Góc nhìn

Chuyên gia nói về đòn đáp trả hạt nhân được ông Putin nhắc đến

20/10/2018, 09:04

Chuyên gia quân sự nổi tiếng của Nga - ông Vasily Kashin đã bình luận về những tuyên bố này.

Đoàn hộ tống xe chở tên lửa Topol của quân đội Nga

Đoàn hộ tống xe chở tên lửa Topol của quân đội Nga

Theo báo chí Nga, tại cuộc họp của Câu lạc bộ thảo luận Valdai ở Sochi, Tổng thống Nga Vladimir Putin lưu ý rằng khái niệm của Moscow về việc sử dụng vũ khí hạt nhân không chủ đích tấn công trước phủ đầu và khẳng định những loại vũ khí như vậy chỉ có thể được sử dụng để trả đũa.

Nhân sự kiện này, báo Sputnik đã trích đăng ý kiến bình luận của chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Putin đã đưa ra lời tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng để hiểu được chiến lược răn đe hạt nhân của Nga.

Về thực chất, Tổng thống Putin nói, Nga sẽ sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp phương tiện cảnh báo về tấn công tên lửa cho thấy rằng chính lãnh thổ Nga sẽ phải hứng chịu đòn tập kích hạt nhân.

Trong đó ông Putin lưu ý rằng khái niệm Nga sử dụng vũ khí hạt nhân không tính toán dự trù cho một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu nhắm vào kẻ thù.

Khái niệm của Nga, như Tổng thống Putin giải thích, là "phản ứng đáp trả, chống đỡ cú đánh đang giáng xuống".

Oanh tạc cơ Tu-22M3 mang tên lửa hành trình uy lực

Oanh tạc cơ Tu-22M3 mang tên lửa hành trình uy lực

Theo chuyên gia Vasily Kashin, thuật ngữ này bao hàm việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp hệ thống cảnh báo về tấn công tên lửa cho thấy rằng có tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa đạn đạo do tàu ngầm phóng đi đang bay về hướng Nga.

Khái niệm như vậy đảm bảo việc sử dụng vũ khí hạt nhân trước khi kẻ địch có thể thực hiện đòn tấn công tước vũ khí.

Xét theo mọi điều, bài phát biểu của Tổng thống nhấn mạnh rằng trong trường hợp như vậy, ban lãnh đạo tối cao của Nga chắc chắn sẽ ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân của mình để chống trả xâm lược hiếu chiến.

Tính cần thiết của bối cảnh khẳng định sự quyết tâm này rõ ràng phát sinh từ tình hình mới của môi trường quan hệ quốc tế.

Hạm đội tàu ngầm hạt nhân của Nga

Hạm đội tàu ngầm hạt nhân của Nga

Đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và Mỹ có thể biến thành khả năng hiện thực. Ví dụ, vào tháng 4 năm 2018, theo thông báo của tờ The Wall Street Journal, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xem xét phương án giáng đòn tấn công vào các chủ thể của Nga và Iran ở Syria để đáp lại "vụ tấn công hóa học" ở ngoại ô Damascus.

Các thành tố quan trọng của sự ổn định chiến lược giữa Liên Xô và Hoa Kỳ trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh là sự tin chắc về khả năng kỹ thuật của nhau và mức độ sẵn sàng chính trị của bên kia để tiến hành tấn công hạt nhân trả đũa.

Từ đó dẫn đến hiện hữu giới hạn trong quan hệ song phương, mà mỗi bên đều cố gắng không vượt qua. Đáng tiếc là di sản giá trị này đã mất đi trong giai đoạn Moscow bị suy yếu cuối những năm 1980 đầu những năm 2000.

Trong những năm tháng Chiến tranh Lạnh, để thiết lập các quy tắc trò chơi đã diễn ra khủng hoảng Caribean, khi thế giới bị đẩy tới bên bờ vực diệt vong.

Sẽ tốt hơn cho tất cả nếu như bây giờ hiểu biết mới về thực tại hiện nay được xác lập chỉ nhờ loạt tuyên bố hùng biện, chứ không phải là cuộc xung đột thực sự.

Lực lượng tàu ngầm hùng hậu của Mỹ

Lực lượng tàu ngầm hùng hậu của Mỹ

Đồng thời, theo đánh giá của chuyên gia Nga, hoàn toàn rõ ràng là ngay từ trước bài phát biểu của ông Putin thì quan hệ Nga-Mỹ đã bị hủy hoại gần như tận gốc, khó có thể tổn thương hơn nữa.

Trong tương lai gần, hai nước cần phải bảo tồn các kênh đối thoại hiện có trong lĩnh vực an ninh và ngăn chặn đe dọa leo thang nhiều mâu thuẫn không kiểm soát nổi.

Đồng thời, tiến bộ rõ rệt của giao lưu Nga-Mỹ ngay hôm nay là khả năng ít có, tuy nhiên, nhiệm vụ thực tế là tạo điều kiện để thiết lập cuộc đối thoại trong tương lai, dù có thể còn khá xa vời.

Từ quan điểm thực tiễn bài phát biểu của ông Putin không vượt ra ngoài khuôn khổ nguyên tắc sử dụng vũ khí hạt nhân đã được dự trù trong học thuyết quân sự hiện hành của Nga.

Học thuyết đó nói rằng "Nga giữ cho mình quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả việc dùng vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác chống lại đất nước và đồng minh của Nga, cũng như trong trường hợp có cuộc xâm lược sử dụng vũ khí thông thường chống Nga, đe dọa chính sự tồn tại của Nhà nước hiện nay".

Cách tiếp cận như vậy tới nguyên tắc sử dụng vũ khí hạt nhân đã được Nga thông qua ngay từ những năm 1990. Khó có thể xem đây là cái gì độc đáo - chuyên gia Vasily Kashin đánh giá.

Thời gian hiện tại, ngoài Nga, thì cả Hoa Kỳ cũng sở hữu hệ thống cảnh báo sớm về cuộc tấn công tên lửa, còn Trung Quốc cũng đang tích cực xúc tiến tạo ra hệ thống tương tự.

Thực tế Chiến tranh Lạnh, khi các bên sống nhiều năm trong sự chờ đợi xung đột hạt nhân đã sản sinh ra những tình huống nguy hiểm gắn với sai sót trong các hệ thống cảnh báo đòn tấn công tên lửa.

Tiêu biểu nhất là trường hợp hoạt động sai lầm trong hệ thống của Liên Xô vào đêm 25 rạng ngày 26 tháng 9 năm 1983, khi thảm họa đã được chặn đứng nhờ hành động đúng của viên chỉ huy ca trực tại trung tâm hệ thống cảnh báo Liên Xô, Trung tá Stanislav Petrov. Cũng từng có những trường hợp báo động giả tương tự trong hệ thống ở Mỹ.

Một phi đội tàng hình cơ ném bom B-2 Spirit của Mỹ

Một phi đội tàng hình cơ ném bom B-2 Spirit của Mỹ

Trong điều kiện mới, điều quan trọng là phải nâng cao mức độ an ninh bằng con đường duy trì phát triển đối thoại trong lĩnh vực an ninh và ổn định chiến lược, sẽ được tiến hành với sự tôn trọng của mỗi bên dành cho phía bên kia và hiểu biết chung về hậu quả nghiêm trọng tức thời của tình huống.

Đồng thời, cũng ít có nghi ngờ về sự tồn tại lâu dài những mâu thuẫn chính trị sâu sắc khó hóa giải nhanh chóng giữa các bên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.