Trong nước

Chuyện hotgirl bóng chuyền Ngọc Diễm làm “lính đánh thuê”

22/04/2017, 13:00

Vì sao Ngọc Diễm từ chối mức phí chuyển nhượng 1,5 tỷ đồng cùng mức lương 30 triệu đồng/tháng?

16

Ngọc Diễm

Chủ công tài năng và xinh đẹp 24 tuổi gây sốc khi từ chối lời đề nghị đầu quân về đội bóng nhà giàu mới nổi với mức phí chuyển nhượng 1,5 tỷ đồng cùng mức lương 30 triệu đồng/tháng. Cô tiếp tục bám trụ ở đội bóng quê hương là Truyền hình Vĩnh Long vốn không có thực lực và điều kiện, đồng thời xếp cuối bảng làng bóng chuyền. Cũng chính bởi vậy, Ngọc Diễm phải “đấu thuê thời vụ” cho các CLB hàng đầu để nâng cao trình độ, có thêm thu nhập.  

Từ chối tiền tỷ để ở lại quê hương

Đây là lời đề nghị hấp dẫn nhất, có thể coi như một kỷ lục từ trước đến nay của bóng chuyền nữ mà đội bóng nhà giàu mới nổi Hóa Chất Đức Long Hà Nội đặt ra với Ngọc Diễm trước thềm mùa giải 2017. Ngoài việc bỏ túi một khoản lót tay khủng, Diễm sẽ nhận lương tháng 30 triệu đồng/tháng, cao gấp 4-5 lần mức hiện tại ở Truyền hình Vĩnh Long. Nếu đồng ý, Ngọc Diễm còn được cam kết cho đi Nhật Bản tu nghiệp, đảm bảo công việc sau khi giải nghệ, hỗ trợ mua nhà. Cô đứng trước những cơ hội lớn để tạo nên bước đột phá cả về thành tích lẫn thu nhập.

Trong tình thế có thể tự quyết do hợp đồng của cô với đội bóng quê nhà đã kết thúc. Thế nhưng, Diễm đã thực sự gây sốc khi từ chối một cách kiên quyết và thanh thản. Ngoài Hóa Chất Đức Long Hà Nội, Ngọc Diễm còn cự tuyệt lời chào đón của hàng loạt đội bóng mạnh cả về chuyên môn lẫn nguồn lực như Bình Điền Long An hay Thông tin LienVietPostbank. Ngọc Diễm cho hay, cô muốn ở lại vì  nặng lòng với đội bóng quê hương, nơi cô được phát hiện và đào tạo thành tài. Bên cạnh đó, Ngọc Diễm cũng dành tình cảm, sự tôn trọng tuyệt đối với người thầy kỳ cựu Nguyễn Xuân Dung.

Nếu nhìn lại nghiệp bóng chuyền của Ngọc Diễm mới thấy, chuyện từ chối lót tay tiền tỷ và thu nhập 30 triệu đồng cũng không phải là sự lạ duy nhất nơi cầu thủ đặc biệt này. Ở ĐTQG, duy nhất Ngọc Diễm không phải là quân của các “lò” bóng chuyền như Thông tin LienVietPostbank hay Bình Điền Long An. 12 tuổi, cô bé cao gầy gia nhập đội bóng chuyền Vĩnh Long - một nơi chỉ được dẫn dắt bởi các ông thầy tay ngang, chất lượng cầu thủ làng nhàng và luôn yên phận ở hạng dưới.

Ở một mặt bằng chung thấp như thế, Diễm vẫn bứt hẳn lên. Qua đúng 4 năm ăn tập, chủ công trẻ này hoàn toàn khác biệt so với các đồng đội, không chỉ ở sự vượt trội của chiều cao, thể lực mà quan trọng hơn là sức bật đặc biệt cùng những cú dứt điểm như trái phá. 18 tuổi, ngay mùa giải chính thức đầu tiên của mình, gương mặt lạ đến từ miền Tây đã khiến cả làng bóng chuyền sửng sốt với sự bùng nổ ngoạn mục tại giải hạng A.

Chủ công cao 1m77 này có sức bật đà tới 3m10 - một kỷ lục của bóng chuyền nữ. Quan trọng hơn, Diễm trở thành một “máy ghi điểm” thực thụ với hiệu suất trung bình 20-30 điểm mỗi trận và một tay đưa đội bóng quê nhà giành quyền lên chơi ở hạng đấu cao nhất nước. Từ đó, chị đã được các nhà tuyển trạch đặc cách đưa thẳng vào ĐTQG. Hiện tại, tuyển thủ 24 tuổi đã nâng sức bật đà của mình lên tới 3m12 và được coi là chủ công hay nhất bóng chuyền Việt Nam đang có.

Cô gái “du mục”

Diễm là cầu thủ duy nhất của bóng chuyền Việt Nam đang đều đặn mỗi năm đấu cho 2 đội bóng. Trước đây, khi Truyền hình Vĩnh Long ở hạng dưới, Diễm đấu thuê cho 1 đội hạng trên dự giải VĐQG, từ Tân Bình TP HCM đến Bình Điền Long An. Hai năm nay khi đội bóng quê nhà thăng hạng, Diễm vẫn tranh thủ đầu quân thời vụ cho đội bóng khác, hiện tại là Thông tin LienVietPostBank, tại các giải đấu mà Truyền hình Vĩnh Long không tham dự hay không được tham dự.

Chủ công sinh năm 1994 quá quen với việc liên tục phải nỗ lực để vừa hoàn thành xuất sắc trách nhiệm với Truyền hình Vĩnh Long, vừa đóng vai trụ cột ở đội bóng thuê mình. Điều đó được thể hiện rõ nhất lúc Truyền hình Vĩnh Long còn ở hạng dưới. Nếu các đồng đội khác mỗi năm chỉ dự giải VĐQG với 2 vòng, riêng Diễm tới hai giải ở hai hạng khác nhau với tổng cộng bốn vòng. Nhiều lần, hai giải chỉ diễn ra cách nhau vài ngày nên Diễm phải thi đấu mười mấy trận liên tiếp.

Tuy nhiên, cũng chính qua nghiệp “du mục” cùng hành trình đấu thuê thời vụ ấy, Diễm  đã trui rèn thể lực, ý chí và năng lực để thích nghi với mọi đối thủ, cũng như có thêm thu nhập đáng kể. Diễm tâm sự, đôi lúc cũng cảm thấy mỏi mệt nhưng tình yêu với bóng chuyền, tình cảm với quê hương đã giúp cô đứng vững. Nếu khoác áo một ông lớn, Diễm đương nhiên sẽ không còn phải chịu cảnh “du mục” để cải thiện thu nhập nhưng cô nói sẽ không bao giờ hối hận vì quyết định của mình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.