tốt ở Nhật Bản và mong có thể áp dụng được ở Việt Nam. Mỗi người dân cũng cần tự nhận thức trách nhiệm của mình trong giảm ùn tắc giao thông bằng cách sử dụng phương tiện giao thông công cộng, không nên chỉ trông chờ vào các giải pháp từ phía chính quyền.

Ông Takagi Michimasa cũng khẳng định sẽ tiếp tục có những ý tưởng đề xuất gửi về Diễn đàn Chống ùn tắc giao thông đô thị.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.