Chất lượng sống

Chuyện “gieo chữ” của những thày giáo quân hàm xanh

15/11/2017, 07:25

Chương trình "Nâng bước em tới trường" của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng được triển khai từ năm 2014...

14

Thượng úy Giàng A Trú, Đồn Biên phòng Tả Gia Khâucùng học sinh đang được nuôi dưỡng tại đơn vị

Chương trình "Nâng bước em tới trường" của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng được triển khai từ năm 2014, đến nay đã đỡ đầu cho hơn 2.600 học sinh, trong đó có 59 học sinh nước bạn Lào, 67 học sinh Campuchia. Hành trình gieo chữ của những thày giáo mang quân hàm xanh tại vùng biên cương khiến nhiều người xúc động, nể phục.

Xóa mù chữ từ miền núi tới biển đảo

Sinh ra rồi đi bộ đội, đóng quân trên đỉnh núi Phìn Chư của xã Dìn Chin (huyện Mường Khương, Lào Cai), Thượng úy Giàng A Trú, Đội trưởng vận động quần chúng, Đồn biên phòng Tả Gia Khâu cho hay, người dân nơi đây thiếu thốn đủ bề, bởi thế cái chữ cũng là thứ “nghe xa lạ lắm”. Những ông bố, bà mẹ không biết chữ, đẻ con ra cũng không cho đi học, cuộc sống khó khăn cứ nối tiếp nhau quay vòng. Không thể chấp nhận mãi cái nghèo đói vây quanh, ngay từ nhỏ, cậu bé Trú đã quyết tâm vượt núi, lội suối tới điểm trường theo học. “Bên cạnh thày cô, mình còn nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ của các chú bộ đội biên phòng. Từ đó, hình ảnh “thày thuốc quân hàm xanh”, “thày giáo quân hàm xanh” đã in đậm trong tâm trí, thôi thúc mình trở thành người lính biên phòng như ngày hôm nay”, Thượng úy người Mông nói. Và rồi, khi được trở về quê hương công tác, anh đã tham mưu cho đơn vị đỡ đầu, nuôi dưỡng 17 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, lập tổ vận động xóa mù chữ tại địa phương. “Mình là người Mông nên có lợi thế tiếp cận và giảng dạy cho các em hiểu nhanh hơn. Tại những lớp xóa mù chữ, mình thường làm trợ giảng cho các thày cô; hôm nào thiếu giáo viên thì đứng lớp luôn”.

Trong số chiến sĩ biên phòng được tuyên dương lần này, Trung tá Mai Văn Sơn, Đồn biên phòng Hải Vân, Đà Nẵng là người tham gia dạy xóa mù chữ lâu nhất. Trong gần 26 năm, anh Sơn không thể nhớ đã giúp bao nhiêu người dân địa phương xóa mù chữ. “Tâm lý bị kỳ thị khi mù chữ khiến người dân làng chài nơi đây phó mặc, buông xuôi, bởi ai cũng tự nhủ học rồi cũng vẫn chỉ làm nông, đi biển mà thôi. Vậy nên, tuyên truyền không là chưa đủ, chúng tôi thường xuyên tới tận nhà thăm hỏi, giúp đỡ công việc nhà, chia sẻ khó khăn với người dân để từ đó thuyết phục họ tới lớp theo học”, Trung tá Sơn chia sẻ. Hiện tại, Đồn biên phòng Hải Vân đang duy trì 7 lớp học với 85 thành viên đủ các độ tuổi. Lớp học chia theo ca, căn cứ vào giờ nghỉ của dân để dạy tranh thủ. Ví như dân đi biển, sẽ học từ 9h-11h trưa; còn những người đã có công việc ổn định trên bờ sẽ học từ 19h - 21h.

Rơi nước mắt với tiếng gọi thày

Nhập ngũ năm 2016, Binh nhất Huỳnh Hoàng Tam, chiến sỹ Đồn biên phòng Tuyên Bình (Long An) cũng là đại biểu trẻ nhất trong lễ tuyên dương “Chia sẻ cùng thày cô” năm 2017 do do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức tối 13/11. Ngày mới về đơn vị, Tam bị ám ảnh bởi cuộc sống người dân vùng biên đầy khó khăn với những căn nhà dựng tạm tiêu điều, xơ xác. “Rất nhiều trẻ thất học, đa phần trong số đó là con em người Việt Nam có thời gian sang Campuchia sinh sống và nay quay trở về quê hương. Bố mẹ các em không có giấy tờ tùy thân và các em cũng vậy, được “thả rông” đi bán vé số qua ngày”, Tam chia sẻ. Vậy là mỗi sáng, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Tam lại cùng đồng đội tới từng nhà dân vận động trẻ nhỏ đi học. Tới nay đã có 5 lớp học tình thương (từ lớp 1 tới lớp 5) được mở ra thu hút 52 học sinh, dưới sự giảng dạy, chăm lo của 3 thày giáo quân hàm xanh của Đồn biên phòng Tuyên Bình. Trong đó, Tam trực tiếp đứng 1 lớp với 31 học sinh. “Các bé còn nhỏ, lại sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, phải có sự nhẫn nại và tình thương mới có thể dạy dỗ được”, Tam nói.

60 cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tới từ 40 tỉnh, thành trên cả nước vừa được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thày cô” năm 2017. Tại chương trình, mỗi thày giáo quân hàm xanh được nhận Bằng khen của T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Kỷ niệm chương và một sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng.

Trong quá trình giảng dạy, những người lính như Tam thủa đầu đều gặp khó khăn khi không có kiến thức sư phạm. Để khắc phục, đêm đêm, “các thày” lại lên mạng tìm hiểu phương pháp giảng dạy đơn giản mà dễ hiểu, dễ nhớ. Những buổi giải lao giữa giờ, người lính trẻ lại đem chút “tài lẻ” đàn hát cho trò nghe. “Các bé không những coi em như người thày mà còn là người anh thực sự. Thày trò cứ thế ríu rít qua những buổi học. Ngày lễ kỷ niệm 20/11 năm 2016, lần đầu được học trò tặng hoa mà em nghẹn ngào không nói thành lời…”. Niềm vui tăng theo từng ngày khi chứng kiến học trò khôn lớn, song điều khiến Tam day dứt nhất là làm thế nào để các em có đầy đủ giấy tờ, đảm bảo quyền lợi sau này. “Đây là vấn đề nan giải, đơn vị đang có ý kiến với địa phương xem xét tạo điều kiện làm giấy khai sinh, đăng ký hộ khẩu cho các bé”, Tam cho hay.

Đóng quân tại nơi được cho là “điểm nóng” về tệ nạn xã hội, Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng, Đồn biên phòng Cầu Bóng (Khánh Hòa) chia sẻ: Đa số trẻ con ở đây đều mù chữ bởi cha mẹ đều khó khăn, thậm chí một số còn nghiện ngập, đi tù. Từ năm 2004, lớp học tình thương vào buổi tối đã được mở ra thu hút những trẻ cá biệt trên địa bàn do chính anh Tưởng huy động cơ sở vật chất và trực tiếp giảng dạy. Tới nay, lớp học đặc biệt ấy đã duy trì được 13 năm, song chưa từng  từ chối tiếp nhận hay đuổi học bất cứ trường hợp nào. “Có cô giáo trẻ biết tới lớp và tình nguyện dạy, song chưa hết nửa buổi đã phải bỏ ra về vì trò quá “đặc biệt”. Có trường hợp lỳ lợm, quậy phá, chống đối, thậm chí ngăn cản các bạn khác tới lớp nhưng sau nhiều lần kiên trì, dành tình cảm chân thật cô cũng đã thuyết phục được các cháu tiếp tục theo học”, anh Tưởng nhớ lại và chia vui, nhiều trường hợp ngỗ nghịch sau khi trải qua khóa đào tạo đã đến lớp đều đặn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.